Thứ sáu Ngày 05 Tháng 07 Năm 2024, 03:38:10

Việt Nam luôn nỗ lực trong bảo đảm quyền con người

Ngày đăng: 13/05/2024

QK2 – Bảo đảm quyền con người (QCN) luôn được Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tôn trọng, bảo đảm QCN là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ; được cụ thể trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Điện Biên trao tặng nhà Đại đoàn kết cho gia đình ông Thào A Chua ở bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Nhé).

Việt Nam luôn thể hiện tính tích cực, có trách nhiệm trong quá trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về QCN. Ở Việt Nam, các QCN, quyền công dân được bảo đảm, bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật, được thực hiện minh bạch trong thực tiễn. Hiến pháp năm 2013 đã dành tới 36/120 điều để quy định QCN, quyền và nghĩa vụ của công dân; là cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, ban hành các luật, bộ luật trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm, bảo vệ QCN và quyền công dân.

Việt Nam luôn xác định con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước và luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thông qua các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các QCN về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 Việt Nam luôn nỗ lực trong bảo đảm QCN, nhất là trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về QCN theo các Công ước quốc tế về QCN mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể như trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) diễn ra tại Hà Nội chiều 15/4 vừa qua đã được tiến hành một cách nghiêm túc, toàn diện, có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan cũng như các cơ quan LHQ tại Việt Nam. Trong đó đã dẫn chứng cụ thể những thành tựu của Việt Nam về giảm nghèo đa chiều bền vững, đảm bảo an sinh xã hội (hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…), nâng cao đời sống của người dân, đảm bảo quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người bị nhiễm HIV/AIDS…) và các hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế và khu vực về QCN mà Việt Nam đã tham gia.

Với việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đạt được nhiều tiến bộ trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ công cộng và các cơ hội phát triển, đã giúp Việt Nam thăng hạng ở nhiều chỉ số phát triển. Năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, với tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%. Hằng năm Việt Nam dành trung bình khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tiến nhanh nhất trên thế giới về tăng Chỉ số phát triển con người (HDI). Chỉ trong vòng hơn thập kỷ, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng gần 50% thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tăng cao nhất thế giới. Theo một báo cáo mới được công bố hôm 14/3/2024 của Chương trình Phát triển LHQ, giá trị HDI của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 107 trên 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Báo cáo hạnh phúc thế giới thường niên lần thứ 10 của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của LHQ công bố ngày 20/3 vừa qua cũng nêu rõ chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, từ vị trí 65 (năm 2023) lên vị trí 54 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Theo các tổ chức và chuyên gia quốc tế, thực tế trên đã minh chứng Việt Nam luôn đặt con người là mục tiêu, động lực cho sự phát triển bền vững.

Từ năm 2019 đến tháng 11 năm 2023, Việt Nam tiếp tục nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến QCN, quyền của công dân như: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình  năm 2022; Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023…

Không chỉ thực thi, đảm bảo, thúc đẩy QCN ở trong nước một cách nghiêm túc, nhất quán, liên tục, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm QCN, luôn chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ QCN trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới vào năm 1948 và là thành viên sáng lập của Hội đồng nhân quyền LHQ vào năm 2006. Việt Nam cũng đã ký và tham gia 7/9 công ước quốc tế cơ bản về QCN…

Năm qua, Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tín nhiệm, nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Đặc biệt Việt Nam được tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao khi ứng cử tham gia thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025 và đã có nhiều sáng kiến về bảo đảm QCN, quyền lợi của các nước đang phát triển, quyền của các nhóm yếu thế… được cộng đồng quốc tế và các quốc gia ghi nhận, đánh giá cao. Điều đó thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực QCN.

Đó là những minh chứng rõ nét về những thành tựu trong bảo đảm QCN của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Những thành tựu về quyền con người những năm qua không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân mà còn tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Bài, ảnh: NGỌC VIỆT

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.