Thứ sáu Ngày 05 Tháng 07 Năm 2024, 03:44:02

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024): Phê bình và sửa chữa khuyết điểm, sai lầm theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 17/05/2024

QK2 – Năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, với bút danh X.Y.Z. Những chỉ dẫn của Người trong “Sửa đổi lối làm việc” vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa thiết thực đối với Đảng ta và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thi đua huấn luyện giỏi chào mừng Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí MInh ở Sư đoàn 316. Ảnh: NGỌC CƯỜNG

Ngẫm nghĩ, làm theo những điều chỉ dẫn của Người trong mỗi câu, mỗi ý của tác phẩm  “Sửa đổi lối làm việc” là việc làm rất bổ ích, thiết thực. Với cách viết ngắn gọn, xúc tích, mỗi trang, mỗi dòng đều toát lên sự chân tình, thẳng thắn, gần gũi, ai cũng đều có thể học làm theo. Đây là cuốn cẩm nang có nội dung sâu sắc, toàn diện về giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng của Đảng, của Nhà nước ta.

Với phê bình và sửa chữa: Người nêu mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phê bình và tự phê bình. Phải mau phê bình và sửa chữa để khắc phục khuyết điểm, vì “có tẩy sạch khuyết điểm, công việc mới có tiến bộ”. Người chỉ ra những căn bệnh mà mỗi cán bộ, đảng viên phải khắc phục, sửa chữa (chủ quan, hẹp hòi, ba hoa…). Người chỉ ra cách phê bình: “Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm… Chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người”.

Bệnh chủ quan là chứng bệnh kém lý luận hoặc lý luận suông. “Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Kết quả thường thất bại…”. Vì vậy, “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”.

Bệnh hẹp hòi “rất nguy hiểm… trong thì ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn kết; ngoài thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa… đều do bệnh hẹp hòi mà ra!”. Đó là những cán bộ chỉ thấy lợi ích bộ phận của mình, không thấy lợi ích của toàn thể. Vì ham danh vọng và địa vị cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa thì kéo vào, không ưa thì tìm cách bẩy ra…”.

Người nhấn mạnh “Để chữa khỏi những bệnh kia, ta phải tự phê bình ráo riết và phải lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình. Hai việc đó phải đi đôi với nhau… Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”.

Phê phán bệnh hẹp hòi, nhất là hẹp hòi trong việc dùng người, cả trong Đảng lẫn ngoài Đảng, với những biểu hiện khác nhau, Người rút ra nhiều nhận xét, kết luận thấm thía. “Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh, tham địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hóa, v.v., đều do bệnh hẹp hòi mà ra!”, “Vì ham danh và địa vị, cho nên khi phụ trách một bộ phận nào, thì lôi người này, kéo người khác, ưa ai thì kéo vào, không ưa thì tìm cách tẩy ra. Thế là chỉ biết có mình, chỉ biết có bộ phận mình mà quên cả Đảng. Đó là một thứ bệnh hẹp hòi, trái hẳn với nguyên tắc tập trung và thống nhất của Đảng”, “Cũng vì bệnh hẹp hòi đó mà cán bộ cấp trên phái đến và cán bộ địa phương không đoàn kết chặt chẽ”, “không thân mật hợp tác”.

Và theo Người: “Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên làm không nổi. Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết cách xử trí khôn khéo với các hạng đồng bào. Từ nay, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, phải kiên quyết chữa cái bệnh hẹp hòi đó để thực hành chính sách đại đoàn kết. Chính sách thành công thì kháng chiến mới dễ thắng lợi. Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi…, mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Bởi vậy, “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng”. Người còn yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải chống thói ba hoa, vì thói này, cũng hại như hai bệnh kia (chủ quan và hẹp hòi): “Vì thói ba hoa còn, tức là bệnh chủ quan và bệnh hẹp hòi cũng chưa khỏi hẳn”.

Trong giai đoạn hiện nay, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần phát huy trách nhiệm nêu gương, tự giác, thường xuyên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và vận dụng tốt những quan điểm, những phương pháp chỉ dẫn trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 và Kết luận 01 của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, phải phát huy vai trò chủ động, tự giác của bản thân cán bộ, đảng viên trong việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương cần có kế hoạch sửa chữa, khắc phục hạn chế, tồn tại, khuyết điểm đã chỉ ra, kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; kiên quyết trong quản lý, rèn luyện, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên mẫu mực về phẩm chất đạo đức và lối sống.

Đã 77 năm trôi qua, song tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc" của Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên giá trị và là kim chỉ nam trong công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị hiện nay.

NGUYÊN MINH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.