Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 02:20:15

Việt Nam là hình mẫu trong thực thi quyền con người

Ngày đăng: 15/11/2022

QK2 – Ngày 11/10/2022, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York (Hoa Kỳ), Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam cùng với 13 thành viên khác vào Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng quan trọng này kể từ sau nhiệm kỳ 2014 – 2016. Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của HĐNQ LHQ, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Tuy nhiên, không bằng lòng với kết quả này, các thế lực thù địch, phản động, cá nhân, tổ chức bất đồng chính kiến đã cố tình chống phá, xuyên tạc, bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Kể từ khi Việt Nam là quốc gia duy nhất của ASEAN ứng cử HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025, các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đã lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo, phủ nhận việc bảo đảm quyền con người và những đóng góp của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Họ đưa ra những luận điệu vu cáo “Việt Nam vi phạm nhân quyền nghiêm trọng”, “Việt Nam không đủ tiêu chuẩn vào thành viên HĐNQ LHQ”, “Việt Nam xem giá trị dân chủ, nhân quyền như kẻ thù”; cổ xúy quan điểm “đa đảng là dân chủ, độc đảng là độc tài”… Chúng cho rằng “Chính phủ Việt Nam cần nhận thức đúng về quyền con người khi chính thức là thành viên HĐNQ”… Đây là những lập luận hàm hồ, sai trái, đánh giá thiếu khách quan về tình hình nhân quyền và sự tín nhiệm của các quốc gia thành viên LHQ đối với Việt Nam.

Có một thực tế là, hiện nay vấn đề nhân quyền được LHQ và cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm nhằm mang lại cho con người một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Tuy nhiên, vấn đề này luôn được các quốc gia phương Tây sử dụng như một lá bài quen thuộc trong quan hệ quốc tế; thậm chí họ còn lợi dụng nhân quyền, dân chủ để hợp pháp hóa những hành động can thiệp quân sự trắng trợn vào các nước có chủ quyền mà họ cho là vi phạm nhân quyền. Họ công khai cho rằng, nhân quyền là một nhân tố quan trọng trong chính sách ngoại giao nước lớn; áp đặt giá trị, tiêu chuẩn nhân quyền của các quốc gia phương Tây với các nước còn lại; đồng thời, sử dụng vấn đề nhân quyền như một công cụ để gây sức ép về chính trị, kinh tế đối với các quốc gia mà họ cho là đi ngược lại lợi ích của dân chủ phương Tây. Đi đôi với những chính sách thiếu khách quan này, nhiều tổ chức phi chính phủ, nhiều kẻ bất đồng chính kiến, phản đối chế độ xã hội ở Việt Nam đã “cổ xúy” cho quan điểm của các nước phương Tây, xuyên tạc và cố tình bôi nhọ, nói xấu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy, đa số các quốc gia trên thế giới đều công nhận Việt Nam đã đạt được những bước tiến mới và thành tựu to lớn trong việc bảo vệ và phát huy quyền con người, quyền công dân. Điều 14, Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Hiến pháp 2013 của Việt Nam đã dành riêng một chương về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân". Trong đó, quyền con người luôn gắn liền với quyền dân tộc, được coi là mục tiêu, động lực xây dựng, phát triển đất nước. Mặc dù trình độ phát triển kinh tế còn thấp và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam đã sớm tham gia ký kết các công ước quốc tế (1982) về bảo đảm quyền con người, như: Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt với phụ nữ; Công ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội; Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị… Việc Việt Nam tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thể hiện quyết tâm và cam kết của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề này. Từ năm 1986 đến nay, Nhà nước Việt Nam đã ban hành hơn 40 bộ luật, luật và nhiều pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, như: Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật quốc tịch, Luật bình đẳng giới… Bởi vậy, mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ người dân, đáp ứng những nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Việc trúng cử vào HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2023 – 2025 không chỉ khẳng định vị trí, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, mà đó cũng là minh chứng về những thành tựu tiến bộ trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước gắn với việc thực thi, bảo đảm, thúc đẩy các quyền con người của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Với trọng trách tại HĐNQ LHQ, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào thúc đẩy tất cả các quyền con người, trong đó có việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo…

HẢI DƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.