Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 08:03:56

Giá trị lịch sử Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 01/01/2024

QK2 – Sau hơn một năm khi nước nhà độc lập (năm 1945), Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực không mệt mỏi để tìm kiếm hòa bình, nhưng thưực dân Pháp vẫn âm mưu “cướp nước ta lần nữa”. Ngày 19/12/1946, Đảng và Chính phủ đã chủ động phát động Cuộc kháng chiến toàn quốc. Nhân sự kiện này các thế lực thù địch lại tiếp tục viết bài, đăng video tuyên truyền, cho rằng chúng ta hiếu chiến nhằm gây chiến tranh.

Cán bộ Quân đội nghỉ hưu gặp mặt trao đổi về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam.

Như chúng ta đã biết, Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới nền độc lập của Việt Nam, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, không giấu diếm dã tâm xâm lược và cai trị nước ta một lần nữa. Trước tình thế đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt phân tích, đánh giá đúng tình hình, kịp thời đề ra những đối sách khôn khéo, linh hoạt, nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình trong mối quan hệ với nước Pháp để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc khó tránh khỏi. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do cho dân tộc, đồng thời tận dụng mọi nỗ lực ngăn chặn chiến tranh là phương châm nhất quán trong hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong bản Thông cáo đầu tiên về chính sách đối ngoại (ngày 03/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, mục tiêu của Việt Nam là tham gia giữ gìn hòa bình thế giới: “Đối với các nước đồng minh, Việt Nam mong muốn duy trì hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ, để xây dựng nền hòa bình thế giới lâu dài”. Về quan hệ với nước Pháp và nhân dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán quan điểm hòa bình, hữu nghị và hợp tác: “Nếu có những người Pháp muốn qua đây điều đình một cách hòa bình (từ trước tới nay chưa có một cuộc điều đình như vậy, nhưng giả sử có, lẽ tất nhiên chúng ta sẽ hoan nghênh)…”.

Với tinh thần hòa bình, hữu nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Chính phủ Pháp Hiệp định sơ bộ (ngày 06/3/1946), “tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động”. Hiệp định sơ bộ là quyết định đúng đắn, sáng tạo của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo thời gian hòa hoãn để nhân dân ta củng cố thành quả cách mạng mới giành được, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Trước tình thế khả năng hòa hoãn ngày càng giảm, nguy cơ xung đột quy mô lớn ngày càng tăng, ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng M.Moutet, đại diện Chính phủ Pháp, ký bản Tạm ước như một nỗ lực cuối cũng nhằm cứu vãn nền hòa bình đang bị đe dọa bởi cuộc chiến tranh mà các thế lực thực dân phản động Pháp đang ráo riết triển khai. Chính phủ Pháp nhận thi hành mấy điều chính ở Nam Bộ: Thả những người Việt Nam yêu nước bị bắt vì chính trị và vì kháng chiến; đồng bào Nam Bộ được quyền tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do viết báo, tự do đi lại…; hai bên đình chỉ mọi xung đột; Chính phủ Việt Nam bảo đảm cho Pháp một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam.

Việc ký Tạm ước 14/9 được Đảng ta xác định là một bước nhân nhượng cuối cùng. Đảng khẳng định: “Việc đi Pháp của Hồ Chủ Tịch và phái đoàn Chính phủ lần này tuy không đạt được mục đích ký một hiệp ước chính thức và toàn thể với thực dân Pháp, nhưng đã mang lại cho ta một kết quả tốt đẹp: làm cho nhân dân Pháp hiểu ta và ủng hộ ta hơn; làm cho dư luận quốc tế chú ý đến Việt Nam và hiểu sự hy sinh phấn đấu và nguyện vọng tha thiết của dân tộc Việt Nam”.

Ngày 18/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp Cao ủy Pháp D’Argenlieu tại Vịnh Cam Ranh để bàn cách thực hiện Tạm ước 14/9. Tuy không đạt được những yêu cầu về hòa hoãn, nhưng cuộc gặp tại Cam Ranh đã để lại những ấn tượng về một dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, về Hồ Chí Minh, người luôn nỗ lực cho hòa bình, hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp trong tâm tưởng của Cao ủy Pháp D’Argenlieu “Dù sao tôi vẫn có cảm tưởng rằng ông Hồ chân thành mong muốn, ít ra là trong một thời gian, sẽ tìm thấy ở sự giao hòa với Pháp một sự củng cố lại các kết quả đã giành được và bước đầu của những tiến bộ mới”.

Ngày 13/12/1946, tức là trước thời điểm Người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 6 ngày, trả lời phỏng vấn phóng viên Pháp, Người vẫn kiên trì để đàm phán hòa bình và khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh”. Người luôn luôn đề cao tinh thần hòa bình, giải quyết mọi vấn đề thông qua đàm phán, thương lượng và khẳng định: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam kiên quyết cộng tác thật thà với người Pháp…Người Việt người Pháp có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà để gây dựng hạnh phúc cho cả hai dân tộc”.

Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.

Trải qua 77 năm, trước sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị. Quán triệt quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kháng chiến toàn dân trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

NGỌC CƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.