Thứ tư Ngày 22 Tháng 05 Năm 2024, 07:30:06

Đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Ngày đăng: 19/08/2023

QK2 – Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, các thế lực thù địch, phản động bằng mọi âm mưu, thủ đoạn, với nhiều hình thức, nhất là sử dụng một số trang mạng xã hội để xuyên tạc, phủ nhận, bóp méo sự thật về tính chất và ý nghĩa của sự kiện lịch sử này. Chúng cho rằng Cách mạng Tháng Tám thành công không phải do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; không phải là sức mạnh đoàn kết toàn dân đứng lên làm cách mạng mà là nhờ sự ngẫu nhiên, “may mắn” của hoàn cảnh lịch sự. Đây là luận điệu thiếu khách quan, hoàn toàn sai sự thật với mục đích xấu xa của các thế lực thù địch, cơ hội.

Đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ảnh 1

Mít-tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu

Cần khẳng định rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành chính quyền trên cả nước không phải là một cuộc cách mạng vội vàng, ngẫu nhiên hay “ăn may”, bởi đây không chỉ là kết quả của cuộc vận động giải phóng dân tộc trong thời kỳ 1940 – 1945, mà còn là kết quả của quá trình cách mạng qua hai cuộc tổng “diễn tập” của phong trào cách mạng trong giai đoạn 1930 – 1931 và 1936 – 1939. Đồng thời, ngay từ mùa xuân năm 1945, với nhãn quan thiên tài, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dự báo sự tất thắng của Liên Xô và các lực lượng chống phát xít sẽ mở ra thời cơ cho cách mạng Việt Nam giành chính quyền. Vì vậy, với quan điểm tự lực, tự cường và tinh thần chủ động, sáng tạo “đem sức ta để giải phóng cho ta”, Người đã cùng Trung ương Đảng tích cực chuẩn bị lực lượng, chủ động tạo thế và lực bên trong để có thể huy động cao nhất sức lực của dân tộc đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

Để chuẩn bị lực lượng, ngay từ năm 1941, theo sáng kiến của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh đã được thành lập. Ngay sau ngày Nhật đảo chính lật đổ Pháp (9/3/1945), Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đảng đã xác định những chủ trương sáng suốt, kịp thời đề ra những biện pháp cụ thể, phù hợp nhằm phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa nông thôn với thành thị. Cùng với quá trình chuẩn bị công phu về lực lượng, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có những quyết định đúng đắn trong việc chọn thời điểm và địa điểm tiến hành khởi nghĩa. Sự đồng loạt khởi nghĩa ở tất cả các địa phương trong toàn quốc, mà trung tâm là Thủ đô Hà Nội đã làm cho kẻ thù không kịp hỗ trợ, cứu viện, bảo vệ lẫn nhau, dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền thân phát xít. Như vậy, thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thể hiện sự nhạy bén, quyết tâm chính trị cao độ của Đảng, Chính phủ và Nhân dân ta; biểu hiện tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, linh hoạt, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân trong quá trình đấu tranh,  khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền chứ không phải là sự ngẫu nhiên hay “ăn may” từ hoàn cảnh lịch sử như các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội thường tung hô.

78 năm sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, dân tộc Việt Nam đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới. Bên cạnh những xu thế khách quan thuận lợi và những thành tựu đạt được qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Với nhận thức thời cơ là lực lượng, Đảng và Nhà nước ta đang tập trung lãnh đạo toàn dân vượt qua khó khăn, “những cơn gió ngược” để giành những thành tựu to lớn hơn. Tuy nhiên, cách mạng nước ta cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ, trở lực mới, đặc biệt là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nguy cơ do nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác gây ra, cùng với những âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, lực lượng cơ hội, phản động trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Những khó khăn và trở lực trên đòi hỏi Đảng phải nắm vững bài học về chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị thời cơ, chuẩn bị thế và lực của Cách mạng Tháng Tám trước đây để lãnh đạo toàn dân tộc tiếp tục tiến lên vững chắc trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Đối với mỗi quân nhân trong Quân đội hiện nay, bên cạnh việc tập trung nâng cao trình độ huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp, xây dựng Quân đội cách mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại theo hướng “tinh, gọn, mạnh”… thì cũng cần chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng bản lĩnh, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Thường xuyên đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch; góp phần chung tay cùng với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong cả nước xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh hơn, để chứng minh cho giá trị, sức sống mãnh liệt của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự thật khách quan, không thể phủ nhận.

VŨ HẢI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.