Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 06:29:19

Thận trọng nhưng không hoang mang trước Covid-19!

Ngày đăng: 15/04/2023

"Độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần", "Ảnh hưởng trực tiếp đến phổi nên gây tử vong nhanh", "Không gây triệu chứng ở vùng mũi họng, mà ảnh hưởng trực tiếp đến phổi nên gây tử vong nhanh"… là những thông tin câu "like" gây sốc về Covid-19 trong một bài cảnh báo được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Liệu các biến thể mới của Covid-19 có thực sự đáng sợ như vậy? Người dân cần chủ động làm gì để hạn chế tối đa bị lây nhiễm?

Biến thể Covid-Omicron mới độc hơn trước 5 lần?

Cụ thể, thông tin này khẳng định: "Biến thể Covid-Omicron mới có khả năng lây nhiễm nhanh hơn cũng như lẩn tránh miễn dịch từ vaccine tốt hơn so với các biến chủng hiện nay. Điểm khác biệt, gây tử vong mà không thể phát hiện được là không ho, không sốt…

Biến thể Covid-Omicron mới: Độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần nên dĩ nhiên có tỉ lệ tử vong cao hơn. Mất ít thời gian hơn để đi đến tình trạng nghiêm trọng, và đôi khi không có triệu chứng gì trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng.

Thực tế điều trị thì một số bệnh nhân nhiễm biến thể Covid-Omicron mới không bị sốt hoặc bị đau, nhưng báo cáo có viêm phổi trên phim chụp X-quang. Điều này có nghĩa là virus sẽ phát tán trực tiếp đến phổi, dẫn đến suy hô hấp nhanh, do viêm cấp tính nguy hiểm đường hô hấp, với các tổn thương nặng ở phổi do virus gây ra. 

Xét nghiệm test nhanh ngoáy mũi thường âm tính với biến thể Covid-Omicron mới, và do vậy ngày càng có nhiều âm tính giả trong các xét nghiệm dịch mũi họng…".

Tin giả về biến chủng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội những ngày gần đây. Ảnh chụp màn hình

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại trong những ngày gần đây ở nước ta, nhất là ở Hà Nội, những thông tin trên đang khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế khẳng định đây là tin giả. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế cũng đang theo dõi các biến thể BA4, BA5, tuy nhiên chưa thấy các thông tin như nguồn tin phát tán trên trên mạng xã hội. WHO cũng chưa có các cảnh báo như vậy.

Đồng thời, đại diện Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng trước những thông tin không chính xác. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn hiện nay, người dân không nên chủ quan, cần tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế về việc phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên… nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Miền Bắc có sự gia tăng Covid-19 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Tại cuộc họp thông tin đến các cơ quan báo chí về công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiều qua (13-4), GS, TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu thực tế, tại khu vực phía Bắc đang có sự gia tăng ca mắc Covid-19, song tỉ lệ nặng/ca mắc không có sự thay đổi. Từ ngày 1-4 đến nay, số ca nặng trên tổng số mắc thấp hơn so với tháng 3.

"Trên thế giới, biến thể chiếm ưu thế gây dịch Covid-19 vẫn là Omicron với đặc tính lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng. Những nơi có tăng ca nặng là do số mắc tăng tương ứng", GS, TS Phan Trọng Lân lý giải thêm.

GS, TS Phan Trọng Lân cũng đưa ra đánh giá, hiện nay, dù số ca mắc có tăng nhẹ nhưng dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát, chúng ta vẫn đang ở cấp độ dịch 1 – tất cả đều màu xanh. Cấp độ này không chỉ đánh giá trên số mắc, còn dựa trên ca nặng, độ bao phủ vaccine và đáp ứng bảo đảm thu dung điều trị.

"Hiện nay, tỷ lệ nặng/mắc không có sự gia tăng đáng kể, kể cả đối với Việt Nam", GS, TS Phan Trọng Lân nói nhưng cũng lưu ý, các đối tượng như người lớn tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc Covid-19. Do đó, người dân cần tuân thủ việc tiêm vaccine phòng Covid-19 đúng lịch, đủ liều theo các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế.

Tiêm vắc xin cho trẻ. Ảnh minh họa: hanoimoi.com.vn

Không hoang mang nhưng không chủ quan, cần chủ động phòng tránh

Theo GS, TS Phan Trọng Lân, đến thời điểm này, biến thể phụ Omicron của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng.

“Một điểm cần lưu ý là đặc tính hiệu quả của vaccine trong phòng lây nhiễm với biến thể Omicron còn hạn chế, song khả năng phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong thì hiệu quả”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh vai trò của vaccine phòng Covid-19.

Rõ ràng, thời gian qua, hoạt động phòng, chống dịch của Việt Nam đạt hiệu quả nhờ đẩy mạnh tiêm vaccine. Vì thế, người dân có tâm lý chủ quan với biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn – chính điều này làm gia tăng sự lây nhiễm.

Trên thực tế, hiện số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc – nơi đang có sự giao mùa. Theo thống kê hiện nay, số ca mắc đã tăng khoảng gần 4 lần so với tuần trước đó; nguyên nhân một phần cũng là do thời tiết đang ở thời điểm giao mùa, nồm ẩm nên thuận lợi cho sự phát triển của virus. Trong khi đó, ý thức của con người, đặc biệt là việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở khám chữa bệnh có lúc có nơi chưa bảo đảm. Ngoài ra, hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19 cũng giảm dần theo thời gian…

Dự báo SARS-CoV-2 vẫn tồn tại và để điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống, chuyên gia y tế dự phòng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng để phòng, chống Covid-19 là cần hạn chế ca bệnh nặng, nhập viện, tử vong, đặc biệt đối tượng nguy cơ cao và giảm sự quá tải của hệ thống y tế.

Để làm được việc đó, người dân cần tăng cường tiêm phòng vaccine Covid-19 – coi đây là biện pháp hiệu quả, xuyên suốt, đặc biệt trên đối tượng nguy cơ cao, tiêm đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tất cả các đối tượng phải được rà soát, tiêm chủng; bên cạnh đó là sự tham gia của mỗi người dân, đặc biệt là người có nguy cơ cao.

Đặc biệt, người dân cần tiếp tục thực hiện khuyến cáo 2K + vaccine, đặc biệt tại cơ sở khám chữa bệnh, phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ tới sắp tới… Đối với đối tượng nguy cơ cao cần chủ động đeo khẩu trang bảo vệ bản thân, tránh lây nhiễm.

Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay cả nước đều ở cấp độ 1 – màu xanh, tuy nhiên cần theo dõi sát khi tình hình dịch thay đổi để có thể ứng phó kịp thời. Các địa phương cần tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết và phòng chống, tránh sự hoang mang cũng như chủ quan của người dân…

(Theo qdnd.vn)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.