Thứ hai Ngày 20 Tháng 05 Năm 2024, 12:42:42

Người tiêu dùng còn dễ dãi, thực phẩm “bẩn” còn đất sống

Ngày đăng: 09/05/2024

Khi mà người tiêu dùng vẫn dễ dãi cho qua hoặc làm ngơ trước những vi phạm về an toàn thực phẩm thì tình trạng chế biến, sản xuất kinh doanh thực phẩm “bẩn”, không đảm bảo an toàn vẫn tiếp diễn và nguy cơ ngộ độc vẫn luôn rình rập.

Có 3 yếu tố chính chi phối vấn đề an toàn thực phẩm đó là: người kinh doanh, sản xuất – nhà quản lý và người tiêu dùng. Ở “mắt xích” nào hiện nay cũng đều có vấn đề. Ngay cả với người tiêu dùng, không phải ai cũng nhận thức đầy đủ về an toàn thực phẩm, thậm chí một số người có thể nói là dễ dãi trong tiêu dùng.

Ở các đô thị lớn, không khó để thấy các hàng quán vỉa hè, thực khách ngồi tràn ra cả lòng đường bụi bặm, thậm chí ngay gần khu tập kết rác, sát rãnh nước hay trong những hầm cầu thang tối tăm ẩm thấp. Dường như không có giới hạn nào cho chuyện ăn uống. Đó là còn chưa kể nguồn gốc, chất lượng thực phẩm không ai biết thực hư ra sao nhưng nhiều người vẫn bất chấp ăn, bất chấp hậu quả trước mắt.

Nhiều người tiêu dùng chấp nhận đánh đổi sức khỏe vì sự tiện lợi và ngon miệng trước mắt. Ngay cả khi xảy ra vấn đề nào đó liên quan đến thực phẩm nếu không ảnh hưởng đến tính mạng thì thực khách cũng sẽ cho qua với tâm lý “con kiến kiện củ khoai”.

Người tiêu dùng còn dễ dãi trước những hàng quán không đảm bảo vệ sinh

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: đây là tâm lý chung của hầu hết mọi người, vô hình trung điều này đã dung túng cho những thực phẩm bẩn tiếp tục tồn tại.

Theo ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nước ta có khoảng 700.000 cơ sở chế biến thực phẩm, đa số ở quy mô vừa và nhỏ. Mặc dù công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm luôn được chính quyền và các bộ, ngành quan tâm song với nhân lực rất mỏng nên rất khó để kiểm soát được hết số lượng cơ sở lớn như vậy. Do đó, cùng với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm và đạo đức của người sản xuất kinh doanh thực phẩm, tăng cường quản lý của cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Vai trò của người tiêu dùng cực kỳ quan trọng bởi vì không ai thay thế họ được trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn. Người tiêu dùng không nên cứ chờ để một cơ quan hoặc ai đó kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm cho mình, trong khi đó mình không quan tâm gì đến. Trong Luật an toàn thực phẩm, nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm cũng đã được quy định rất rõ: Thứ nhất là tuân thủ đầy đủ các quy định hướng dẫn về của tổ chức của cá nhân sản xuất, kinh doanh trong vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Ví dụ: mua thực phẩm mà người ta hướng dẫn là phải bảo quản ở điều kiện 5 độ C chẳng hạn nhưng chúng ta mua về mà cứ để bên ngoài rồi nó ôi thiu, mốc hỏng thì ăn vào dễ bị ngộ độc. Cái đó sẽ không thuộc trách nhiệm của người sản xuất và cũng không có cơ quan nào giải quyết được. Trách nhiệm thứ hai của người tiêu dùng là kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm bệnh truyền qua thực phẩm với Ủy ban nhân dân, cơ quan y tế … nơi gần nhất. Thứ ba là người tiêu dùng có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng”, ông Nguyễn Hùng Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Hùng Long, trên trang web tại địa chỉ https://vfa.gov.vn, Cục An toàn thực phẩm thường xuyên đưa ra những thông tin hướng dẫn, khuyến cáo về lựa chọn, sử dụng, chế biến thực phẩm và thông báo công khai các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm cũng như các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để người tiêu dùng có thể truy cập và tham khảo.

Sự kết hợp đồng bộ từ các cơ quan quản lý, người sản xuất, người kinh doanh đến người tiêu dùng sẽ góp phần tạo nên thị trường thực phẩm an toàn, để thực phẩm kém chất lượng, mất vệ sinh… không còn đất sống.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Hùng Long, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, để bảo vệ sức khỏe chính bản thân cũng như gia đình và cả cộng đồng thì không ai khác chính người tiêu dùng nên phát huy vai trò của mình trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Chúng ta cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hóa đặc biệt là các loại thực phẩm cũng như nên thận trọng lựa chọn, mua và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt, khi đi ăn uống tại các nhà hàng thì chúng ta nên có sự đánh giá, thông qua mạng xã hội hoặc các phần mềm để giúp cho những người khác nhận biết được là cơ sở nào đảm bảo vệ sinh thực phẩm và cơ sở nào không đảm bảo để mọi người có sự lựa chọn đúng đắn”, BS Trương Hồng Sơn nói.

(Theo vov.vn)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.