Thứ ba Ngày 30 Tháng 04 Năm 2024, 11:57:27

Vợ bộ đội

Ngày đăng: 22/01/2022

QK2 – Mặc dù trời đã sang canh nhưng kể từ lúc mất điện đến giờ chị Liên vẫn không sao chợp mắt được. Một phần do thời tiết trong ngôi nhà ống lợp Fibro xi măng cũ kỹ của vợ chồng chị đã xây được gần mười năm vẫn còn nóng bức, một phần do chị suy nghĩ miên man, vừa thương chồng vừa thương cho chính bản thân mình.

Ảnh minh họa.

Thương chồng vì đã gần một năm nay do phải thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 mà anh chưa được về nhà thăm gia đình, vợ con. Còn thương bản thân mình vì đâu lại đi lấy một anh bác sĩ quân y! Quê thì từ dưới xuôi phải tay sách, nách mang lên vùng trung du sinh sống, lập nghiệp. Hồi tưởng lại thời là con gái, chị thấy mình đâu có đến nỗi. Gia đình chị tuy là nông dân nhưng nền nếp gia phong, kinh tế cũng tạm ổn. Thậm chí nhiều người còn phong chị là “Hoa khôi, Á hậu” của làng. Đã có nhiều chàng trai thuộc diện gia đình khá giả đến “cưa cẩm”, tán tỉnh chị, nhưng đều bị từ chối. Nhưng như có duyên từ kiếp trước, anh chị đến với nhau cũng rất tình cờ.

Chuyện là, lần ấy cách đây cũng hơn mười năm, chị chở mẹ bằng xe máy đến đơn vị thăm cậu em trai đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sau khi làm thủ tục đăng ký xong chị và mẹ được đồng chí đeo băng “trực ban” đưa vào doanh trại. Vừa ngồi xuống bàn, hai mẹ con được chỉ huy đại đội thông báo, cậu Đông chiều tối qua trong lúc đá bóng cùng các đồng đội, không may bị ngã, phải khâu 6 mũi ở lòng bàn chân, hiện đang nằm điều trị tại bệnh xá trung đoàn. Cả chị và mẹ đều hốt hoảng, lo lắng đứng ngồi không yên, muốn đến bệnh xá thăm Đông ngay tức khắc. Người đón tiếp chị và mẹ là Trung úy, bác sĩ tên Sơn. Thấy Đông sức khỏe bình thường, vết thương cũng đã được khâu, điều trị cẩn thận nên chị và mẹ cũng bớt phần lo lắng. Qua một ngày thăm em, chị và Sơn cũng đã quen nhau, chuyện trò rôm rả, rồi không quên lấy số điện thoại của nhau.

Sau lần ấy, Sơn thường xuyên gọi điện tâm sự, trò chuyện với Liên. Từ thân thành quen và họ đã yêu nhau lúc nào không biết. Trong thời gian nghỉ phép năm đó, Sơn đã làm Liên và gia đình siêu lòng. Cũng may mắn cho Sơn vì có “nhạc phụ” là cựu chiến binh nên ủng hộ anh rất nhiệt tình. Một thời gian sau, đám cưới được tổ chức trong niềm vui khôn xiết của cả đơn vị và hai bên gia đình.

Hơn một năm sau, Liên sinh cậu con trai đầu lòng. Hết thời gian ở cữ, chị đi làm công nhân may, cách nhà chồng hơn 30 cây số và cách nơi anh công tác chỉ 5 cây số. Anh chị bàn đi tính lại và quyết định dồn hết vốn liếng, tài sản tích góp được cùng sự giúp đỡ của hai bên gia đình để mua ngôi nhà ở gần đơn vị, những mong sớm tối vợ chồng được gần nhau. Nhưng nghĩ là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác. Vài ba tuần anh mới được nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật. Cuộc sống tưởng thế là tạm ổn, nào ngờ đùng một cái do yêu cầu nhiệm vụ của trên, chồng chị được điều động luân chuyển đến công tác tại bệnh viện quân y ở một tỉnh biên giới, cách gia đình hơn 300 cây số. Kể từ đó, anh ít có điều kiện về với vợ con, gia đình. Thấm thoát thoi đưa, đã hơn 8 năm anh gắn bó với vùng đất biên ải xa xôi, nhưng số thời gian anh chị gần nhau thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong hơn năm qua gia đình Liên xảy ra nhiều nhiều biến cố. Bố chồng chị  chết vì ung thư. Mẹ đẻ chị phát hiện suy thận độ 3, coi bệnh viện là nhà. Sơn – chồng chị đều biết nhưng không có điều kiện thăm nom, động viên, chăm sóc người thân. Hằng tháng anh đều đặn gửi lương để vợ chi tiêu, chăm lo cho gia đình, con cái.  Số tiền lương anh gửi không nhiều, nhưng cũng đủ để chị trang trải cuộc sống thường nhật của ba mẹ con. Dù dịch dã nhưng thu nhập của anh vẫn ổn định, còn số tiền lương ít ỏi của chị thì tiết kiệm, tích lũy.

Chị Nga, nhà sát tường và thân với chị Liên nhất có chồng làm nghề đầu bếp cho nhà hàng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chồng chị về nghỉ không lương. Hai vợ chồng chị Nga chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của vợ. Còn chị Ngân ở cùng khu dân cư làm nghề bán ăn sáng tại nhà, có chồng làm nghề lái xe khách nhưng vì dịch mà cũng ở nhà không lương đến gần một năm nay. Không những thế, chồng chị Ngân còn có mối quan hệ nam nữ ngoài luồng, chỉ đến khi nghỉ ở nhà mới “cháy nhà ra mặt chuột”. Chị tự nhủ với mình, thôi so bì với doanh nhân, doanh nghiệp không dám nói, nhưng so với mấy chị em cùng trang lứa ngay trong khu dân cư thì cuộc sống của gia đình mình cũng ổn định hơn cả. Nhất là anh Sơn chồng chị luôn dành tình yêu thương hết mực cho vợ con, gia đình. Liên suy nghĩ miên man rồi thiếp đi lúc nào không biết…

Về phần Sơn, từ ngày dịch bệnh bùng ra, anh và các đồng đội trong bệnh viện quân y làm việc không kể ngày đêm, sớm tối. Địa phương nơi anh công tác cũng đã xảy ra dịch. Sơn được giao dẫn đầu đoàn y, bác sĩ tăng cường giúp địa phương vào làm việc trong khu cách ly. Hằng ngày, các bác sĩ phải thăm khám, xét nghiệm, tiếp xúc trực tiếp với những người thuộc diện F1 và người đi từ vùng có dịch trở về, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Song vì nhiệm vụ, anh và các chiến sĩ quân y không ngại vất vả, hiểm nguy, miệt mài làm việc, giúp địa phương khoanh vùng nhanh, dập dịch gọn. Trở về bệnh viện được ít ngày, anh lại có lệnh tăng cường vào miền Nam chống dịch. Anh chỉ kịp gọi điện thoại thông báo cho vợ biết tình hình và làm công tác tư tưởng để vợ yên tâm.

Ở nhà, Liên như ngồi trên đống lửa. Chị liên tục gọi điện hỏi thăm công việc, sức khỏe của chồng, nhưng anh không có thời gian nghe điện thoại. Anh còn dặn chị đừng gọi nhiều. Khi nào rảnh anh sẽ chủ động gọi điện về.

Hằng ngày, chị vừa phải đi làm, vừa chăm lo cho hai con, đứa trai lớn lên mười, còn đứa con gái thứ hai mới vào lớp một, nên ngoài công việc gia đình, chị Liên còn có thói quen chờ đợi điện thoại của chồng. Mỗi lần anh điện về là cả ba mẹ con lại xúm xít, chuyện trò, hỏi han bố đủ thứ chuyện trên đời.

Một hôm, đã gần mười giờ tối, điện thoại của chị đổ chuông, anh gọi qua ứng dụng Za lô. Hai con chị vội vã reo lên:

– Mẹ ơi, bố con gọi, bố gọi.

– A lô, em đây! Sao giờ này anh vẫn mặc quần áo bảo hộ, hôm nay anh không phải trực đêm à?

– À, ba ngày anh mới phải trực đêm một ngày. Anh vừa đi làm ở bệnh viện dã chiến về đến phòng, nhớ mẹ con em quá nên điện thoại nói chuyện tý, rồi tắm giặt đi ngủ sau.

– Anh ăn uống gì chưa, công việc hôm nay có vất vả lắm không anh? Số ca nhiễm mới, số người tử vong ra sao anh?

– Hôm nay tỷ lệ lây nhiễm và số người tử vong giảm hơn so với ngày hôm qua. Nhưng một số ca mắc mới ngoài cộng đồng, chưa rõ nguồn lây, việc truy vết khá phức tạp. Còn chuyện ăn nghỉ thì anh và các đồng đội được cán bộ và người dân trong này đón tiếp rất trọng thị, được bố trí ăn nghỉ rất chu đáo. Em và các con không phải lo lắng cho anh đâu.

– Bố, bao giờ bố về. Lâu quá rồi bố không về nhà thế!

– Bao giờ trong này hết dịch bố sẽ    về nhà.

– Bố hứa rồi đấy nhé. Bố không về con không yêu bố nữa đâu!

Nghe các con nói vậy, cảm xúc trong chị Liên bỗng dâng trào, mắt chị đỏ hoe. Chị cố kìm nén nói với anh bâng cua vài câu rồi tắt điện thoại. Chị nhẩm tính, vậy là đã 345 ngày chị chưa được gặp anh. Nhưng ở nơi xa ấy anh luôn hướng về chị và các con, đó là nguồn động lực to lớn giúp chị vượt qua. Dù phải vất vả làm việc, nuôi dạy con cái vất vả đến mấy, nhưng chị sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để anh yên tâm công tác. Chị thầm nghĩ, nếu có phép màu được quay lại thời con gái, thì chị vẫn sẽ chọn anh làm chồng.

Công việc ở công ty may cuốn chị vào, khiến cho thời gian như trôi đi nhanh hơn. Một tuần rồi hai tuần qua đi. Ngày ngày, chị chú ý xem tin tức thời sự nơi miền Nam xa xôi y như các cụ ngày xưa chờ tin chiến trận. Dịch Covid-19 ở miền Nam và nhiều nơi đã được kiểm soát; cuộc sống của người dân trở vào trạng thái bình thường mới. Hôm gặp mặt chia tay đoàn cán bộ y, bác sĩ tăng cường chống dịch, được truyền hình trực tiếp trên ti vi, chị và mấy người hàng xóm ngồi xem, trong đó có anh lên nhận phần thưởng. Mọi người đều tấm tắc khen bác sĩ Sơn can đảm, giỏi giang. Có người còn bảo số chị Liên may mắn vì lấy được chồng là bác sĩ quân y. Trong sâu thẳm lòng mình chị cũng thấy rạo rực, lâng lâng khó tả. Niềm vui lộ rõ qua gương mặt trái xoan và đôi mắt biết cười của chị. Chị vui vì mình được làm vợ bộ đội.

Truyện ngắn của ĐÀO DUY TUẤN

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.