Thứ ba Ngày 21 Tháng 05 Năm 2024, 02:57:13

Không ngừng vun đắp truyền thống “Trung thành – Tự lực – Đoàn kết – Kiên cường – Sáng tạo – Chiến thắng”

Ngày đăng: 30/04/2024

QK2 – Sau chiến thắng Biên giới thu đông 1950, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Cuộc kháng chiến của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn phát triển mới, thế chủ động trên chiến trường đã thuộc về ta, yêu cầu chiến lược đặt ra cần có khối chủ lực cơ động “Quả đấm mạnh” tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng đất đai và vùng giải phóng. Cùng với sự ra đời các Đại đoàn 308, 304, 312, 320, 325 và 351, Đại đoàn 316 được thành lập (Ngày 1/5/1951; tại Thôn SLắng, nay là thôn Đoàn Kết, xã Bình Trung, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đã đánh dấu một bước trưởng thành, lớn mạnh, vững chắc của quân đội ta; đáp ứng kịp thời với yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến đang tiến tới giai đoạn liên tục tiến công và giành thắng lợi.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, những chiến sĩ của Đại đoàn, người con của núi rừng Việt Bắc, Đông Bắc đã nhận lệnh tiến xuống trung du, đồng bằng Bắc Bộ, hoạt động trên một địa bàn rộng lớn trải dài từ Bắc Ninh qua Bắc Giang sang Vĩnh Phúc, đánh vào vùng sau lưng địch, chia lửa với chiến dịch Hòa Bình. Những trận đánh tập kích tiêu diệt tháp canh, những trận công đồn Quất Lâm, Larivê, Lạc Thổ, những trận phục kích đánh địch càn quét đã góp phần cùng quân và dân cả nước liên tục giữ vững và phát huy thế chủ động trên chiến trường, đẩy thực dân Pháp vào thế lúng túng bị động.

Chiến sĩ công binh Đại đoàn 316 mở đường chuẩn bị Chiến dịch Thượng Lào năm 1953. (Ảnh: Tư liệu)

 Hoàn thành nhiệm vụ ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Sư đoàn lại hành quân tham gia chiến dịch Tây Bắc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, “giúp bạn là tự giúp mình”, từ Tây Bắc, Sư đoàn lên đường tham gia chiến dịch Thượng Lào. Chiến dịch Thượng Lào thắng lợi, Sầm Nưa được giải phóng và trở thành căn cứ, trung tâm đầu não, thủ đô kháng chiến của cách mạng Lào.

Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 đánh chiếm Đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: Tư liệu)

Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 đánh chiếm đồn C1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. (Ảnh: Tư liệu)

Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, trở về nước, Sư đoàn tham gia cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân (1953-1954) giải phóng Lai Châu và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đặc biệt, trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, còn vang vọng mãi những chiến công của Đại đoàn 316 với những trận đánh ác liệt, nảy lửa trên đồi A1, C1, C2. Tiếng nổ từ quả bộc phá ngàn cân trong lòng đồi A1 do Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba phát lệnh là hiệu lệnh tổng công kích vào sào huyệt của giặc Pháp xâm lược trên chiến trường Đông Dương. Chiến công của Sư đoàn mãi được ghi vào lịch sử chiến đấu của quân đội ta như một mẫu mực của lòng quả cảm, đức hy sinh và tinh thần sáng tạo, vượt khó để giành thắng lợi.

Thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam sau gần 100 năm đô hộ trên đất nước ta (1858 – 1954), hoà bình lập lại trên quê hương Tây Bắc. Lúc này, để đáp ứng yêu cầu cách mạng mới, theo quyết định của Bộ, từ năm 1955 đến năm 1958, Đại đoàn 316 đổi tên thành Sư đoàn 316 có nhiệm vụ vừa tập trung củng cố xây dựng lực lượng vừa tham gia xây dựng cơ sở chính quyền địa phương và giúp nhân dân lao động sản xuất.

Năm 1958, Sư đoàn 316 được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ trở lại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, cùng đồng bào Tây Bắc dốc sức, chung lòng biến vùng đất còn đầy vết thương chiến tranh trở thành những cánh đồng xanh tươi màu mỡ. Trước lúc lên đường trở lại Điện Biên Phủ, một vinh dự to lớn đến với Sư đoàn, ngày 10 tháng 3 năm 1958, Bác Hồ đến thăm, động viên và tặng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn bài thơ:

Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá

Núi cao, chí khí ta còn cao hơn

Khó khăn ta quyết vượt cho kỳ được

Gian khổ không làm lòng ta sờn

Đảng phái ta lên mặt trận sản xuất

Nhiệm vụ ấy ta quyết làm cho tròn

Đội ơn đào tạo người quân đội

Quyết chí đền bù nghĩa nước non.

Nhớ lời Bác căn dặn, ngày 14 tháng 4 năm 1958, Đảng ủy Sư đoàn họp ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tây Bắc. Cùng lúc này Sư đoàn chuyển biên chế thành Lữ đoàn. Mặc dù những ngày đầu đứng chân trên Tây Bắc vô cùng thiếu thốn và khó khăn, song nhờ tình cảm, niềm tin và sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với Lữ đoàn 316 đã trở thành động lực to lớn, tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi gian khổ, đem mồ hôi, xương máu góp phần cùng nhân dân Tây Bắc xây dựng Nông trường Điện Biên trở thành nông trường quốc doanh đầu tiên của cả nước. Lữ đoàn vinh dự là đơn vị đầu tiên của Quân đội ta thực hiện kết hợp hai nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng kinh tế.

Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, những người lính tình nguyện của Sư đoàn đã từng tham gia chiến dịch Thượng Lào (năm 1953) nay tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ quốc tế dưới tên gọi Lữ đoàn 316 (đến tháng 3 năm 1964, Bộ Tổng tư lệnh quyết định Lữ đoàn 316 chuyển thành Sư đoàn 316) đã kề vai sát cánh cùng quân đội và nhân dân bạn Lào chống lại kẻ thù chung. Lần thứ 2 chiến đấu trên chiến trường các tỉnh Bắc Lào, Sư đoàn đã tham gia hầu hết các chiến dịch như Luông Nậm Thà, Toàn Thắng, 74B, Mường Sủi đến các chiến dịch phản công, tiến công và phòng ngự ở Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, cùng với những trận đánh và chiến công vang dội ở Pa Thí, Nà Khằng, Mường Hiềm, Nậm Bạc, Bản Ang, Cánh Đồng Chum, Sảm Thông, Long Chẹng… Đối mặt với bao gian khổ, khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy…, nhưng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 vẫn kiên trì bám giặc, tiến vào sào huyệt kẻ thù, cùng quân dân nước bạn Lào chiến đấu và làm nên chiến thắng. Trong suốt thời gian hơn 10 năm liên tục làm nhiệm vụ quốc tế, chiến đấu chống lại kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai trên đất bạn Lào, Sư đoàn 316 đã nêu cao tinh thần quốc tế thuỷ chung trong sáng, để lại sự cảm phục, tin yêu và ấn tượng tốt đẹp về người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam.

Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27 tháng 1 năm 1973 chưa ráo mực thì đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã trắng trợn phá hoại Hiệp định. Sư đoàn 316 từ chiến trường Bắc Lào trở về nước đóng quân ở phía tây tỉnh Nghệ Tĩnh, nhanh chóng ổn định nơi ăn ở, sinh hoạt và huấn luyện bộ đội, sẵn sàng nhận lệnh cấp trên. Ngày 15 tháng 1 năm 1975 Sư đoàn nhận lệnh hành quân vào Nam chiến đấu. Toàn Sư đoàn đã băng đèo, vượt suối, cùng với các đơn vị bạn như một dòng sông lớn cuồn cuộn hướng về phương Nam với phương châm “đi nhanh, đến đủ, an toàn, bí mật”.

Ngày 3 tháng 2 năm 1975, tại Đắc Đam, Sư đoàn nhận lệnh tham gia chiến dịch Tây Nguyên – chiến dịch mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Với sức đột kích dũng mãnh, cách đánh táo bạo, linh hoạt, bất ngờ, Sư đoàn đã nhanh chóng làm chủ chiến trường, tiêu diệt sở chỉ huy Sư đoàn 23 Nguỵ, đập tan các cuộc phản kích của địch, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên và chiến thắng giòn giã của Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh vào sào huyệt cuối cùng của quân Mỹ, Ngụy. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa”, Sư đoàn 316 trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 3, một trong 5 cánh quân thần tốc, táo bạo tiến đánh vào hướng tây bắc Sài Gòn. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 đã kiên cường, mưu trí, dũng cảm chiến đấu tiến công các cứ điểm địch, cắt đứt tuyến đường Sài Gòn – Tây Ninh; kiềm chế, tiêu diệt lực lượng Sư đoàn 25 Ngụy, làm chủ địa bàn Trảng Bàng, Tây Ninh, Bầu Nâu, Phước Mỹ…, mở cánh cửa thép phía tây, cùng với các cánh quân của ta tiến vào Sài Gòn, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước độc lập, thống nhất, Sư đoàn 316 nằm trong đội hình Quân đoàn 3 thực hiện nhiệm vụ ở vùng mới giải phóng. Ngày 9 tháng 6 năm 1976, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ra quyết định điều động Sư đoàn 316 từ Quân đoàn 3 về Quân khu 1. Lúc này Quân khu 1 được thành lập trên cơ sở hợp nhất Quân khu Việt Bắc và Quân khu Tây Bắc.

Để hoàn chỉnh thế bố trí chiến lược của cả nước và tăng cường sức mạnh của các lực lượng vũ trang, kịp thời đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của cách mạng, Quân khu 2 được thành lập, Sư đoàn 316 trở thành Sư đoàn chủ lực cơ động của Quân khu 2. Chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của trên, Sư đoàn 316 đã cùng quân và dân cả nước bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, là đơn vị chủ lực tập trung cơ động của Bộ và Quân khu, cùng với các đơn vị trong toàn quân và lực lượng vũ trang Quân khu 2, Sư đoàn 316 bước vào thời kỳ xây dựng đơn vị “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Trong giai đoạn này, Sư đoàn đã thường xuyên chủ động, vừa xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện vừa huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tích cực đấu tranh phòng chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan – chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao; công tác xây dựng chính quy có tiến bộ; đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân tốt; các cơ quan, đơn vị chuyển biến tiến bộ đồng đều, đủ khả năng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Với bề dày lịch sử và thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Sư đoàn được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 17 tập thể và 23 cán bộ, chiến sĩ; 1 Huân chương Hồ Chí Minh; 85 Huân chương Quân công, hàng nghìn huân chương Chiến công cùng nhiều huân chương, huy chương, cờ thưởng cao quý khác. Trong thời kỳ đổi mới, Sư đoàn được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và nhiều phần thưởng của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu trao tặng. Đặc biệt, Sư đoàn được nước bạn Lào tặng thưởng 2 Huân chương Ixala.

Sinh ra trên vùng quê cách mạng, từ những đơn vị có truyền thống chiến đấu và chiến thắng, những người lính đầu tiên của Đại đoàn phần lớn đều là con em các dân tộc Việt Bắc, những người đã một lòng thủy chung với Đảng, với cách mạng từ thưở: “cháo bẹ, cơm ngô”. Đó là nền móng, là điểm tựa đầu tiên để cùng với sự chăm lo dìu dắt của Đảng, của Bác Hồ, của đồng bào các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước mà Sư đoàn ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, chiến đấu và chiến thắng góp phần tạc vào lịch sử dân tộc những mốc son chói lọi.

Lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 316 kiểm tra vật chất, mô hình, học cụ chuẩn bị huấn luyện năm 2024.

Phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được, thời gian tới, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả, nghị quyết, chỉ thị của các cấp. Trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XIII) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XIII) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị 87, Chỉ thị 855 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 847 về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn gặp gỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 thi đua huấn luyện giỏi.

Các đơn vị Sư đoàn 316 thường xuyên chú trọng, quan tâm nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148 tổ chức các hoạt động cổ động thao trường trong huấn luyện.

Tập trung đột phá thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ; quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính, sử dụng thành thạo VKTBKT hiện có, nhất là VKTBKT, khí tài mới; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; tham gia hội thi, hội thao các cấp giành được thành tích cao.

Các cơ quan, đơn vị Sư đoàn 316 thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn tích cực giúp nhân dân huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái khắc phục hậu quả thiên tai năm 2023.

Đẩy mạnh phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa lành mạnh. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ với bản thân, đơn vị, gia đình và xã hội; xây dựng Đảng bộ Sư đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; đơn vị vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Sư đoàn 316 phối hợp với Bảo tàng Quân khu tổ chức triển lãm tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chiến tranh đã đi qua, những chiến công và nhiều phần thưởng cao quý mà Sư đoàn vinh dự được đón nhận mãi còn đó. Và lịch sử Sư đoàn sẽ mãi mãi còn ghi lại những hy sinh xương máu của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã đổ xuống, xứng đáng với truyền thống vẻ vang “Trung Thành – Tự Lực – Đoàn Kết – Kiên Cường  Sáng Tạo – Chiến thắng”, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Truyền thống vàng son đó mãi mãi là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Đại tá NGUYỄN TRUNG ĐẮC, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 316

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.