Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 11:55:36

Rộn ràng Tết Hoa của dân tộc Cống

Ngày đăng: 03/12/2018

QK2 – Tết Hoa (Mền loóng phạt ai) của người Cống thường được tổ chức khi vụ mùa đã xong và diễn ra vào tháng 10, 11 Am lịch. Đối với người Cống, đây là nghi lễ cổ truyền, là dịp để đồng bào Cống sum họp, tổng kết một năm lao động sản xuất và bày tỏ lòng biết ơn đến tổ tiên, thần linh đã phù hộ, đồng thời cầu mong một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người đều mạnh khỏe.

Người dân tộc Cống múa hát, vui chơi trong ngày Tết Hoa.

Tết Hoa gồm có phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức tại nhà của thầy cúng hoặc trưởng dòng họ. Các lễ vật người dân dâng lên cúng đều là các nông sản do gia đình làm ra hay đánh bắt được như: bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, củ đậu, bánh chưng, cá suối, gà, rượu, sóc, chuột. Tất cả các đồ lễ này đều được sắp theo đôi. Ngoài ra, bên bàn cúng, người Cống còn để những dụng cụ lao động như lưỡi dao, lưỡi liềm bởi họ quan niệm những vật dụng này đã cùng con người vất vả lao động cả năm nên cũng có công lao.

Trong Tết Hoa không thể thiếu một loài hoa mà người Cống gọi là Xi li và Le le, (hoa mào gà). Tất cả các gia đình dân tộc Cống đều trồng giống hoa này trên nương để hái vào dịp Tết bởi theo họ hoa Mào gà biểu trưng cho may mắn. Để chuẩn bị cho lễ cúng, từ sáng sớm, chủ mỗi gia đình đều lên nương hái hoa mang đến nhà thầy cúng, cùng nhau trang trí cổng và nơi thờ cúng – nơi sẽ diễn ra một số nghi lễ chung của cả bản. Theo quan niệm của người Cống, nếu chưa tổ chức Tết Hoa, không gia đình nào được đi phát nương, đào củ sắn, củ mài trên nương và vui chơi, ca hát.

Đến giờ tốt, thầy cúng đánh hồi chiêng báo hiệu lễ cúng Tết Hoa bắt đầu. Trong bài khấn, thầy cúng thay mặt cho dân bản báo cáo tình hình mùa màng trong năm và cầu xin năm tới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người khỏe mạnh, may mắn, an lành… Làm lễ khấn xong, thầy cúng nâng chén rượu đầu tiên chúc mọi người sức khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt, mời mọi người uống rượu cần được ủ bằng nếp mới và phá cỗ. Kết thúc phần lễ tại nhà thầy cúng là lúc tại các gia đình bắt đầu tổ chức lễ cúng riêng. Sau đó các gia đình qua chúc Tết nhau, cụng nhau chén rượu, chung nhau mâm cơm, hát múa suốt 2 – 3 ngày tết.

Đêm đến, khi trăng lên chênh chếch phía đầu bản, người dân và du khách bước vào phần hội. Tất cả mọi người tập trung ở bãi đất rộng cùng nhau hòa nhịp trong tiếng trống, tiếng chiêng. Vừa ca múa, mọi người vừa cầm những hạt thóc ném ra xung quanh. Sau một đêm nhảy múa tưng bừng, đến sáng sớm hôm sau, các chàng trai người Cống khỏe mạnh tập trung so tài ở các môn thể thao truyền thống của dân tộc Cống như: Đánh cù, đẩy gậy, kéo co…

Có lẽ cũng bởi giữ được nguyên vẹn bản sắc dân tộc của mình, mà mỗi khi Tết Hoa của người Cống được tổ chức đã thu hút đông đảo người dân, du khách trên địa bàn tới tham dự.

VŨ HƯƠNG (ST)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.