Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 02:05:33

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày đăng: 04/03/2024

QK2 – Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 25km, khu di tích lịch sử Mường Phăng nằm trong rừng nguyên sinh dưới chân núi Pú Đồn. Nơi đây là vị trí làm việc 105 ngày của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy…

Trong 105 ngày (từ 31/1/1954 đến 15/51954), tại căn cứ ở Mường Phăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng dọc theo con suối nhỏ trong rừng Mường Phăng, chạy quanh chân núi, trên một diện tích tự nhiên khoảng 90km2. Nơi đây được người dân địa phương trìu mến gọi là “rừng Đại tướng”.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khu di tích Mường Phăng.

Đến đây, du khách có thể thấy khu di tích Mường Phăng vẫn lưu giữ được các công trình có giá trị lịch sử tiêu biểu như: Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; lán ở, nơi làm việc, hầm ngủ của Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban Thông tin chiến dịch Hoàng Đạo Thúy… Trạm gác tiền tiêu, lán ngủ điện báo viên, hầm tổng đài điện thoại, lán làm việc của Ban Thông tin, nhà tác chiến – nơi giao ban hằng ngày của Bộ Chỉ huy, hội trường – nơi diễn ra các hội nghị cán bộ do Đảng ủy và Bộ Chỉ huy triệu tập, bếp Hoàng Cầm… Đặc biệt, đường hầm xuyên núi dài 96m, nối lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang lán Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cũng được thắp sáng cho du khách vào tham quan. Gần Sở chỉ huy ở Mường Phăng còn có đài quan sát trên đỉnh đồi cao, có thể nhìn bao quát thung lũng Mường Thanh.

 Điều thích thú với du khách là được tận mắt nhìn thấy bếp Hoàng Cầm. Đây là một loại bếp dã chiến, có công dụng làm tan loãng khói bếp tỏa ra khi nấu ăn nhằm tránh bị máy bay phát hiện từ trên cao, cũng như ở gần. Bếp có nhiều đường rãnh để thoát khói, nối liền với lò bếp, bên trên rãnh đặt những cành cây và phủ một lớp đất mỏng được tưới nước để giữ độ ẩm. Khói từ trong lò bếp bốc lên qua các đường rãnh chỉ còn là một làn hơi nước tan nhanh khi rời khỏi mặt đất. Do đó, bếp Hoàng Cầm nấu được cả ban ngày lẫn ban đêm mà không sợ lộ khói lửa, theo tinh thần “đi không dấu, nấu không khói”.

THU HUYỀN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.