Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 04:40:53

Về Đại Minh mùa bưởi

Ngày đăng: 10/12/2018

QK2 – Đại Minh là xã vùng thấp của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, là nơi mà người ta thường ví von “một con gà gáy sáng khiến người dân cả ba tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ đều nghe thấy”. Qua Phú Thọ đến Đoan Hùng, ngược theo Quốc lộ 70 lên ngã ba Cát Lem, chính đấy là một địa danh thuộc Đại Minh, một vùng đất bưởi trù phú.

Cùng dải đất dọc ven sông Chảy, sông Lô, khí hậu thổ nhưỡng hợp với giống cây ăn quả có múi, mà đặc trưng lại là giống bưởi. Bưởi Đoan Hùng, Phú Thọ thì đã nức tiếng cả nước, cả trong lịch sử lẫn hiện tại, nhưng về Đại Minh mùa bưởi thì đâu đâu, trong làng, ngoài xã đều nức thơm mùi bưởi chín, chẳng kém vùng bưởi Đoan Hùng.

Các cụ bô lão ở Đại Minh kể rằng, bưởi Đại Minh là giống quý, được phát hiện cách nay trên ba thế kỷ và được người dân trong vùng gọi “bưởi tiến Vua”.   Nơi đây bưởi mọc thành rừng, lũ trẻ con hái bưởi đóng thành bè bơi sông, quả bưởi trôi xuôi về vùng hạ lưu, người ta vớt lên ăn thấy ngon lên ngược sông tìm đến làng Khả Lĩnh. Từ đó hàng năm dân làng Khả Lĩnh đều chọn những quả ngon nhất để tiến Vua. Bưởi Đại Minh cho quả ngon và ngọt, từ lâu đã trở thành đặc sản của vùng quê này và là niềm tự hào của người dân Yên Bình. Hiện ở thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh còn một một số cây bưởi cổ có tuổi đời khoảng 200 năm. Giống bưởi Đại Minh đã và đang được trồng ở hơn hai chục xã, thị trấn trong vùng. 

Thôn đội trưởng Hoàng Văn Nam (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc giống bưởi Đại Minh với đồng đội

Đầu mùa đông này, cũng như bao gia đình khác, vườn bưởi của Thôn đội trưởng Hoàng Văn Nam ở thôn Đại Thân 2 đang vào vụ thu hoạch, cây nào cây nấy xòe tán rộng, đều chằn chặn, quả sai lúc lỉu. Với 240 gốc bưởi, dự kiến năm 2018 này cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Trong căn nhà khang trang vừa xây cất với chi phí hơn 1,2 tỷ đồng, chủ yếu thu từ bán bưởi tích cóp được, anh Nam chia sẻ chuyện làm ăn. Anh kể, xưa kia, bưởi vườn nhà mọc tự nhiên, theo hướng tự phát. Khoảng hai chục năm trước, anh cùng gia đình đầu tư, quy hoạch trồng, chăm sóc bưởi theo hướng sản xuất hàng hóa. Giai đoạn đầu gặp bao khó khăn, nhọc nhằn, thậm chí thất bại; nhưng không chịu khuất phục được ý chí quyết tâm của người Thôn đội trưởng ấy. Anh chịu khó tham khảo học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư, bỏ công sức, vì thế giờ thu nhập từ bưởi đều hằng năm. Anh có thời gian tham gia công tác xã hội, phụ trách công tác quân sự – quốc phòng ở khu.

Trên đất bưởi Đại Minh, nhà nhà đua nhau trồng bưởi, tuy nhiên cũng có những hộ gia đình, những dân quân bứt phá sang ngành nghề khác. Theo Chỉ huy trưởng quân sự xã Nguyễn Thanh Tùng, trong lực lượng vũ trang của xã, có nhiều cán bộ, chiến sĩ quyết tâm bám quê hương, làm giàu cho gia đình và quê hương, tích cực đóng góp thực hiện nhiệm vụ quân sự – quốc phòng của địa phương. Điển hình là anh Phạm Văn Hiển, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, xây lắp cầu cống, đường giao thông. “Nơi làm việc” của Hợp tác xã nằm xen giữa những vườn bưởi đang cho quả sai trĩu trịt ở Thôn 15, Cát Lem. Công việc thường ngày của hơn chục xã viên lúc nông nhàn là sản xuất, đúc các loại cầu cống, thiết bị phục vụ làm đường giao thông. Thu nhập bình quân đầu người hằng tháng 5 triệu đồng. Anh Hiển cho biết, qua chục năm mày mò tìm phương pháp làm ăn, cũng có nhiều lúc gặp khó khăn về vốn, về thị trường, về thu nhập nhưng dần dần bằng nghị lực, sự học hỏi mà công việc của hợp tác xã dần ổn định. Ngoài cương vị là giám đốc hợp tác xã, Phạm Văn Hiển còn là một Thôn đội trưởng tích cực trong các hoạt động quân sự ở xã, ở thôn.

Về Đại Minh mùa bưởi, Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Hiền chia sẻ, xã hiện có 980 hộ với trên 3.600 khẩu. Hai năm trước, Đại Mnh là một trong những địa phương đầu tiên của huyện Yên Bình cán đích về nông thôn mới. Các tiêu chí nông thôn mới đều đạt và vượt. Đặc biệt, giai đoạn 2018-2020, Đại Minh là một trong 5 địa phương được tỉnh Yên Bái chọn đầu tư xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Vì thế, các tiêu chí đều được duy trì và nâng cao về chất lượng. Đặc biệt, trong tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, năm 2017, đạt 30,25 triệu đồng/người, tăng 2,25 triệu đồng so với năm 2016. Năm 2018, con số này ước đạt khoảng 32 triệu đồng. Cây bưởi và các giống cây ăn quả có múi phát triển ổn định, năm 2017 doanh thu từ bưởi đạt 40 tỷ đồng. Toàn xã không còn hộ đói, hộ nghèo còn 5,86%. Bộ mặt nông thôn Đại Minh từng bước khởi sắc.

Trên cơ sở phát triển kinh tế đúng hướng, các tiêu chí về quốc phòng và an ninh luôn đạt và vượt so với quy định của trên. Hằng năm, UBND xã chỉ đạo Ban CHQS xã xây dựng, củng cố lực lượng dân quân, ưu tiên các đồng chí đủ tiêu chuẩn về chính trị, sức khỏe, học vấn và kinh tế; lồng ghép các nội dung khuyến khích phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng – an ninh trong chương trình huấn luyện dân quân. Biểu dương cán bộ, chiến sĩ phát triển kinh tế giỏi để mọi người học tập, noi theo. Đặc biệt, lực lượng vũ trang xã thường xuyên tổ chức các hoạt động dân vận, giúp đỡ nhân dân, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, củng cố niềm tin của Đảng, chính quyền, góp phần tăng cường sự đồng thuận của nhân dân, xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững chắc.

Bài, ảnh: VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.