Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 07:47:37

Niềm trăn trở của bộ đội đặc công

Ngày đăng: 19/06/2022

QK2 – Dù trong thời bình nhưng nhiệm vụ của người chiến sĩ đặc công luôn vất vả, gian khổ, thậm chí còn hiểm nguy rình rập. Phần lớn giờ làm việc, cả ban ngày cũng như ban đêm, bộ đội đặc công phải tham gia huấn luyện trên thao trường, thời gian ngặt nghèo, ít có điều kiện chăm sóc người thân, gia đình. Trong khi đó, thu nhập hằng tháng của họ phải rất tằn tiện mới đủ chi tiêu sinh hoạt cho gia đình. Điều đó khiến nhiều quân nhân đang công tác trong lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ” có những băn khoăn…

Giờ huấn luyện võ thuật của bộ đội Tiểu đoàn Đặc công 19.


Một buổi chiều giữa mùa hè, mặc cho trời nắng như đổ lửa, trên thao trường chuyên dụng của Tiểu đoàn Đặc công 19, Bộ Tham mưu Quân khu, các chiến sĩ đầu trần, chân đất, miệt mài huấn luyện với những động tác nhanh, mạnh, dứt khoát, kỹ chiến thuật chuẩn xác. Các chiến sĩ trẻ leo dây, hóa trang, trèo tường, vách đá hay luyện võ, vượt vật cản trông chẳng khác nào nghệ sĩ chuyên nghiệp thực thụ. Hình ảnh các chiến đấu viên leo lên nhà cao tầng chỉ bằng một cây sào hoặc sợi dây thừng mà đu người từ trên nóc nhà xuống đất khiến những người lần đầu chứng kiến đều rất cảm phục.
 Ở một bãi tập khác, Thiếu tá QNCN Đặng Ngọc Kiên, chiến đấu viên Đại đội 1, Tiểu đoàn Đặc công 19 đang hướng dẫn chiến sĩ từng động tác mẫu kỹ thuật chiến đấu tay không. Dù toàn thân ướt đẫm mồ hôi song anh vẫn miệt mài uốn nắn, miệng nói tay làm, “tận mục sở thị” hành động ấy chúng tôi vô cùng nể phục. Đại úy Ngô Thanh Pháp, Đại đội trưởng Đại đội 1 ghé tai tôi nói: “Đợt này đơn vị đang huấn luyện tổng hợp chuẩn bị cho hội thao chuyên ngành đặc công toàn quân. Còn kia là Thiếu tá QNCN Đặng Ngọc Kiên đã “U.43” rồi, quá tuổi quy định công tác trong lực lượng đặc công đối với QNCN nhưng vẫn chưa được luân chuyển. Anh ấy nhiều lần được các cấp khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác”. Tranh thủ lúc nghỉ giải lao, Thiếu tá QNCN Đặng Ngọc Kiên bày tỏ: “24 năm công tác trong quân đội thì có đến 20 năm tôi trong lực lượng đặc công. Cường độ làm việc rất vất vả, gần như kín thời gian. Nhiều hôm phải huấn luyện và làm nhiệm vụ cả ban đêm. Mỗi tháng bình quân chỉ được về tranh thủ thăm gia đình 1-2 ngày”.
Với Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Dũng, chiến đấu viên Đại đội 1 còn có hoàn cảnh khó khăn hơn nhiều so với đồng đội. Vợ anh làm công nhân, thu nhập thấp, hai năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không có việc làm, trong khi đó bố, mẹ anh Dũng thường xuyên đau ốm, đi viện điều trị. Với mức lương Thiếu tá QNCN, mỗi tháng anh Dũng có chắt chiu, dành dụm lắm cũng chỉ tiết kiệm được vài triệu đồng gửi về giúp đỡ gia đình nên dù có thâm niên 22 năm trong quân ngũ, song tài sản mà vợ chồng anh tích cóp được chẳng có gì ngoài ngôi nhà đơn sơ và chiếc xe máy gần 20 năm tuổi.
Cũng theo Đại úy Ngô Thanh Pháp, đơn vị đa số là QNCN-chiến đấu viên, trong đó có 5 người đã trên 40 tuổi. Theo quy định, chiến đấu viên trên 40 tuổi sẽ được luân chuyển vào vị trí công tác phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe để công tác cho đến lúc nghỉ hưu. Tuy nhiên, quy định như vậy nhưng trên thực tế, không phải ở đâu cũng thực hiện được. Bộ đội đặc công thời chiến cũng như thời bình vô cùng vất vả, gian khổ. Hằng ngày, dù thời tiết rét cắt da cắt thịt họ vẫn luyện tập ngụp lặn dưới sông, nắng như đổ lửa họ vẫn luyện tập leo trèo trên mái nhà cao tầng, vách đá, ụ đất, băng qua hàng rào thép gai, vòng lửa, lăn lộn dưới nền sân bê tông nóng bỏng… Là bộ đội đặc công tối ngày chỉ bám thao trường, chưa bao giờ họ dám nghĩ đến việc đưa vợ, con đi nghỉ mát, tham quan du lịch khi mùa hè đến. Vào dịp lễ, tết hay sự kiện trọng đại của đất nước, đơn vị đặc công càng phải tăng cường trực, luyện tập các phương án, bảo vệ mục tiêu được giao.
Đại úy Nguyễn Minh Vương, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 19 cho biết: “Là đơn vị đặc công chủ lực của quân khu, cường độ huấn luyện, diễn tập, trực sẵn sàng chiến đấu rất vất vả, song chúng tôi luôn tự hào được công tác trong lực lượng “đặc biệt tinh nhuệ”. Tuy một số chiến đấu viên tuổi đời đã cao so với quy định nghề nghiệp nhưng do bằng cấp, trình độ chuyên môn đào tạo của anh em nên rất khó sắp xếp công việc phù hợp với độ tuổi. Thực tế vẫn còn có những trăn trở, dẫu vậy, các chiến đấu viên luôn yêu nghề, say mê công việc, truyền thụ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật, võ thuật chiến đấu cho thế hệ trẻ, đơn vị rất tin tưởng, yên tâm. Nhiều anh em gần như dành gần trọn đời quân ngũ của mình cho “nghề chiến đấu viên”, chỉ huy đơn vị và đồng đội rất trân trọng, cảm phục”.
Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.