Chủ nhật Ngày 19 Tháng 05 Năm 2024, 06:25:53

Mệnh lệnh từ trái tim

Ngày đăng: 23/09/2019

QK2 – Sau đợt mưa lớn kéo dài, bầu trời vùng trung du bỗng trở nên âm u, yên tĩnh lạ thường. Cả doanh trại đã chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ còn một số ít chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác ở những vị trí trọng yếu. Bỗng dưng mọi người choàng tỉnh bởi những hồi còi báo động và ánh đèn compact sáng trắng. Như một thói quen, các chiến sĩ mắt nhắm mắt mở sắp đặt quân tư trang cá nhân và trang bị. Cùng lúc đó Trung sĩ Toàn, người đảm nhiệm trực ban đại đội thông báo:

LLVT Quân khu thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai.

 Đơn vị báo động hành quân di chuyển làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân địa bàn một số tỉnh trên hướng Tây Bắc. Theo lệnh của chỉ huy, yêu cầu các đồng chí khẩn trương làm công tác chuẩn bị, đem theo quân tư trang cá nhân, cuốc, xẻng và trang bị theo biên chế, đúng 15 phút sau tập trung cơ động làm nhiệm vụ.

Cả đơn vị bỗng rôm rả hẳn lên. Không khí làm công tác chuẩn bị của các chiến sĩ diễn ra thật khẩn trương. Thao tác gói buộc quân tư trang và thiết bị cũng rất chuyên nghiệp. Tuy chưa hết thời gian theo quy định các chiến sĩ đã tập trung đông đủ. Đại đội trưởng Mạnh, dáng người “mảnh khảnh” nhưng giọng nói to, rõ:

Do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 4, vừa qua trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc có mưa rất to và kéo dài, gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất rất nghiêm trọng. Đơn vị ta được thủ trưởng cấp trên giao nhiệm vụ giúp đỡ nhân đân địa bàn tỉnh Yên Bái. Theo thông báo, tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, hiện một số xã đang bị cô lập hoàn toàn, có người dân vẫn bị mắc kẹt cần cứu giúp khẩn cấp. Bên cạnh đó còn phải di chuyển một số hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn. Việc này rất cấp bách, phải tiến hành ngay trong đêm nay, các đồng chí xếp đội hình để cơ động làm nhiệm vụ.

Lúc đơn vị báo động và ồn ào thế, nhưng đến lúc tập trung nghe quán triệt lại im phăng phắc. Có lẽ cũng do phong cách và cái uy của người chỉ huy. Với đại đội trưởng Mạnh, dù dáng người nhỏ nhắn thư sinh nhưng tính tình cương nghị, ngay thẳng. Nói là làm và làm đến nơi đến chốn. Nhất là khi nghe anh hạ đặt mệnh lệnh hành quân thì rất rành và rõ cả về đường hướng, cự ly, tốc độ, đậm chất quân sự. Khi anh lên lớp huấn luyện hoặc chủ trì giao ban đại đội cũng vậy. Phân công, giao nhiệm vụ dứt khoát, không thiếu việc gì, cụ thể từ những việc nhỏ. Người được giao việc cũng thấy thoải mái, tự tin.

Khoảng hai tiếng sau, Mạnh đã chỉ huy đơn vị hành quân đến địa điểm làm nhiệm vụ. Trên đường hành quân cũng như khi đến địa điểm tập kết, các chiến sĩ nhìn rõ cảnh tượng hoang tàn vì lũ ống, lũ quét gây ra với đồng bào vùng cao. Không ít người mất nhà cửa, tài sản; một số người còn bị lũ cuốn trôi chưa tìm được thi thể. Sự tàn phá của thiên tai thật khủng khiếp, trông chẳng khác nào như vừa trải qua một cuộc chiến.

Sau ít phút làm việc rất khẩn trương với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, đại đội trưởng Mạnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận. Tiểu đội 5 do Trung sĩ Đông làm tiểu đội trưởng được giao giúp đỡ người dân trong bản Pe. Tiểu đội có 9 người, đều là chiến sĩ năm thứ hai và qua huấn luyện, làm nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn nên anh em rất có kinh nghiệm, nhất là “a trưởng” Đông. Gần hai năm quân ngũ nhưng Đông đã tham gia hàng chục lần giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt. Có những tháng vào mùa mưa anh đi hai, ba lần.

Trời vùng núi cao tối như mực, mưa vẫn rả rích. Các chiến sĩ men theo đường mòn đến bản Pe. Thấy bộ đội đến, ông trưởng bản thốt lên:

Bộ đội đến rồi bà con ơi. Có bộ đội bà con như được tiếp thêm nghị lực, sức mạnh. Thưa các đồng chí, từ chiều đến giờ mưa vẫn không ngớt. Bản Pe bị lũ quét càn qua, làm trôi mất 3 nhà dân. Đài, báo đưa tin mưa vẫn còn tiếp diễn. Xã và bản đã huy động tối đa nhân lực, vật lực khắc phục thiệt hại, nhưng do lực lượng dân quân của xã mỏng nên rất mong các đồng chí giúp đỡ. Hiện nay có hai hộ dân nhà ở sau vách núi là hộ ông Chiểu, bà Sa. Do mưa kéo dài nền đất yếu, có nguy cơ sạt lở đất đá bất cứ lúc nào, nên cần phải di dời khẩn cấp.

Sau khi nắm được tình hình từ trưởng bản, Trung sĩ Đông nhanh nhảu: Không còn thời gian nữa. Các đồng chí đi theo tôi. Nói rồi Quang và các chiến sĩ thoăn thoắt bước đi, dáng anh khuất dần trong màn đêm.

 Dậy, cả nhà dậy để chuyển nhà, có bộ đội và dân quân đến giúp đây rồi, lời ông Chiểu luôn miệng thúc giục. Từ trên nhà sàn, giọng người phụ nữ nói nhát gừng vọng xuống nghe rõ mồn một:

 Tôi nói với ông rồi, không việc gì phải chuyển đi đâu cả. Bao nhiêu năm nay, mưa lũ vẫn thường xuyên diễn ra nhưng nhà mình vẫn ở đây có làm sao đâu? Để thì là cái nhà, dỡ ra chỉ là đống củi.

 Nhưng tính mạng con người là trên hết, cán bộ nói rồi. Toàn bộ dãy núi sau nhà đã xuất hiện những vết nứt nên sạt lở bất kỳ lúc nào, nếu không di chuyển sẽ rất nguy hiểm, mất mạng như chơi – ông Chiểu phân trần.

Thưa bác và toàn thể gia đình. Chúng cháu là bộ đội Sư đoàn Sông Lô. Được lệnh của thủ trưởng cấp trên, chúng cháu về đây giúp gia đình ta di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Địa điểm đã được chính quyền địa phương lựa chọn, sắp xếp. Nhưng trước mắt phải di chuyển người ngay trong đêm nay, kẻo không sẽ nguy hiểm đến tính mạng cả gia đình ta. Không còn thời gian nhiều, gia đình ta nhanh chóng chuẩn bị những đồ dùng cần thiết nhất. Các đồng chí mỗi người một chân một tay, đưa ngay bà con đến nơi an toàn sau đó mới chuyển vật chất.

Đêm hôm mưa gió thế mà bộ đội vẫn đến lo cho dân đây này, cả nhà dậy, dậy ngay đi theo bộ đội. Nói rồi ông Chiểu thu dọn chăn màn và một vài đồ dùng thiết yếu từ trong góc nhà sàn.

Đúng là “Bộ đội Cụ Hồ” có khác. Nghe bộ đội phân tích có lý, có tình lại luôn nhiệt tình giúp bà con, mình thấy đúng phải theo thôi. Các con dậy để đi đến nơi ở mới cùng bộ đội và dân quân – vợ ông Chiểu giục các con.

 Không có thời gian nữa, tôi đề nghị đồng chí Phú và đồng chí Toàn cõng hai cháu nhỏ, các đồng chí còn lại mang vác hòm quần áo, đồ dùng thiết yếu đi theo cán bộ của bản, trước mắt đưa gia đình ông Chiểu đến ở tạm trong điểm trường mầm non của xã. Các đồng chí còn lại mang vác giúp gia đình xoong nồi và đồ dùng cần thiết khác. Nói xong, Đông nhanh chóng đến khuân vác hòm và vài đồ dùng trên ngôi nhà sàn tuềnh toàng, cùng mọi người vội vã men theo con đường uốn lượn, trơn trượt gập ghềnh để đến địa điểm mới.

Khoảng hơn một tiếng sau, Đông chỉ huy bộ đội quay lại nhà ông Chiểu để vận chuyển nốt một số đồ dùng còn lại. Nhưng các chiến sĩ đều giật mình, thảng thốt bởi trước mắt là hàng trăm khối đất đá phủ kín ngôi nhà của ông Chiểu.

 Thật là may mắn, anh em mình đã đến giúp gia đình đúng lúc. Không sao, còn người là còn tất cả. Thời tiết như ngày càng khắc nghiệt hơn với con người, Binh nhất Phú chép miệng thở dài.

Hôm sau, tuy mưa đã tạnh nhưng nhiều nơi trong bản Pe còn ngổn ngang bùn, đất đá và cây cối gãy đổ. Mặc dù đã trắng đêm đưa dân đến nơi an toàn nhưng các chiến sĩ Tiểu đội 5 quyết tâm không nghỉ ngơi để cùng cán bộ và nhân dân địa phương dọn lũ. Trong điều kiện của vùng núi cao máy móc không có, giao thông đi lại khó khăn nên tất cả vẫn chỉ dùng sức người là chính. Không phải đôn đốc, nhắc nhở gì, các chiến sĩ miệt mài làm việc giúp dân như giúp chính những người thân của mình, quên cả thời gian trưa tối.

Trưa nay “a trưởng” định chiêu đãi anh em gì đây? Phú “lỉnh” trêu đùa Đông.

 Ở nhỉ, thoáng cái đã hết buổi sáng. Anh em làm việc vất vả lẽ ra phải được ăn uống đầy đủ. Song trong hoàn cảnh, điều kiện thế này, trưa nay tôi mời các đồng chí dùng bữa bằng… lương khô và mì tôm vậy. Các đồng chí thấy đấy, tuy chúng ta có vất vả, mệt nhọc, nhưng bà con vùng lũ còn gian truân hơn chúng ta nhiều. Nơi ăn chỗ ở đều thiếu thốn cả. “A trưởng” Đông vừa dứt lời, Phú “lỉnh” nói ngay:

Thưa đồng chí “a trưởng”, nói cho vui thôi chứ việc này anh em trong tiểu đội biết cả rồi. Ăn lương khô hay mì tôm trừ bữa là chuyện thường xuyên trong tham gia phòng chống lụt bão của bộ đội. Chả thế mà trước khi hành quân đi làm nhiệm vụ, trong ba lô các chiến sĩ mỗi người đều mang theo hàng chục phong lương khô.

Truyện ngắn của DUY TUẤN

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.