Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 08:38:55

Lễ mừng cơm mới của người Si La

Ngày đăng: 30/09/2019

QK2 – Dân tộc Si La sống tập trung chủ yếu ở một số tỉnh vùng cao Tây Bắc như Lai Châu, Điện Biên… Vì cuộc sống gắn chặt với núi rừng, điều kiện canh tác rất khó khăn nên đồng bào nơi đây luôn mơ ước về sự no đủ. Đó là lý do ra đời của Lễ mừng cơm mới.

Theo quan niệm của người Si La, trong suốt quá trình sản xuất của gia đình và dòng họ luôn có sự che chở của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vì vậy, khi con cháu trong dòng họ dùng những nông sản đó không được quên ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người lớp trước đã truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất và luôn phù hộ, che chở, bảo vệ sức khỏe và mùa màng cho con cháu. Người Si La sẽ lấy những hạt lúa chín đầu tiên của vụ mùa về cúng tổ tiên trước khi thu hoạch. Vì vậy, lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La được tổ chức đầu vụ thu hoạch (tháng Tám âm lịch), vào ngày hợi, ngọ, tị, thân hoặc thìn. Những lễ vật bắt buộc phải có trong Lễ mừng cơm mới có đủ thực phẩm dưới nước, trên cạn, dưới sông suối và trên nương, trên rừng và điều đặc biệt không thể thiếu là cơm mới. Khi lễ vật đã được chuẩn bị xong, gia chủ sẽ mang vào trong buồng đặt cạnh bếp chính bên giường của gia chủ. Với người dân tộc Si La chỉ có gia đình trưởng họ mới được làm bếp này, bếp được làm trong nhà, cạnh cột chính của nhà, là nơi giữ lửa ấm cho cả họ, bảo vệ, che chở cho mọi người, là nơi chủ họ sưởi ấm và hút thuốc.

Tiết mục múa của đồng bào Si La trong phần hội.

Cách thức tổ chức và những lễ vật của các dòng họ đều giống nhau. Sau nghi lễ cúng mời tổ tiên về hưởng cơm mới xong, tại gia đình tổ chức lễ (trưởng họ), con cháu trong nhà cũng bắt đầu bày mâm mời anh em họ hàng, khách khứa trong bản đến dự bữa cơm mới và chúc may mắn cho gia đình và dòng họ. Gia đình nào khó khăn, trưởng dòng họ cho đem lễ vật đã cúng về nhà ăn cùng con cái và người thân.

Lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là dịp để các dòng họ tưởng nhớ những người đã khuất và là dịp để anh em họ hàng hội tụ, biểu thị sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng. Sau phần cúng là phần hội tưng bừng của đồng bào dân tộc Si La, họ nhảy múa các bài hát dân ca truyền thống, chơi các trò chơi dân gian của dân tộc mình. Đây là nét đẹp văn hóa của đồng bào Si La.

Lễ mừng cơm mới của người Si La kết thúc trong tiếng nói cười và những lời chúc tụng nhau trong bữa cơm liên hoan của gia chủ. Sáng hôm sau, các gia đình lên nương thu hoạch lúa với mong ước về một vụ mùa bội thu và tin tưởng rằng rồi đây cuộc sống của họ sẽ còn rất nhiều cuộc vui như thế.

VŨ HƯƠNG (ST)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.