Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 12:46:39

Ẩm thực truyền thống độc đáo của vùng Tây Bắc

Ngày đăng: 14/12/2023

QK2 – Trên địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình…, đồng bào Mường chiếm số lượng khá đông đảo. Địa bàn sinh sống của người Mường nơi đây thường gắn với đồi núi, sông, suối, nơi họ có thể sống hòa vào thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để mưu sinh. Chính vì yếu tố này, vốn văn hóa ẩm thực của người Mường cũng ảnh hưởng nhiều từ tự nhiên.

Mâm cỗ lá đậm đà bản sắc của dân tộc Mường vùng Tây Bắc.

Nói đến văn hóa ẩm thực truyền thống của đồng bào Mường vùng Tây Bắc không thể không nhắc đến món cỗ lá vô cùng độc đáo và đậm đà dư vị. Các món ăn được chế biến bao giờ cũng được lấy từ cây lá trên rừng, trong vườn nhà, vì thế đồng bào Mường đã tạo nên những món ăn vừa ngọt lành, vừa đậm đà dư vị. Phải kể đến các món ăn như rau đồ, canh loóng chuối, chả lá bưởi, thịt lợn luộc, cá hấp… Mỗi món đều có một công thức chế biến vốn là bí quyết của người Mường. Cách sắp mâm cỗ lá của người Mường khá độc đáo. Mâm được làm từ mẹt tre hoặc mâm gỗ vuông. Trên mâm được trải lá chuối rừng tươi xanh, sau đó xếp thịt lợn ở giữa, xôi trắng, đĩa rau đồ, các loại măng luộc để bên cạnh và trên cùng là chả lá bưởi kèm theo bát canh loóng và mấy chén rượu. Tuy đơn sơ nhưng mâm cỗ lá của người Mường vùng Tây Bắc rất sinh động và hấp dẫn. Vào dịp lễ tết, mâm cỗ lá được đặt lên bàn thờ để cúng thần linh, tổ tiên, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và con người có sức khỏe để làm ra nhiều thóc, nhiều ngô. Sau lễ cúng, cả gia đình hay cả bản quây quần quanh mâm cỗ lá để cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc mình, chúc nhau sức khỏe và sự no đủ.

GIA NGỌC

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.