Thứ bảy Ngày 18 Tháng 05 Năm 2024, 11:39:58

Học tiếng đồng bào để nói cho đồng bào hiểu

Ngày đăng: 26/04/2022

QK2 – “Trước đây mỗi lần xuống bản tiến hành làm công tác dân vận, tôi thấy rất khó khăn khi giao tiếp với đồng bào người Mông. Từ khi biết tiếng Mông, tôi tự tin giao tiếp với bà con dân bản, công việc vì thế cũng thuận lợi hơn”, Đại uý QNCN Vũ Đình Dũng, nhân viên quân lực, Phòng Tham mưu, Đoàn KT – QP 326 vui vẻ nói với chúng tôi như vậy.

Bộ đội Đoàn KT- QP 326 gặp gỡ, nắm tình hình với người dân bản Pói Lanh, xã Mường Và (Sốp Cộp, Sơn La) .

KIÊN TRÌ HỌC TIẾNG ĐỒNG BÀO

Đã thành thông lệ, cứ vào mỗi buổi tối thứ bảy hằng tuần, Đại uý QNCN Vũ Đình Dũng lại dành thời gian nhất định cùng đồng đội học thuộc những câu tiếng Mông vừa quen, vừa lạ, được đơn vị làm thành clip ngắn, đăng tải trên trang zalo của Đoàn KT- QP 326. Mải mê “con chữ” tiếng Mông, các anh lại học cách phát âm, đánh vần, ghép câu hoàn chỉnh. Từ khi Đoàn KT- QP 326 triển khai mô hình “Mỗi tuần học một nội dung tiếng Mông”, anh Dũng có thêm một “kênh” thông tin học tập bổ ích.

Công tác trên địa bàn biên giới Sốp Cộp (Sơn La), nơi bà con phần lớn là người dân tộc Mông, Thái, Lào, Khơ Mú. Địa phương này, tỉ lệ bà con giao tiếp được tiếng phổ thông không phổ biến. Nếu không hiểu bà con nói và nói bà con không hiểu thì đội ngũ cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện của Đoàn rất khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ. Thời gian đầu công tác tại Đoàn KT- QP 326, anh Dũng là một người như thế!

Gần 20 năm bám biên, cắm bản, Đại uý QNCN Vũ Đình Dũng nhớ rõ lần đầu tiên anh xuống bản Huổi Luông, xã Mường Lèo, Sốp Cộp để hướng dẫn bà con chăn nuôi gà đẻ. Do không nói được tiếng đồng bào, anh nhờ đến nhân viên trong đoàn phiên dịch lại. Với suy nghĩ, phải biết được tiếng đồng bào, phải am hiểu phong tục, tập quán của bà con, để giúp bà con thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm kinh tế, Vũ Đình Dũng quyết tâm học bằng được tiếng Mông. Tháng 4, năm 2004, Đoàn KT- QP 326 tổ chức hoạt động dã ngoại, kết hợp làm công tác dân vận, giúp địa phương xây dựng nhà văn hoá bản; làm đường nước sạch, Vũ Đình Dũng được phân công ở tại gia đình anh Hàng A Sộng, trưởng Công an bản Sam Quảng, xã Mường Lèo. Thực hiện 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào” với bà con, anh Sộng đã giúp Đại uý Dũng biết và giao tiếp cơ bản bằng tiếng Mông. Có vốn tiếng Mông phong phú, quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ tại Đoàn KT- QP 326, Đại uý QNCN Vũ Đình Dũng tranh thủ học và giao tiếp được bằng tiếng Thái. Mỗi lần xuống bản Nậm Tỉa, bản Pói Lanh xã Mường Và, hay bản Nà Rìa xã Sốp Cộp, nơi phần lớn bà con là người đồng bào dân tộc Thái sinh sống tiến hành làm công tác dân vận, Đại uý Dũng cảm thấy rất an tâm. Nhờ thông thạo  2 ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Thái, Đại uý QNCN Vũ Đình Dũng thường xuyên được đơn vị cử xuống cơ sở, phối hợp giúp bà con thực hiện các mô hình, dự án giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. “Công tác ở vùng đồng bào mà không biết tiếng đồng bào thì đó là một rào cản lớn, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và quá trình công tác. Nói được tiếng đồng bào bộ đội và bà con sẽ gần gũi nhau hơn, bà con sẽ tin và làm theo theo bộ đội”- Đại uý QNCN Vũ Đình Dũng thổ lộ.

NHƯ NHỮNG NGƯỜI CON CỦA BẢN

Nhiều năm nay bà con dân tộc Mông ở xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên luôn coi gia đình Thượng uý QNCN Đỗ Quốc Tuyến, nhân viên Đội Sản xuất và Xây dựng cơ sở Chính trị số 8, Đoàn KT- QP 326 như những người con của bản. Nhận nhiệm vụ ở Pú Hồng cuối năm 2007, đầu năm 2008 anh Tuyến quyết tâm chuyển vợ con từ quê, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ đến an cư, lạc nghiệp trên mảnh đất vốn còn nhiều khó khăn. Giống như nhiều cán bộ, nhân viên khác ở Đoàn KT- QP 326, khi bất đồng ngôn ngữ là một rào cản, suy nghĩ của Thượng uý Tuyến nơi công tác mới đó là việc học tiếng đồng bào.

Thượng uý QNCN Đỗ Quốc Tuyến nhớ rất rõ, người đầu tiên dạy anh biết tiếng Mông là Sùng A Tú, ở bản Tin Tốc B, xã Pú Hồng. Anh kể: “Vào một đêm, khi trăng còn chưa tỏ mặt người, Sùng A Tú đến gặp và tâm sự với tôi, A Tú nhờ vợ chồng tôi giúp anh ấy học tiếng phổ thông để làm kinh tế và dạy các con anh ấy học tập. Sùng A Tú nói với tôi, dù vất vả thế nào cũng phải cố gắng lo cho con được học tập. Tôi hứa sẽ giúp A Tú, anh ấy cũng muốn dạy tôi đọc thông, viết thạo tiếng đồng bào. Tôi và Sùng A Tú trở thành anh, em kết nghĩa”. Không chỉ học tiếng Mông từ Sùng A Tú anh Tuyến học cả người già, trẻ nhỏ, học trên nương, trên dẫy; học mỗi khi trồng cây, tỉa bắp. Từ khi biết được tiếng Mông, anh hào hứng tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào.

Theo Thượng uý QNCN Đỗ Quốc Tuyến: ở xã Pú Hồng trước đây mỗi khi bà con ốm đau thường hay tìm đến cúng bái để chữa trị. Là nhân viên quân y, anh Tuyến thấy trách nhiệm cần tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con hiểu, từ bỏ hủ tục lạc hậu. Thượng uý Tuyến trực tiếp chữa bệnh miễn phí giúp bà con, vận động bà con ăn, ở hợp vệ sinh. Anh Tuyến cho rằng, đọc thông, viết thạo, giao tiếp được tiếng đồng bào là một lợi thế, khi bộ đội thực hiện “4 cùng” với nhân dân.

 Chúng tôi được biết, từ cuối năm 2020 Đoàn KT- QP 326 triển khai mô hình “Mỗi tuần học một nội dung tiếng Mông”. Cán bộ, nhân viên của Đoàn rất hứng thú học tập tiếng đồng bào. Theo đó, hằng tuần cơ quan chính trị Đoàn KT- QP 326 chuẩn bị nội dung tiếng Mông, ghi âm và đăng tải lên trang zalo chung của Đoàn. Cán hộ, nhân viên các đội sản xuất chỉ với chiếc điện thoại thông minh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi. Hằng tháng Đoàn tổ chức kiểm tra, đánh gia kết quả. Từ khi mô hình được thực hiện đã có hàng chục cán bộ, nhân viên Đoàn KT- QP 326 tự tin giao tiếp với bà con bản địa.

Bài, ảnh: MẠNH TƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.