Thứ năm Ngày 09 Tháng 05 Năm 2024, 01:51:53

Chỉ thị số 53 – “Cẩm nang” trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ

Ngày đăng: 11/12/2023

Bài 3: Chủ trương đúng, giải pháp kịp thời tạo hiệu ứng cao

Một điều chúng ta dễ nhận ra là, ngày 16/5/2018 Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 2 ban hành Chỉ thị số 53/CT-ĐU về trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp trong LLVT Quân khu 2, thì ngày 25/10/2018 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Quy định số 08/QĐi-TW về trách nhiệm nêu gương của CB,ĐV. Nhằm mục đích để nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hiệu quả của CB,ĐV mà trước hết phải là các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, cán bộ chủ chốt ở các CQ,ĐV. Qua đây càng thấy rõ việc Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu 2 ban hành Chỉ thị số 53 vừa có tính cấp bách, vừa khẳng định sự nhìn nhận thấu đáo, tường tận gốc rễ những tồn tại, hạn chế ở cơ sở; càng khẳng định hiệu quả từ những cán bộ luôn đau đáu vì việc chung. Đi đến đâu, làm việc gì cũng chỉ lo cho cấp dưới, lo cho bộ đội, lo cho nhiệm vụ, như khẳng định của Trung tướng Phạm Đức Duyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu tại buổi thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ VIII, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XIII) với yêu cầu, mỗi CB,ĐV trong LLVT Quân khu 2 cần tiếp tục mài rũa, rèn luyện, học tập và luôn có khát vọng cống hiến…

Chỉ huy Lữ đoàn 406 kiểm tra công tác mang, đeo trang bị của bộ đội trong huấn luyện.

Thực tế từ khi Chỉ thị sô 53 được ban hành, quán triệt, triển khai thực hiện tại các tổ chức đảng trong trong LLVT Quân khu, sự gương mẫu, đi đầu bằng những hành động, việc làm rất cụ thể của các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thì đây chính là những hạt nhân tiên phong trong “xả thân” vì nhiệm vụ, vì lợi ích chung. Đúng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu tại Hội nghị kiểm thảo Chiến dịch Đường số 18 năm 1951: “Từ Tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng”. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy và những tư tưởng của Người, vì thế ở thời điểm ban đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 53 đi đến đâu, kiểm tra nội dung nào, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu cũng luôn đặt ra nhiều những nội dung câu hỏi “tại sao”, nguyên nhân và định hướng rõ nét về những chủ trương, giải pháp để cấp ủy, chỉ huy các đơn vị lấy đó là cơ sở trong quá trình lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ. Bởi thế, Chỉ thị 53 đã đón nhận được sự đồng tình, ủng hộ tuyệt đối của CB,ĐV và chiến sĩ. Vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì được phát huy cao độ bởi cơ chế và những giải pháp có tính bắt buộc trong chỉ thị. Nhiều cán bộ chủ trì đã thể hiện rõ sự dấn thân, dám đương đầu với những khó khăn thử thách, dám đột phá vào những khâu trì trệ và hành động vì lợi ích chung. Đặc biệt, tình yêu thương đồng chí, đồng đội tiếp tục được phát huy và lan tỏa mạnh mẽ. Chấm dứt tình trạng thiếu trách nhiệm với CQ,ĐV; hiện tượng thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước những sai lầm, khuyết điểm của đồng đội không còn. Như câu chuyện của Đại úy QNCN Dương Huy Đại, Nhân viên quản lý của Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Với ý tưởng mong ước làm giàu nhanh, anh đã vay nợ nặng lãi 300 triệu đồng của các chủ nợ ngoài xã hội. Nhưng khi công việc làm ăn không thành, anh lại tìm cách kiếm tiền trả nợ bằng những canh bạc đỏ đen (chơi lô đề), dẫn tới số nợ, lãi ngày một lớn dần, lên tới cả tỷ đồng. Là cán bộ trẻ, trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn, Trung tá Nguyễn Trí Thanh khi ấy như ngồi trên đống lửa. Câu hỏi đặt ra với anh phải làm gì và làm từ đâu, làm như thế nào để giúp Dương Huy Đại từ bỏ lô đề và trả được số nợ. Anh đã đề xuất, bàn bạc trong cấp ủy, chỉ huy và những cuộc họp Đảng ủy mở rộng được triệu tập để cùng bàn và tìm giải pháp. Khi tập thể đã đoàn kết, đồng lòng, nhiều ý tưởng được đưa ra bàn bạc và thống nhất cho Đại ứng lương, rồi tạo điều kiện cho Đại mượn khu đất trống của đơn vị với diện tích gần 2 ha, trong đó có trên 1 ha là ao thả cá. Nhờ đó mà Dương Huy Đại đã ngày đêm lăn lộn phát triển mô hình “VAC” có hiệu quả cho năng suất, thu nhập cao. Đất không phụ lòng người, cá dưới ao, lợn trong chuồng và những đàn gia cầm như đua nhau sinh sôi nảy nở. Năm 2019 và đầu năm 2020 thu nhập từ thu hoạch cá, lợn, gia cầm đã cho Đại lãi hơn 500 triệu đồng. Từ nguồn thu tăng gia lao động đã giúp anh xóa sổ hơn 1 tỷ đồng tiền nợ cả gốc lẫn lãi chỉ trong vài năm. Đại úy QNCN Dương Huy Đại đã là quân nhân tốt của Trung đoàn 148.

Đội rà phá bom, mìn, vật nổ Lữ đoàn 543 giúp đỡ bà con xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) thu hoạch ngô trên nương.

Kết quả Chỉ thị 53 cũng đã bồi đắp thêm đức tính luôn hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân và được minh chứng qua sự khẳng định của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn. Đúng như phát biểu của đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái với CB,CS các đơn vị LLVT Quân khu, khi tổng kết đợt tham gia giúp đỡ nhân dân huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), khắc phục hậu quả mưa lũ trung tuần tháng 8 năm 2023: “Ở đâu khó khăn nhất, vất vả nhất, nguy hiểm nhất và cần gấp nhất ở đó có CB,CS LLVT Quân khu 2”. Bởi sự tận tâm, tận lực ngày đêm vật lộn với bộn bề công việc sau bão lũ để nhân dân ổn định cuộc sống. Rồi hình ảnh của Binh nhất Hà Xuân Mạnh, Trung đoàn 174 (Sư đoàn 316), trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giúp dân đã nhặt được chiếc ví trong đó có rất nhiều tiền và các loại giấy tờ tùy thân quan trọng, Mạnh đã báo cáo chỉ huy để liên hệ và trả lại cho người bị rơi. Cùng với nhiều những việc làm cụ thể của CB,CS đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân vùng lũ.

Rồi nhiều câu chuyện về việc giúp đỡ những cựu chiến binh một thời trận mạc được hưởng chế độ, chính sách đãi ngộ của Đảng, Nhà nước. Trong số đó phải kể đến tấm gương của Trung tá QNCN Ngô Mạnh Thắng, Nhân viên Ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc. Hay Thiếu tá QNCN Nguyễn Đức Căn, Trợ lý chính sách Ban CHQS huyện Cẩm Khê (Phú Thọ). Họ đã dày công lặn lội, chỉ đường, dẫn lối cho Thương binh 2/4 Ngô Anh Sơn ở xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc); Thương binh 2/4 và là nạn nhân chất độc da cam Trương Quang Minh, ở thị trấn Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) trong quá trình làm thủ tục hồ sơ, do thời gian quá lâu, các thương binh đều không còn giấy tờ chứng minh. Điều đáng nói là những cán bộ chính sách này, họ đều làm việc bằng cái tâm của mình để tri ân thế hệ cha anh. Để hôm nay, những giọt nước mắt hạnh phúc của các thương binh khi nói về công lao của cán bộ đã giúp các thương binh được ví như “cùng trời, cuối đất” để tìm nhân chứng, xác minh ở các đơn vị mà các thương binh này đã một thời chinh chiến.

Khi tướng sĩ một lòng phụ tử, cùng chung quan điểm, cùng chung ý chí đã làm chuyển biến và dần chấm dứt những tồn tại, hạn chế. Khi niềm tin của CB,ĐV, chiến sĩ được củng cố, bồi đắp sẽ tạo động lực phấn đấu, cống hiến vì lợi ích chung; sẵn sàng xả thân vì nhiệm vụ và phụng sự nhân dân, để hình ảnh đẹp và phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” mãi trường tồn với thời gian.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.