Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 02:58:02

Xây mái ấm nơi biên cương Tây Bắc

Ngày đăng: 17/08/2020

Thực hiện chủ trương hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo huyện Nậm Pồ (Điện Biên), với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm nhà”, những ngày này, cán bộ, chiến sĩ và trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 379, Quân khu 2 đang nỗ lực "vượt nắng, thắng mưa" để kịp hoàn thành 56 ngôi nhà, mang lại mái ấm, an cư cho dân bản.

Hiểu địa bàn, thạo công việc

Biết tin anh Lò Văn Khế hôm nay làm lý vào nhà mới, nhiều người dân ở bản Tân Phong, xã Si Pa Phìn đến chia vui với vợ chồng anh chị. Lấy nhau được hơn 10 năm, từ lúc sinh đứa con thứ hai thì vợ anh Khế phát bệnh trầm cảm. Hằng ngày anh Khế đi làm thuê, lo từng bữa ăn cho gia đình nên chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện làm nhà. Trước ban thờ tổ tiên, giọng anh Khế rưng rưng: “Xin cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn các chú bộ đội đã dựng cho gia đình tôi căn nhà mới kiên cố…”. Không chỉ riêng anh Khế, hơn 50 hộ gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn đang được Đoàn KT-QP 379 hỗ trợ làm nhà đợt này, chắc chắn sẽ có tương lai tươi sáng hơn, yên ấm hơn.

Xây mái ấm nơi biên cương Tây Bắc
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379 làm nhà giúp dân bản Long Dạo, xã Si Pa Phìn (Nậm Pồ, Điện Biên).

Nậm Pồ là huyện miền núi, biên giới giáp Lào, có 8 dân tộc sinh sống, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, vấn đề an sinh xã hội vẫn luôn là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương. Thượng tá Lưu Lương Bằng, Phó đoàn trưởng Đoàn KT-QP 379 cho biết: “Thực hiện Kế hoạch số 1484/KH-UBND ngày 26-5-2020 của UBND tỉnh Điện Biên về việc thực hiện chủ trương hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo huyện Nậm Pồ, Đoàn KT-QP 379 được giao hỗ trợ làm 56 ngôi nhà. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đoàn đã thành lập ban chỉ đạo và 4 tổ công tác; xây dựng kế hoạch; tổ chức tập huấn kỹ thuật lắp ghép nhà cho dân bản”. Ban chỉ đạo đã huy động lực lượng là những cán bộ, chiến sĩ, TTTTN am hiểu địa bàn, thạo công việc, đồng thời họp bàn ra quyết tâm vượt khó hoàn thành nhiệm vụ.

Mặc dù đã xác định trước tinh thần nhưng khi bắt tay vào thực hiện các anh mới hiểu đây là công việc không hề đơn giản. Vận chuyển nguyên vật liệu đã khó, trong khi đó một số người dân lại cho rằng nhà tình nghĩa là Nhà nước làm, dân chỉ việc đến ở… Sau khi họp bàn, đoàn đã thành lập một tổ công tác đặc biệt, phối hợp với cán bộ xã Si Pa Phìn đến từng điểm bản để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu đúng chủ trương.

Tại bản Tân Phong, Trung tá Nguyễn Hồng Chính, Tổ trưởng tổ 1 đã tổ chức một cuộc họp bản với sự có mặt của lãnh đạo xã cùng 17 hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà. Được cán bộ giải thích về phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm nhà”, nguyên tắc “cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình làm nhà”… bà con đã hiểu ra vấn đề. Từ đó quân dân đồng lòng quyết tâm hoàn thiện kịp tiến độ bàn giao.

Trên công trường biên giới

Chúng tôi có mặt tại bản Tân Phong, xã Si Pa Phìn, từ đầu ngõ đã nghe tiếng leng keng của búa sắt, tiếng xè xè của máy cưa lẫn trong tiếng cười nói rộn ràng. Trên trục đường chính, TTTTN cùng dân bản đang vận chuyển vật liệu vào các điểm bản. Trung tá Nguyễn Hồng Chính tâm sự: “Điện Biên đang vào mùa mưa nên tổ phải tranh thủ làm không kể giờ giấc, buổi trưa ăn cơm tại công trường, làm đến 8 giờ tối mới về. Để kịp tiến độ, chúng tôi làm theo phương pháp cuốn chiếu: Làm nền, dựng khung, bắn mái, bó hiên và thưng”.

Xây mái ấm nơi biên cương Tây Bắc
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 379 làm nhà giúp dân bản Long Dạo, xã Si Pa Phìn (Nậm Pồ, Điện Biên).

Đường vào bản Long Dạo, xã Si Pa Phìn mùa này đỡ vất vả hơn trước. Thế nhưng chiếc xe gắn máy của Trung tá Vương Ninh, cán bộ Đoàn KT-QP 379 đưa tôi vào bản vẫn phải kèm theo một đoạn dây xích, bởi chỉ một cơn mưa đổ xuống, đường đồi hóa bùn lầy, lúc ấy bánh xe quấn xích mới đi ra được. Đó cũng là đoạn đường gần 2 tháng qua cán bộ, chiến sĩ tổ 3 của đoàn hằng ngày đi lại vận chuyển hàng chục tấn nguyên vật liệu vào dựng nhà cho dân bản.

Đại úy Nguyễn Duy Hoài, Tổ trưởng tổ 3 cho biết: "Chúng tôi phụ trách làm 11 ngôi nhà thuộc 3 bản: Long Dạo, Nậm Chim 2, Phi Linh, là địa bàn vất vả, xa xôi nhất. Nhà các điểm bản cách xa hàng ki-lô-mét đường núi, khu vực điện lưới không ổn định nên cán bộ, chiến sĩ của tổ phải gồng gánh cả máy nổ lên cao. Xa trung tâm nên tổ cắt cử một đồng chí lo việc cơm nước. Bà con đi nương về thấy bộ đội vất vả liền phân công mỗi nhà một hôm nấu nước, luộc ngô tặng bộ đội".

Với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm kịp tiến độ”, cán bộ, chiến sĩ của đoàn sẵn sàng gác lại việc riêng của gia đình. Tháng 8 này, nhà Đại úy Nguyễn Duy Hoài ở Thái Bình đang hoàn thiện để vào nhà mới nhưng anh không về được, mọi công việc đều dồn lên vai người vợ ở quê. Anh Hoài cho biết: “Mặc dù chỉ huy đoàn tạo điều kiện cho về để lo việc nhà nhưng tôi đã tự hứa bao giờ hoàn thành việc làm nhà cho dân bản mới về khánh thành nhà mình…”. Nhờ tinh thần đó mà những mái nhà vững chãi, kiên cố đang dần hoàn thiện. Bức tranh thôn bản nơi biên giới huyện Nậm Pồ thêm rực rỡ, yên vui.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nậm Pồ cho biết: “Việc hỗ trợ người nghèo của huyện làm nhà ở kiên cố có đóng góp rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379. Các anh, các chị không quản ngại khó khăn mang lại niềm vui an cư đến cho dân bản”.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.