Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 04:52:16

Tiếp nối truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”

Ngày đăng: 26/03/2024

QK2 – Những năm qua, mặc dù trong bộn bề công việc, nhưng cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Sơn La đã có nhiều cố gắng và bằng những hành động thiết thực, tập trung làm tốt công tác chính sách hậu phương Quân đội và hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Các cơ quan, đơn vị luôn quá triệt và thực hiện quan điểm đúng nhất, nhanh nhất, tốt nhất để tri ân các gia đình liệt sỹ, thương binh, người có công với cách mạng đã hy sinh máu xương để đất nước đơm hoa, kết trái.  

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, tỉnh Sơn La có hàng ngàn người con ưu tú từ khắp các bản, làng của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường. Nhiều người đã anh dũng hy sinh hoặc vĩnh viễn để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trận. Nhằm góp phần giúp đỡ các gia đình chính sách từng bước ổn định và nâng cao đời sống, những năm qua, với trách nhiệm của thế hệ sau, Đảng ủy Quân sự, Bộ CHQS tỉnh xác định công tác chính sách Quân đội, hậu phương Quân đội là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quốc phòng, quân sự địa phương.

LLVT Sơn La nguyện làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.

Thiếu tướng Lò Văn Nhài, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 2 chia sẻ những kỷ niệm khi tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại tá Đào Ngọc Phương, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu – Người có nhiều năm công tác tại Sơn La trên cương vị Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Trong những năm qua, Đảng ủy Quân sự, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chính sách và công tác chính sách hậu phương Quân đội với nhiều việc làm thiết thực, như: Tiếp nhận, thẩm định và hướng dẫn việc xác lập hồ sơ thương binh theo Nghị định 131 của Chính phủ; tham mưu với Ban chỉ đạo 515 tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả công tác rà soát, hoàn thiện 3.515 hồ sơ, danh sách liệt sỹ; xác minh kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập 39 hài cốt liệt sỹ. Định kỳ hằng năm tổ chức gặp mặt cán bộ quân đội nghỉ hưu, nghỉ công tác trên địa bàn; tổ chức cho cán bộ đi nghỉ an điều dưỡng và chi trả chế độ cho các đối tượng chính sách theo đúng quy định. Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ công tác ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh. Đã tổ chức xây dựng và bàn giao nhiều nhà tình nghĩa; thiết lập quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, với số tiền trên 331 triệu đồng, giúp đỡ các gia đình chính sách và cán bô, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng ủy Quân sự, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng 550 suất quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh, dân công hỏa tuyến; thương, bệnh binh; gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn. Đây là những suất quà hướng tới những người cha, người anh, người đồng chí, đồng đội đã chiến đấu quên mình để làm nên một chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trao đổi kinh nghiệm công tác chính sách.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Nhâm, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 35.000 người có công với cách mạng, trong đó có gần 3.000 người có công và thân nhân người có công đang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngành LĐTB&XH đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự các cấp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong rà soát, bổ sung hồ sơ người có công, nhất là hồ sơ thương binh, bệnh binh, đảm bảo công khai, minh bạch. Giải mã hồ sơ về phiên hiệu, ký hiệu, thời gian, địa bàn hoạt động của đơn vị. Ngành LĐTB&XH thường xuyên phối hợp với cơ quan quân sự và các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách đối với người có công, trọng tâm là Chỉ thị số 14 của Ban bí thư Trung ương Đảng và tham mưu tổ chức thực hiện công tác chi trả chế độ ưu đãi cho người có công kịp thời; phối hợp tham mưu đề xuất giải quyết những vướng mắc, khó khăn, những vấn đề chính sách do lịch sử để lại, đảm bảo cho người có công đều được hưởng chế độ, chính sách.

Thực tế cho thấy, bằng nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, Đảng ủy Quân sự, Bộ CHQS tỉnh Sơn La đã quán triệt sâu sắc và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với công tác chính sách hậu phương Quân đội; phối hợp chặt chẽ với các địa phương đẩy mạnh các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, trực tiếp góp phần tăng cường an sinh xã hội và củng cố “thế trận lòng dân”, tạo cơ sở vững chắc xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần trong khu vực phòng thủ.

Cũng theo Đại tá Đào Ngọc Phương, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu, thì chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn có vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Đó là chính sách đặc biệt, thực hiện cho những đối tượng đặc biệt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc. Hơn lúc nào hết mỗi cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể phải xác định công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần để đời sống gia đình người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.

Được biết, hiện nay tỉnh Sơn La đang có tiềm năng lợi thế và các mô hình phát triển kinh tế nhanh, bền vững; kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại; xây dựng nông thôn mới, văn hóa, giáo dục, y tế văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống của người dân. Trong đó, các đối tượng chính sách sẽ được quan tâm, chăm lo tốt hơn. Để làm được việc này, tỉnh Sơn La chủ động khai thác triệt để những tiềm năng sẵn có, huy động được sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Công tác chính sách tiếp tục được đổi mới, quyết liệt, tận tâm hơn nữa và đặt đúng với yêu cầu nhiệm vụ.

Chúng ta phải biết, hàng ngàn thương, bệnh binh đang hàng ngày gồng mình chống chọi với vết thương, sống trong đau đớn. Biết bao những nạn nhân chịu ảnh hưởng của chất độc da cam đang sống trong vô thức, sống dựa vào sự chăm sóc của người thân… Bởi thế, chúng ta hãy thực hiện tốt hơn nữa truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, cùng quan tâm, chăm lo, để mỗi mảnh đời đã từng hy sinh cống hiến cho đất nước, cho dân tộc này ấm lòng hơn và bớt đi những nhọc nhằn trong cuộc sống. Để làm được như vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành, đặc biệt là từng cán bộ, nhân viên đang làm công tác chính sách phải nâng tầm hiểu biết và nâng cao hơn nữa trách nhiệm; phải toàn tâm, toàn ý với công việc. Phải luôn đặt mình vào đối tượng chính sách; công tác chính sách phải được quan tâm, chăm lo sâu sát, cụ thể, hiệu quả hơn; làm sao để các đối tượng chính sách có cuộc sống ngày một tốt hơn.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm thời đại sâu sắc, là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, thể hiện sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Để có chiến thắng vĩ đại ấy, vùng Tây Bắc, trong đó có tỉnh Sơn La đã đóng góp biết bao sức người, sức của, khẳng định rõ là hậu phương vững chắc. Đến hôm nay, Sơn La vẫn còn hơn 300 cựu chiến binh, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch vẫn cần được quan tâm chăm sóc.

 Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và hưởng ứng lời kêu của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, mỗi chúng ta sẽ nguyện tiếp tục cùng nhau làm tốt công tác giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về cái giá của sự hòa bình; làm cho các đối tượng chính sách và nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từ đây thế trận lòng dân sẽ ngày thêm vững chắc; tiềm lực chính trị tinh thần trong khu vực phòng thủ đất nước mỗi ngày thêm bồi đắp. Giữ được thế trận lòng dân, chắc chắn bức tường thép thành đồng bảo vệ chế độ sẽ trường tồn mãi mãi với thời gian.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.