Thứ ba Ngày 19 Tháng 03 Năm 2024, 05:14:11

Vượt khó làm giàu từ nghề Trầm

Ngày đăng: 13/03/2018

QK2 – Với nghị lực của một người lính từng trải qua chiến trường và tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Văn Minh ở khu 2, xã Phượng Lâu (TP Việt Trì, Phú Thọ) dành nhiều tâm huyết, gắn bó với nghề Trầm và trở thành giám đốc của một công ty có tiếng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Không những vậy, công ty ông còn tạo công ăn, việc làm với thu nhập ổn định cho hàng chục lao động ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Minh hướng dẫn người thợ làm cây trầm phong thủy.

BÉN DUYÊN NGHỀ TRẦM

Có mặt tại phòng khách của gia đình mình với đầy đủ tiện nghi, phảng phất làn sương mờ đục và hương trầm bay lên thơm dịu, ông Minh giới thiệu với chúng tôi về những sản phẩm của công ty, do bàn tay khéo léo của người thợ làm ra có giá trị kinh tế cao. Đó là, đồ gỗ mỹ nghệ, tượng phong thủy, các loại hương, nụ trầm và tinh dầu… Ông cho biết phải mất rất nhiều thời gian và công sức chúng tôi mới làm ra các sản phẩm giá trị đó.

Chỉ một cây trầm phong thủy rất đẹp đặt ngay bên cạnh, ông Minh chia sẻ: “Để hoàn thành nó, 4 người thợ của tôi phải mất 6 tháng làm việc liên tục. Quá trình làm đòi hỏi người thợ phải thật tỉ mỉ và có óc thẩm mĩ. Ông nói, cây này khách mới đặt mua, nó trị giá khoảng 350 triệu đồng”. Quả thật, càng ngắm những sản phẩm làm từ trầm hương trong phòng khách gia đình ông, chúng tôi càng bị cuốn hút bởi vẻ đẹp, nét tinh sảo của sản phẩm. Chỉ thế thôi cũng đủ hiểu người lính trận năm sưa đã dành nhiều tâm huyết với nghề như thế nào.

Khi được hỏi về con đường lập nghiệp, ông Minh hồ hởi: Tôi sinh ra và lớn lên ở xã Hùng Lô, huyện Phù Ninh (Phú Thọ). Năm 1984 tôi nhập ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc trong đội hình Trung đoàn 2, Sư đoàn 314. Năm 1987 hoàn thành nhiệm vụ tôi trở về địa phương tiếp tục lao động, sản xuất…

Sau khi trở về quê hương, từ mặt trận chiến tranh biên giới phía Bắc, ông lập gia đình và sinh liền 2 con. Để bảo đảm cuộc sống, ông bươn trải đủ nghề. Thời gian đầu người dân địa phương thấy ông nuôi tôm, nấu rượu. Sau đó, họ lại thấy ông chuyển sang buôn bán quần áo. Tuy nhiên, thu nhập bấp bênh, lại không có vốn làm ăn, kinh tế gia đình càng thêm khó khăn, ông đành bỏ nghề.

Làm thế nào để vươn lên thoát nghèo, trong khi mình từng là người lính, nghị lực có thừa, khó khăn không ngại. Hàng loạt câu hỏi được ông đặt ra, ông trằn trọc suy nghĩ… Đúng vào thời điểm kinh tế gia đình gặp khó khăn nhất, ông được đồng đội giới thiệu vào Quảng Nam lập nghiệp.

Ông nói: “Đồng đội cùng tham gia chiến đấu với tôi khuyên nhủ, tôi cứ đắn đo suy nghĩ. Nhưng cuối cùng tôi quyết định tạm biệt gia đình, vợ con rời quê hương vào Quảng Nam lập nghiệp”. Hành trang của ông khi ấy chỉ vỏn vẹn mấy bộ quần áo, cùng một ít tiền chi tiêu trên đường. Ông Minh trải lòng: “Khi đó kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm, mình đi không được, ở cũng chẳng đành, thôi thì phó mặc cho số phận vậy. Để có vốn làm ăn, tôi bàn với vợ quyết định bán con trâu vào “đất Quảng” mở trang trại lập nghiệp với mong muốn thoát nghèo”.

Chân ướt, chân ráo vào đến nơi, khi chuẩn bị mở trang trại với 3ha đồng đội cho mượn, giúp ông làm kinh tế. Ông vô tình gặp ông Nguyễn Hoàng Huy, người vốn nổi tiếng với nghề làm trầm hương trong vùng. Ông vội xin học nghề và làm không công cho ông Huy chỉ với lý do, có niềm đam mê với nghề trầm. Ông “bén duyên” với nghề trầm từ ấy.

Tuy nhiên, để tạo ra một sản phẩm từ trầm có giá trị không dễ. Để có công thức làm thuốc cấy, tạo trầm như ý, ông nhiều lần cất công sang Malaysia. Đất nước vốn nổi tiếng với những sản phẩm từ trầm, vừa để giao thương sản phẩm đồng thời tranh thủ học hỏi kinh nghiệm. Ở nước bạn, ông học được công thức dùng thuốc để cấy vào thân cây dó bầu tạo trầm. Nắm được công thức quý trong tay, nhưng khi áp dụng vào vườn cây dó bầu trong nước ông đều thất bại. Không cam chịu, ông Minh tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu công thức mới, phù hợp với khí hậu và chất đất trong nước. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng công thức của ông cũng mang lại thành công ngoài mong đợi.

Từ thân cây dó bầu sau khi ủ thuốc và cấy tạo đều cho ra sản phẩm chất lượng tốt. Ông cho biết: “Phải mất hơn 8 năm lăn lộn ở trong và ngoài nước, tôi mới làm ra công thức trầm đạt chuẩn”. Theo ông, khi cây dó bầu có đường kính khoảng 20cm tiến hành cấy thuốc. Sau 1,5 đến 2 năm thì khai thác, chế biến thành sản phẩm khác nhau như đồ gỗ mỹ nghệ, tượng phong thủy, các loại hương, nụ trầm và tinh dầu.

Thành công với công thức mới, ông ấp ủ mở một xưởng riêng để làm ra sản phẩm cung cấp cho thị trường. Thời gian đầu do không có vốn, ông bàn với gia đình vay mượn anh em, bạn bè… Xưởng của ông mở ra tạo công ăn, việc làm cho hơn 120 lao động ở Quảng Nam.

ĐƯA NGHỀ TRẦM VỀ ĐẤT TỔ

Thành công với nghề Trầm ở nhiều nơi, nhưng với suy nghĩ đưa sản phẩm chất lượng đến với người dân đất Tổ và mở rộng thị trường. Cuối năm 2016, ông thành lập Công ty TNHH trầm hương Phúc Minh. Trụ sở tại khu 1, xã Hùng Lô (Việt trì, Phú Thọ) do ông làm giám đốc công ty.

Quan sát công việc chế tác trầm thành đồ mỹ nghệ, chúng tôi được “thực mục sở thị” bàn tay tài hoa của những người thợ, do ông truyền nghề. Chỉ với vài dụng cụ như khoan, chiếc dũm nhỏ, cái cưa trên tay, người thợ đã có thể tác ra những sản phẩm hết sức tinh sảo, độc đáo theo ý muốn. Khách hàng có khó tính đến mấy, nhưng khi ngắm sản phẩm công ty ông đều hết sức thán phục. Anh Nguyễn Văn Hiệp, thợ lâu năm thổ lộ: “Thời gian đầu được ông Minh nhận làm, tôi cứ loáy hoáy mãi không cho ra sản phẩm. Sau một thời gian được ông Minh cầm tay, chỉ việc và hướng dẫn tỉ mỉ tôi đã có thể tạo ra nhiều sản phẩm theo ý muốn”.

Anh Nguyễn Đức Thạch, Giám đốc Công ty xe khách Hải Dương, khách hàng thường xuyên của công ty chia sẻ: Sản phẩm làm từ trầm của công ty TNHH trầm hương Phúc Minh bền, đẹp, giá cả hợp lý. Tôi cũng nhiều lần giới thiệu cho bạn bè đến mua sản phẩm của công ty ông Minh.

Để công ty có chỗ đứng vững chắc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ông  luôn tâm niệm: Phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất và tạo dựng lòng tin cho khách hàng. Hiện nay Công ty TNHH trầm hương Phúc Minh thường xuyên tạo công ăn, việc làm cho hơn 30 lao động là con em thương, bệnh binh và nhân dân ở địa phương, với thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng/người/tháng. Góp phần không nhỏ giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo,

Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại hương, màu sắc đẹp, giá thành rẻ được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng do được tẩm hóa chất nên khi đốt sẽ có nhiều mùi khác nhau, gây khó chịu, cay mắt và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hương trầm sạch được làm từ 100% nguyên liệu tự nhiên, có giá cao hơn giá một số loại hương trên thị trường, nhưng có màu sắc trầm tính, hương thơm dễ chịu, an toàn cho người sử dụng.

Sản phẩm công ty ông Minh được cấp chứng nhận của trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, thuộc Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã kiểm nghiệm sản phẩm an toàn. Công ty được cấp chứng nhận, đánh giá sản phẩm phù hợp với các yêu cầu theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.

Ông Nguyễn Tiến Đức, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hùng Lô cho biết: “Công ty TNHH trầm hương Phúc Minh không chỉ làm ra những sản phẩm sạch, chất lượng; có giá trị kinh tế cao; mà còn giúp địa phương giải quyết nhiều lao động chưa có việc làm, tạo điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Bản thân ông Nguyễn Văn Minh có nhiều đóng góp đối với công tác an sinh xã hội, tạo được tình cảm tốt đẹp đối với nhân dân địa phương”.

Bài, ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.