Thứ hai Ngày 01 Tháng 07 Năm 2024, 04:06:51

Viết tiếp truyền thống vẻ vang, xây dựng LLVT Vĩnh Phúc “tinh, gọn, mạnh” hoạt động hiệu lực, hiệu quả:

Ngày đăng: 27/06/2024

Kỳ 2: Sáp nhập để bộ máy “tinh, gọn, mạnh”

 

QK2 – Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương và các quyết định của Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam để xây dựng bộ máy Quân đội “tinh, gọn, mạnh” từ năm 2020 đến nay các cơ quan, đơn vị (CQ,ĐV) thuộc LLVT tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều biến động, thay đổi. Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các CQ,ĐV tiến hành sáp nhập, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định. 

Thượng tá Nguyễn Hữu Hào (ngoài cùng bên phải) kiểm tra công tác bảo quản vũ khí tại Kho Vũ khí đạn.

Đến Trung đoàn 834 công tác mặc dù đã gần hết giờ làm việc buổi sáng, tuy thời tiết rất nắng nóng, oi bức, nhưng tại hội trường của đơn vị, Trung tá Kiều Văn Chức, Đại đội trưởng Khung lớp bổ túc sĩ quan dự bị (SQDB) vẫn miệt mài giảng bài “Phương pháp soạn thảo giáo án, tiến trình biểu huấn luyện quân sự cấp đại đội”. Các SQDB chăm chú lắng nghe, ghi chép cẩn thận các nội dung để làm “cẩm nang” khi thực hành chuẩn bị giáo án giảng bài cho quân nhân dự bị (QNDB). Theo Thượng tá Lê Văn Quyền, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 834, tháng 2 năm 2020 Trường Quân sự tỉnh giải thể, vị trí đóng quân, quân số và một số chức năng, nhiệm vụ của nhà trường giao cho Trung đoàn quản lý, thực hiện. Do vậy, bên cạnh chức năng nhiệm vụ chính trị trung tâm của Trung đoàn là quản lý các đơn vị dự bị động viên (DBĐV), huấn luyện QNDB, nay đảm đương thêm nhiều công việc như: Tập huấn cán bộ cả lực lượng thường trực, dân quân tự vệ (DQTV), DBĐV; đăng cai tổ chức hội thi, hội thao, huấn luyện tự vệ cụm của một số sở, ban, ngành… Đặc biệt, là tổ chức giáo dục quốc phòng, an ninh (QP-AN) cho đối tượng 3. Nhưng được sự quan tâm của tỉnh, cơ sở hạ tầng đảm bảo tốt. Sau sáp nhập chức năng, nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền rõ ràng, dễ thực hiện hơn trước rất nhiều. Ví dụ như việc ký giấy chứng nhận tham gia lớp bồi dưỡng giáo dục QP-AN đối tượng 3. Nếu như trước đây Trường Quân sự tỉnh phải ký văn bản phối hợp hiệp đồng, đề nghị Trường Quân sự Quân khu ký cấp cho các đối tượng thì nay Trung đoàn hoàn thiện để đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN của tỉnh ký. Chỉ có điều yêu cầu cán bộ của đơn vị phải đảm đương “nhiều vai, đa – di – năng” hơn trước thì mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Triển khai việc sáp nhập, giải thể nhằm tinh giản bộ máy tổ chức, giảm cồng kềnh, chồng chéo để các CQ,ĐV hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Theo đó, thực hiện các quyết định của Bộ Quốc phòng, Ban Hậu cần, Ban Kỹ thuật Trung đoàn 834 sáp nhập thành Ban Hậu cần – Kỹ thuật; Phòng Hậu cần, Phòng Kỹ thuật thuộc Bộ CHQS tỉnh sáp nhập thành Phòng Hậu cần – Kỹ thuật, bộ phận chính trị, kế hoạch tổng hợp của 2 phòng sáp nhập làm một, hiện Phòng Hậu cần – Kỹ thuật còn 6 ban (Quân nhu, Quân y, Doanh trại, Kế hoạch, Quân khí, Xe máy); giải thể Ban Khoa học, trước đây 3 – 4  người nay chỉ còn Trợ lý Khoa học trực thuộc Phòng Tham mưu; Đại đội 27 và Đại đội Trinh sát sáp nhập thành Đại đội Trinh sát – Cơ giới; thành lập Đại đội Công binh thay vì Đội Rà phá bom mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh như trước đây.

Quá trình sáp nhập, điều chuyển nhiều sĩ quan, QNCN được điều động, bổ nhiệm vị trí mới theo đúng tinh thần “có vào, có ra, có lên, có xuống”. Việc điều động, luân chuyển được thực hiện theo đúng quy trình, được dân chủ thảo luận, thống nhất cao, tạo sự đồng thuận, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị sáp nhập, giải thể. Trong đó có một số đồng chí cán bộ lúc trước làm cấp trưởng nay sáp nhập xuống làm cấp phó nhưng vẫn vui vẻ, nêu cao ý thức và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Thượng tá Nguyễn Hữu Hào là một người như thế. Vì trước đây anh là Chủ nhiệm Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc, khi sáp nhập anh Hào được điều động giữ chức Phó Chủ nhiệm Hậu cần – Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh. Trên cương vị công tác mới, tuy được giao giúp Chủ nhiệm phụ trách mảng kỹ thuật, nhưng Thượng tá Nguyễn Hữu Hào vẫn tích cực học hỏi, trau dồi thêm kiến thức về công tác quân nhu, doanh trại, quân y để làm cơ sở tích lũy và kinh nghiệm chỉ đạo cơ quan thực thi nhiệm vụ. Thượng tá Nguyễn Hữu Hào chia sẻ, mình là cán bộ, đảng viên mà lại là lãnh đạo, chỉ huy nên khi tổ chức yêu cầu, điều động mình phải triệt để chấp hành, không được phép lựa chọn theo ý muốn cá nhân. Cương vị công tác nào cũng có những thuận lợi, khó khăn riêng chứ không chỉ một màu hồng hay một chiều thuận lợi. Nên khi Đảng tin tưởng, giao công việc gì mình cũng sẽ cố gắng cùng tập thể đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với Trung tá Trần Minh Khoáng, Trợ lý Khoa học, Phòng Tham mưu cũng vậy. Sau gần 6 tháng “gánh việc” của cả một ban có từ 3 – 4 người trước đây dần dần anh đã quen với công việc, nhiệm vụ của ngành khoa học quân sự. Trong khi đó, chức Trưởng ban Khoa học trước đây có trần quân hàm thượng tá, hệ số chức vụ 0,7 nay Trợ lý khoa học không có phụ cấp trách nhiệm, trần quân hàm cũng chỉ như các trợ lý tham mưu khác. Dù vậy Trần Minh Khoáng vẫn đam mê với công việc, dành nhiều thời gian, kể cả giờ nghỉ, ngày nghỉ để đọc, nghiên cứu tài liệu, lịch sử, đề tài. Nếu anh Khoáng có nghỉ phép nhưng đơn vị có việc anh vẫn phải lên để thực hiện nhiệm vụ, vì đó là trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên.

Bài, ảnh: DUY TUẤN – NGỌC CƯỜNG- NGÔ HÙNG

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.