Thứ bảy Ngày 04 Tháng 05 Năm 2024, 11:16:46

Tự hào nghề báo tôi yêu

Ngày đăng: 18/08/2021

QK2 – Còn nhớ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, tôi mới học lớp 2, lớp 3 ở trường làng. Thuở cuộc sống cơ hàn, phải theo anh chị đi chăn trâu, thả lưới, mò cua, bắt ốc để kiếm bữa qua ngày, quần vá, áo đùm, bụng đói, chân đất,… “dặt dẹo” tới trường nhưng không hiểu vì sao tôi lại thích đọc báo “chiến sự” nhà binh.

Phóng viên Báo QĐND và Báo Quân khu trao đổi kỹ năng tác nghiệp ảnh báo chí với các thông tin viên, cộng tác viên.

Tôi nhớ lắm những lần anh trai ở vùng chiến sự Hà Tuyên (nay là tỉnh Hà Giang), mỗi khi về phép thường mang theo những tờ “Báo Chiến sĩ Tây Bắc” (nay là Báo Quân khu 2) để làm quà cho đám em ở nhà. Cầm những tờ báo Báo Chiến sĩ Tây Bắc, tôi thích thú vô cùng, hớn hở lật giở từng trang, ngắm nhìn từng cái ảnh, đọc thuộc từng dòng tít và hí hửng mang đi khoe bạn bè. Tôi hăm hở chỉ cho chúng bạn về từng khẩu súng, pháo to đùng và những dây băng đạn dài hàng mét, những quả đạn pháo to bằng cổ tay, bắp chân người, khiến lũ bạn càng thêm tò mò, tranh cướp nhau. Những trang báo đọc xong, tôi không vứt đi mà tận dụng làm bìa để bọc sách vở, để sau mỗi giờ học, tôi lại lấy ra đọc. Những tờ báo đó, tôi đọc từ lúc tập tọe đánh vần cho tới khi lên lớp 3, đọc thông viết thạo; vì thời đó, đâu có nhiều loại hình, sản phẩm báo chí như bây giờ; sách còn không có tiền mua để học chứ nói gì tới chuyện mua báo để đọc, mà ở nông thôn làm gì có báo bán mà mua. Tôi nhớ mãi những loạt bài phóng sự của anh tôi viết tại mặt trận biên giới Hà Tuyên khi đó, như: “Chiến hào biên cương”; “Điểm tựa trong mây”; “Cột mốc cây số không”; “Những người lính yêu xe”… phản ánh tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu khiến tôi vô cùng cảm kích và gieo trong mình ước mơ  được trở thành người lính – nhà báo chiến sĩ. Thuở ấy, tôi chưa có khái niệm rõ ràng về sự chọn nghề, chưa mường tưởng hết những khó khăn, vất vả và áp lực căng thẳng của người làm báo; nhất là đối với những nhà báo “chiến trường” phải đối diện trước 2 mặt trận: Quân sự và chính trị tư tưởng đầy cam go, ác liệt. Thế nhưng, những bức ảnh “chiến sự” nơi biên giới khi đó và hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ mang mặc quân phục chỉnh tề, bồng súng nghiêm trang trong hàng quân thẳng tắp… đã khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ và ước mong sẽ được làm người lính trong hàng quân ấy.

Và rồi, ngày tốt nghiệp trung học phổ thông và ước mơ trở thành người chiến sĩ của tôi cũng đã đến. Tháng 10 năm 1995, tôi vinh dự được nhập ngũ làm chiến sĩ tại Trung đoàn 604 (nay là Lữ đoàn 604), Quân khu 2. Kể từ đó, mong muốn được đọc báo và viết báo  của tôi ngày một nhiều hơn.  Vì thế, tôi trở thành vị khách “thân quen” của thư viện trung đoàn, thư viện Quân khu. Từ khi là chiến sĩ cho tới khi trở thành cán bộ chỉ huy trung đội, đại đội, trợ lý chính trị trung đoàn, rồi quyền Chính trị viên Tiểu đoàn, tôi vẫn luôn là độc giả và cộng tác viên trung thành của Báo Quân khu. Những thông tin, hình ảnh phán ánh trên tờ báo luôn đầy ắp thông tin, gần gũi, chân thực với hoạt động của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Bắc; trong đó, nhiều bài viết dài kỳ có chất lượng và tính định hướng dư luận sâu sắc. Cũng chính bởi thế, tôi biết được nhiều cây bút có “tên tuổi” nổi danh, với nhiều tác phẩm được “neo đậu” vào lòng người đọc, như các anh: Vũ Viết Xô, Nguyễn Thắng Lợi, Ngô Ngọc Nho, Trần Túy, Nguyễn Tất Hiệp, Nguyễn Quang Chung, La Quang Mão, Nguyễn Minh Trường, Phùng Kim Lân và cho tới các thế hệ sau này là anh: Nguyễn Văn Hải, Đào Đức Hanh, Trương Văn Định… Đây đều là những nhà báo đã trưởng thành, có nhiều thành công trong “nghiệp viết” từ Báo Quân khu và sau này đều phát triển thành các sĩ quan cao cấp; là lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, cơ quan báo chí ở Quân khu và Bộ Quốc phòng. Đó là những thế hệ đã truyền lửa đam mê, tiếp thêm nghị lực giúp tôi trở thành một thành viên trong “ngôi nhà chung” của báo Quân khu.

Các thế hệ đàn anh của tôi thường bảo rằng, nghề báo luôn có nhiều áp lực, khó khăn, vất vả hơn so với làm chỉ huy ở đơn vị; nếu không quyết tâm, không chịu khó, say mê với nghề thì sẽ không thể thành “nhà báo thực thụ” được. Nhất là đối với những nhà báo chiến sĩ, bên cạnh các yếu tố, phẩm chất cần thiết về đạo đức, trình độ, năng khiếu, sự năng động, xông xáo thì cần phải có lập trường và bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần tỉnh táo, sáng suốt khi tuyên truyền, phản ánh các vấn đề, sự kiện, bảo đảm tính đúng đắn và chính xác. Vì vậy, trong quá trình tác nghiệp đòi hỏi người cầm bút phải luôn cẩn trọng và không được phép để xảy ra sai sót. Bởi cái sai của một bài báo, của một người cầm bút sẽ ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của tờ báo và với cả Tòa soạn. Những điều chia sẻ, chỉ bảo của thế hệ đàn anh thạo nghề đối với tôi không chỉ là tình cảm trách nhiệm về nghiệp vụ mà đó còn là những bài học quý được rút ra từ thực tiễn hoạt động làm báo của bao thế hệ trong suốt quá trình 75 năm xây dựng, phát triển của Báo Quân khu 2. Bởi vậy, trong quá trình sáng tạo các tác phẩm báo chí, chúng tôi luôn rất cẩn trọng, suy nghĩ thấu đáo trước mọi vấn đề, lường trước những cái “được – mất” sau mỗi bài báo và không quên đọc đi đọc lại nhiều lần, nhất là những thông tin về con người, số lượng, chi tiết liên quan đến “điểm nhấn” của bài viết.

Và hôm nay đây, khi vinh dự, tự hào cùng các đồng nghiệp chuẩn bị các tin, bài cho số báo đặc biệt, kỷ niệm 75 năm Ngày Báo Quân khu 2 ra số đầu tiên (19/8/1946 – 19/8/2021), lòng tôi lại nôn nao nhớ về quê nhà. Ở nơi đó, có những kỷ niệm của một thời tuổi thơ gian khó, có hình ảnh về những trang “Báo Chiến sỹ Tây Bắc”. Và khắc sâu trong đó là hình ảnh lao động miệt mài của những nhà báo chiến sĩ xông pha trên các mặt trận tuyến đầu, để kịp thời cho ra những tờ báo tuyên truyền, cổ vũ tinh thần xây dựng, chiến đấu của quân và dân ta… Tất cả đã gom góp thành hành trang, giúp ước mơ nghề báo của tôi thành hiện thực; đồng thời tiếp thêm nghị lực để tôi vững bước trên con đường binh nghiệp mà mình đã chọn.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.