Chủ nhật Ngày 19 Tháng 05 Năm 2024, 12:02:19

Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng

Ngày đăng: 30/04/2023

QK2 – Những ngày tháng Tư lịch sử, cách đây 48 năm mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son chói lọi của biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩ anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam. Chắc hẳn trong ký ức của nhiều người đã trải qua những ngày tháng đấu tranh giải phóng miền Nam cũng như thế hệ trẻ hôm nay được nghe kể lại về nguồn gốc, diễn biến của những ngày Chiến thắng 30/4/1975 – “cuộc chiến chấn động địa cầu” mà không khỏi xúc động, tự hào về những thời khắc oanh liệt trong trận “quyết chiến chiến lược” cuối cùng năm 1975.  

Xe tăng của quân Giải phóng đã tiến vào dinh Tổng thống. (Ảnh tư liệu)


Vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 – 1976. Đặc biệt, sau chiến thắng của quân ta ở Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam” và đưa ra quyết định: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”.
Với quyết tâm đó, ngày 9/4, quân ta đã hoạt động mạnh trên hướng Đông, đánh vào Xuân Lộc. Ngày 16/4, quân ta giải phóng Phan Rang (Ninh Thuận); tiếp đó, quân ta lần lượt giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân (Bình Thuận). Ngày 21/4, sau những trận chiến đấu ác liệt, quân địch ở thị xã Xuân Lộc và Long Khánh buộc phải rút chạy; Nguyễn Văn Thiệu – tên đại sai đắc lực của Mỹ buộc phải từ chức và chạy trốn ra nước ngoài. Như vậy, trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công các căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch từ phía Đông.
Những ngày cuối tháng 4/1975, trước diễn biến mau lẹ của tình hình chiến trường, đúng 17 giờ ngày 26/4, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn, quân ta mở đợt tiến quân lớn trên hướng Đông và Nam Sài Gòn, siết chặt vòng vây xung quanh Sài Gòn. Ngày 28/4, không quân ta tiến công sân bay Tân Sân Nhất, tất cả các cánh quân lớn của ta đã bao vây chặt Sài Gòn. Giờ tận số của chế độ Mỹ – Ngụy đã điểm, hoảng loạn, vội vã, hàng vạn nhân viên quân sự, dân sự và bọn tay sai đầu sỏ của Mỹ – Ngụy tháo chạy khỏi miền Nam. Đúng 0 giờ đêm 29, rạng sáng 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực hùng mạnh của ta từ nhiều hướng đồng loạt tổng công kích vào Sài Gòn – sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Với ưu thế áp đảo, quân ta ào ào tiến công, vừa bao vây tiêu diệt địch ở vòng ngoài, vừa thần tốc, táo bạo thọc sâu, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng ở bên trong; lực lượng tại chỗ và quần chúng trong và ngoài thành phố đã nổi dậy phối hợp với các binh đoàn chủ lực để truy quét địch. Đến 9 giờ 30 phút ngày 30/4, Dương Văn Minh kêu gọi ngừng bắn để điều đình, bàn giao chính quyền nhằm cứu quân Ngụy khỏi sự sụp đổ. 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng quân ta tiến thẳng vào dinh Độc Lập, bắt sống Ngụy quyền; Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng đã tung bay trên nóc phủ Tổng thống Ngụy, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng.
Thừa thắng xông lên, từ ngày 30/4, đồng bào và chiến sĩ các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long đã đồng loạt tiến công và nổi dậy, toàn bộ lực lượng quân Ngụy còn lại phải hạ vũ khí đầu hàng. Ngày 1/5, toàn bộ lãnh thổ trên đất liền Việt Nam nước ta đã được hoàn toàn giải phòng, Sài Gòn được đổi tên thành TP. Hồ Chí Minh theo tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc; quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất lúc bấy giờ, kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới, vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.
Phát huy thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân 1975, 48 năm qua, cùng với toàn Đảng, toàn dân ta, các thế hệ CB,CS Quân đội luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, chung sức đồng lòng thực hiện những kỳ vọng của Đảng và Bác Hồ kính yêu; phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, luôn bám sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân, ra sức thi đua phát triển kinh tế, củng cố QP-AN, xây dựng, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và an ninh chính trị; sẵn sàng hỗ trợ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh…, góp phần xây dựng đất nước phát triển nhanh, bền vững, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Khát vọng đó của dân tộc cũng thiêng liêng và mãnh liệt như ý chí giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Nghĩ về chiến thắng lịch sử 30/4/1975, chúng ta mãi mãi ghi nhớ công ơn trời biển của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh tụ tiền bối, các anh hùng liệt sỹ… Điều đó đang tiếp thêm động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
SƠN CA

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.