Thứ hai Ngày 06 Tháng 05 Năm 2024, 08:37:16

“Thắp lửa” nơi biên cương nghèo khó

Ngày đăng: 07/03/2019

QK2 – Địa bàn đóng quân của các Đoàn kinh tế – Quốc phòng (KT-QP) trên địa bàn Quân khu được được biết đến như nhữngốc đảo heo hút. Tuy đường đi, lối lại quanh co, hiểm trở, đèo cao, vực sâu nhưng không ngăn được những bước chân của trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) vượt suối, băng rừng đến với đồng bào cùng “thắp lửa” nơi biên cương nghèo khó.

TTTTN Đoàn KT-QP 326 cùng nhân dân làm đường giao thông nông thôn.

Con đường vòng vèo và trập trùng dốc núi đưa chúng tôi đến xã Mường Toong và Nậm Vì. Đây là hai xã khó khăn của huyện Mường Nhé (Điện Biên). Núi đồi trập trùng ngút tầm mắt, chìm trong sương, lại thiếu nguồn nước nên diện tích trồng lúa, ngô, sắn không nhiều, do vậy người dân nơi đây luôn thấp thỏm lo đối diện với cái đói. Mặt khác, đường sá đi lại khó khăn, dân trí thấp, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất hạn chế nên cuộc sống ở nơi rẻo cao này khó khăn thêm chồng chất. Cứ vào mùa giáp tết, người dân từ người già đến trẻ nhỏ dắt díu nhau vào rừng phá rẫy trồng thuốc phiện. Việc vận động nhân dân thực hiện phá, nhổ bỏ cây thuốc phiện gặp rất nhiều trở ngại vì chủ yếu được trồng trộm ở những nơi hẻo lánh, ít người qua lại.

Gắn bó 4 năm với mảnh đất Mường Toong, Nậm Vì nằm chênh vênh trải dọc theo tuyến vành đai biên giới, bước chân của Đội viên Trần Thiên Sơn, Đội viên Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 5 cũng như nhiều TTTTN khác trong Đoàn KT-QP 379 đã in dấu khắp các đỉnh đồi, dốc núi. Bao vui buồn đã nếm, khó khăn, vất vả đã trải nghiệm và sẻ chia cùng nhân dân, Sơn nhớ lại ngày đầu mới lên đây khó khăn lớn nhất gặp phải là sự bất đồng ngôn ngữ, chưa am hiểu phong tục tập quán sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Bằng cách kiên trì bám làng, bám bản để vận động, giải thích cho đồng bào hiểu rõ tác hại rồi tự giác nhổ bỏ cây thuốc phiện. Từ năm 2012 đến nay, Sơn và các đội viên trong Đoàn đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương vận động nhân dân nhổ bỏ trên 15.000 m2 diện tích trồng cây thuốc phiện; thay đổi tập tục du canh, du cư, đưa các giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, hợp thổ nhưỡng, khí hậu vào gieo trồng, chăn nuôi. Trẻ nhỏ đã được đến trường học cái chữ. Thanh niên các bản không còn say “nàng tiên nâu”. Họ đã biết cầm cái cuốc, giữ cái cày, chăm con trâu cho béo để trồng lúa nước… Thấy có hiệu quả, cứ người này rỉ tai người khác dần dà đồng bào đã bỏ thói quen trồng cây thuốc phiện…

Nhiệt huyết sức trẻ, những “chiến sĩ” trí thức trẻ trong màu áo xanh tình nguyện Đoàn KT-QP 356 3 cùng, 4 bám, đoàn kết cùng đồng bào các dân tộc xây dựng vùng biên giới quê hương ấm no. Không quản ngại khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ nơi “thâm sơn cùng cốc” miền biên viễn, họ trăn trở trước cuộc sống khó khăn của đồng bào, cống hiến sức trẻ và trí tuệ để nỗ lực đưa những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo. Mong muốn mang lại cuộc sống no ấm cho nhân dân trở thành “chất keo” gắn kết họ lại với nhau, bám trụ kiên cường ở vùng đất “khó”, không ai phàn nàn, kêu ca. Bóng áo xanh tình nguyện tươi trẻ xen cùng màu xanh áo lính của cán bộ, chiến sĩ làm nên sắc xanh “no ấm” lung linh, hòa quyện. Đội viên Hoàng Hồng Quân, Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2 bộc bạch: Chúng tôi rất vui và tự  hào vì được đóng góp một phần nhỏ công sức của mình giúp dân được nhiều việc làm có ý nghĩa thiết thực góp sức cùng đồng bào đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu.

Đường vào Đoàn KT-QP 345 “ẩn” mình vào trong sương chiều. Trời mùa đông nơi biên giới chuyển lạnh rất nhanh, cái lạnh bắt đầu ngấm vào da thịt, vậy mà, không phụ sức người, mảnh đất biên cương nhiều gian khó vẫn từng bước thay da, đổi thịt nhờ TTTTN bám biên, bám bản, bám đồng bào. Càng quý trọng những người dân “sống chung” với dải đất biên cương cheo leo, hiểm trở bao nhiêu, thì chúng tôi lại càng cảm phục TTTTN bấy nhiêu. Bởi, họ đã tự nguyện góp sức cùng đồng bào xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những đồi ngô lai xanh ngút ngàn vi vu trong gió, những đồng lúa nước chín vàng khoe hạt như điểm thêm màu no ấm ở những bản làng bình yên nơi đầu nguồn biên giới. Tiếp nối mạch nguồn đó, họ như “chú ong” cần mẫn từng ngày cùng nhân dân gieo mầm xanh cuộc sống trên những mảnh đất khô cằn… “Dám nghĩ, dám làm và dám dấn thân ở những nơi cằn khô sỏi đá…” – TTTTN Hoàng Văn Đoàn chia sẻ.

TTTTN đã thể hiện được vai trò quan trọng, được lãnh đạo và nhân dân địa phương đánh giá rất cao. Trong thời gian công tác tại các đoàn KT-QP, không ít địa phương đã mạnh dạn sử dụng các TTTTN tham gia các tổ chức quần chúng của xã và đảm nhận những chức trách quan trọng, như phó chủ tịch hội phụ nữ, phó bí thư chi đoàn xã… Nhờ vào sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, chịu khó học hỏi, bám nắm địa bàn, hòa nhập với đơn vị, chấp hành tốt nội quy, quy chế của Đoàn và của Quân đội, các TTTTN đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao. Họ đã góp phần đáng kể tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhờ đó tạo dựng được lòng tin yêu của chính quyền và đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước; thực sự cùng cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị góp phần tích cực vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn.

Bài, ảnh: LỤC KIM THUYÊN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.