Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 01:51:25

Tận tình, trách nhiệm nơi tâm dịch miền Nam

Ngày đăng: 11/11/2021

QK2 – Tham gia làm nhiệm vụ điều trị, cấp cứu, vận chuyển hàng nghìn bệnh nhân mắc Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vừa qua, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, lái xe các đơn vị thuộc LLVT Quân khu đã trải qua nhiều câu chuyện cảm động. Đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy, thách thức, lực lượng phòng, chống dịch Covid- 19 của Quân khu tăng cường cho các tỉnh phía Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại ấn tượng sâu đậm đối với cấp uỷ, chính quyền, người dân địa phương; đặc biệt đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mắc Covid-19 nơi tâm dịch.

Bài 1: Đối mặt với hiểm nguy

Hơn 2 tháng làm nhiệm vụ tại Trạm y tế lưu động số 34 trên địa bàn Phường 12, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh, tổ quân y lưu động do Thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Thị Hoà, khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Quân y 109 làm tổ trưởng đã điều trị cấp cứu kịp thời cho hàng trăm ca mắc Covid-19. Mỗi lần nhận được lời cảm ơn của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân F0 khi họ được điều trị khỏi bệnh lại tiếp thêm cho chị và các thành viên trong tổ nhiều động lực và niềm tin để hoàn thành tốt hơn nữa công việc của mình.
Kể về ca cấp cứu bệnh nhân F0 mới đây vào cuối tháng 9, bác sĩ Nguyễn Thị Hoà nhớ lại: Vào khoảng 1 giờ sáng, ngày 28-9 nhận được cuộc gọi từ người nhà bệnh nhân. Vội cầm điện thoại trên tay trong đầu tôi thoáng nghĩ đó là một ca bệnh nguy hiểm. Bệnh nhân là Phan Thị Tiếng, 65 tuổi, địa chỉ N37/35, cư xá Phú Lâm A, Phường 12, Quận 6. Băng qua các con hẻm hun hút sau hơn 15 phút đi bộ, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến đúng địa chỉ. Trước mắt tôi là người bệnh nằm trên giường, tiếng thở yếu ớt, gần như không thở nổi. Bệnh nhân có bệnh nền tăng huyết áp, viêm dạ dày, tá tràng mãn tính, chỉ số SpO2 chúng tôi đo được 87%. Không an tâm nếu điều trị bệnh nhân tại nhà, tôi thực hiện nhanh thao tác cấp cứu, mắc dây ô xy cho bệnh nhân thở với liều lượng chuẩn. Sau 5 phút đo lại SpO2 chỉ lên được 91%. Tiên lượng bệnh nhân không thể để kéo dài qua đêm, tôi nhấc điện thoại yêu cầu Trạm y tế phường điều xe cứu thương hỗ trợ khẩn cấp. Chuyển bệnh nhân lên xe, nhìn theo chiếc xe màu trắng lao vun vút, mà lòng tôi cứ thấp thỏm lo âu. Tôi đặt nhiều câu hỏi, liệu bác ấy có đến kịp viện không? có an toàn không?. Nghĩ đến sức khoẻ của bệnh nhân, về đến nơi nghỉ, tôi không sao ngủ được. 
Cũng như khi điều trị, cấp cứu cho nhiều bệnh nhân mắc Covid -19, bác sĩ Nguyễn Thị Hoà thường gọi điện hỏi thăm sức khoẻ bệnh nhân sau khi hoàn thành công việc của mình. Điện thoại cho con trai bệnh nhân Phan Thị Tiếng chị được biết, sau khi nhập viện khoảng 1 giờ, bệnh nhân xuất hiện 1 cơn tăng huyết kịch phát. Rất may lúc đó bệnh nhân đang ở bệnh viện và được các y, bác sĩ chăm sóc, cấp cứu kịp thời với đầy đủ các trang thiết bị máy móc hiện đại không làm ảnh hưởng đến tính mạng. “Sau hơn 20 ngày điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân Phan Thị Tiếng được ra viện gọi điện cảm ơn, tôi như vỡ oà hạnh phúc”- bác sĩ Hoà thổ lộ.

Xe cứu thương của Đại uý QNCN Nguyễn Đức Thể chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 đến bệnh viện. Ảnh: THẾ VĂN

Không thường xuyên trực tiếp thăm khám, điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân mắc Covid- 19, nhưng đội ngũ lái xe cứu thương các đơn vị thuộc Quân khu 2 tăng cường cho các tỉnh phía Nam vừa qua cùng chung tay, góp sức trong việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày mỗi khi nhận được yêu cầu là các anh sẽ có mặt kịp thời, chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện an toàn. Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại uý QNCN Nguyễn Đức Thể, Lái xe thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 652 (Cục Hậu cần Quân khu) kể về khoảnh khắc trong một lần vận chuyển cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân mắc Covid-19.
Đại uý QNCN Nguyễn Đức Thể nhớ lại: Vào khoảng 0 giờ 30 phút một ngày trung tuần tháng 9, tôi nhận được cuộc gọi từ nhân viên y tế phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) yêu cầu có mặt gấp. Vội mặc bộ đồ bảo hộ, ngồi sau vô lăng khi ấy tôi chỉ có một ý nghĩ cần tập trung điều khiển chiếc xe nhanh nhất có thể để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Sau khoảng 15 phút nổ máy, chiếc xe cứu thương của tôi đỗ trước cửa nhà bệnh nhân F0. Trước mặt tôi khi ấy là ông Phan Văn Phước, 78 tuổi và bà Lê Thị Bé, 69 tuổi, nhà ở tổ 4, ấp 3, phường Hội Nghĩa. Hai ông bà đều bị mắc Covid-19, không có người thân bên cạnh. Tôi cùng bác sĩ Nguyễn Đình Khanh (Học viện Quân y 103) chuyển hai ông bà lên xe cứu thương cơ động về hướng Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên cách nhà bệnh nhân chừng 10 km. Biết hai ông bà sống với nhau không có con, cháu, tôi chấn an bệnh nhân: “Ông bà cứ bình bình tĩnh, đừng lo lắng nhiều kẻo ảnh hưởng đến sức khoẻ, mọi việc đã có chúng cháu hỗ trợ”. Tôi dừng xe lại tại cổng Trung tâm y tế, rồi phối hợp với nhân viên y tế chuyển hai bệnh nhân vào phòng cấp cứu, trong lòng thấp thỏm, lo âu.
CAO MẠNH TƯỜNG
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.