Thứ bảy Ngày 04 Tháng 05 Năm 2024, 07:23:16

Những đứa trẻ nhiều “Cha”

Ngày đăng: 28/01/2022

QK2 – Nhận con đỡ đầu giúp những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xác định trong Nghị quyết lãnh đạo 6 tháng cuối năm 2021 của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng (KT-QP) 356 . Trong đó, xác định chỉ tiêu 6 tháng cuối năm mỗi Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị (SX&XDCSCT) nhận giúp đỡ ít nhất một cháu.

Học sinh lớp 2, Trường dân tộc bán trú Tiểu học xã Vàng Ma Chải (Phong Thổ, Lai Châu) tham quan mô hình trồng rau trên đồi của Đội SX&XDCSCT số 2, Đoàn KT-QP 356.

 Khi tất cả đã thuận ý đồng lòng, cán bộ, chiến sĩ các Đội lặn lội đến các bản xác định rõ điều kiện hoàn cảnh của từng cháu; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành các thủ tục, tổ chức nhận các cháu làm con đỡ đầu. Có mặt tại nhà của 3 cháu: Phàn Diêu Đức, sinh năm 2011; Phàn Diêu Đạo, sinh năm 2013; Phàn Diêu Hồ, sinh năm 2019 ở bản Tân Séo Phìn, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Nói là nhà nhưng thực chất chỉ là túp lều; bên trong không một vật dụng đáng giá ngoài vài bộ áo quần rách đã ngả màu. Hoàn cảnh 3 anh em thật tội nghiệp, bố mẹ ly hôn tháng 1 năm 2020. Ngay sau ly hôn mẹ bỏ đi lấy chồng; đến tháng 9 bố cũng vào Nam làm thuê. Vậy là Phàn Diêu Đức phải gánh mọi việc trong nhà, bởi cả hai bên ông bà nội, ngoại đã qua đời, còn duy nhất cụ nội gần 90 tuổi ở tận trên lưng núi. Đại úy Vũ Văn Năm, Đội trưởng Đội SX&XDCSCT số 2 chia sẻ: Ngày đầu đến nhà anh em Đức, trời rét cắt da, cắt thịt nhưng cả 3 đều phong phanh chiếc áo cúc còn, cúc mất; bàn chân đứa nào cũng tím ngắt. Những ngày gạo hết, chúng tìm đến cái rau quanh nhà, thi thoảng được cụ nội chống gậy dò dẫm cầm xuống cho ít gạo. Sau hơn hai tháng được Đội hỗ trợ mỗi tháng 20kg gạo, dầu ăn, muối, mắm và mua sắm quần áo, chăn màn, sách vở; dọn dẹp lại nhà cửa… từ đó, các cháu không còn cái đói, cái rét, cái nhìn lạ lẫm như trước… Đều đặn hằng ngày, cán bộ, nhân viên trong Đội thay nhau đưa 3 anh em Đức đến trường, buổi trưa đón về Đội ăn cơm cùng các chú. Riêng Đức đã được Đội cam kết với địa phương đỡ đầu đến khi học hết trung học cơ sở.

Trong ánh mắt ngây thơ hồn nhiên toát lên khát vọng, Đức cho biết: Từ khi anh em cháu được các chú nhận làm con thì được ăn ngon, bữa nào cũng có thịt, có đậu, có cá. Buổi chiều về nhà cháu tự nấu cho 3 anh em, chúng cháu đã có nhiều “cha” là chú Năm, chú Tâm, chú Hiếu… Mới chục tuổi đầu mà Đức đã biết làm thành thạo mọi việc như người lớn, từ nhóm lửa, rửa bát, quét nhà, tới việc giặt quần áo, vệ sinh tắm rửa cho các em.

Trường hợp của cháu Lý Thị Vân, sinh năm 2014 ở bản Nhóm 3, xã Vàng Ma Chải cũng rất khó khăn, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng giờ có thêm 1 em, quanh năm cái đói đeo bám. Đến tháng 9 vừa qua, Đội SX&XDCSCT số 1 nhận Vân làm con đỡ đầu, cuộc sống của Vân như sang trang mới. Hay trường hợp của cháu Phùng Thị Mai, học sinh lớp 4 ở xã Mù Sang cũng vậy, mẹ mất hơn 2 năm nay, bố đi làm xa biền biệt để 2 chị em ở với ông nội già yếu. Đội SX&XDCSCT số 3 đã nhanh chóng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, với quan điểm giúp đỡ cháu sớm ngày nào hay ngày đó, để cháu được ăn no, mặc ấm và tiếp tục đến trường.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, địa phương quy định mỗi đơn vị chỉ được nhận 1 cháu đỡ đầu, vì hiện nay còn nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần sự giúp đỡ. Thầy Nguyễn Văn Khanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A2, Trường Tiểu học & Trung học cơ sở xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ khẳng định: Tất cả các cháu được các Đội nhận làm con đỡ đầu thì đi học đều hơn; chấp hành nội quy của trường tốt hơn, đặc biệt là vệ sinh thân thể sạch sẽ hơn. Chúng tôi mong muốn mô hình này sẽ được lan tỏa để có nhiều cháu hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ.

Đại tá Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 356 phấn khởi vì bước đầu đã lãnh đạo thành công mô hình nhận con đỡ đầu của các đội chia sẻ: Khác với mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, chúng tôi nghiên cứu nhận con đỡ đầu và giúp đỡ các cháu tại nhà và hỗ trợ các mặt hàng nhu yếu phẩm bảo đảm để các cháu có đủ 3 bữa ăn trong ngày. Mô hình này có lợi thế là các cháu không tách khỏi gia đình và có điều kiện để học cách tự lập. Mặt khác sẽ thuận lợi khi các tổ chức, cá nhân ở xa muốn giúp có thể đăng ký, cam kết với địa phương là thực hiện được. Đặc biệt, thời gian cán bộ các đội xuống để giúp các cháu học tập, dạy cách ăn ở vệ sinh cũng là thời điểm để nắm tình hình cơ sở. Hằng tuần vào thứ bảy và chủ nhật các đội tổ chức đón các cháu cùng với bạn bè trong lớp về đội tham quan nơi ăn, ở, làm việc; cách tăng gia, chăn nuôi của các chú.

Xuân đã về, Tết cổ truyền đang cận kề, những đứa trẻ không may mắn mất cha, Tết này đã có nhiều “cha” và sẽ vui hơn khi không còn phải đói, phải rét, sẽ có bánh chưng, có quần áo ấm và những niềm vui mới; vùng biên Phong Thổ sẽ có một mùa xuân an yên và đầy nghĩa tình quân dân.

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.