Thứ năm Ngày 09 Tháng 05 Năm 2024, 05:12:45

Nhịp cầu nối những bờ vui

Ngày đăng: 05/09/2023

QK2 – Cầu Vĩnh Phú hoàn thành đưa vào hoạt động không chỉ tạo thuận tiện trong việc kết nối giao thông, thúc đẩy giao thương, đáp ứng nhu cầu đi lại, rút ngắn thời gian, khoảng cách lưu thông, bảo đảm an toàn cho nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, tạo động lực đánh thức những tiềm năng lợi thế của nhân dân hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc trong thời gian tới.

Bài 2: Phát huy lợi thế, đánh thức tiềm năng

Ngay sau lễ cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Phú, hàng nghìn người dân Phú Thọ và Vĩnh Phúc đã có mặt tại cây cầu để cùng chia sẻ niềm vui chung, với họ đây là một ngày thật đặc biệt. Chứng kiến thời khắc quan trọng này, chúng tôi nhận thấy, khác hẳn với nhịp sống tĩnh lặng thường ngày trước đây, từ khi cây cầu Vĩnh Phú chính thức khánh thành đưa vào sử dụng, trên khắp các ngả đường hướng lên cây cầu thuộc hai bên địa bàn thành phố Việt Trì và huyện Sông Lô đã luôn tấp nập người, phương tiện qua lại suốt ngày đêm. Ông Lê Khắc Chí, thôn Nam Giáp, xã Đức Bác (huyện Sông Lô), phấn khởi chia sẻ: Cây cầu bắc qua sông Lô được khánh thành vào đúng dịp những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 nên đã có rất đông người dân quanh vùng đổ về cây cầu để tận hưởng niềm vui xen lẫn cảm xúc đặc biệt sau bao mong ước có được cây cầu bắc qua sông đã thành hiện thực. Cùng với đó, hàng nghìn người con thuộc các xã trong huyện đi làm ăn xa, học hành, công tác ở mọi nơi cũng nô nức trở về sum họp, thăm lại quê hương khiến cho lượng người qua lại trên cây cầu này luôn đông đúc và không khí tĩnh lặng ở các thôn làng bỗng trở nên sôi động, rộn ràng. Kể từ đây, những dự định quy hoạch, phát triển lớn của địa phương đã được định hướng đề cập; những ý tưởng phát triển sản xuất, kinh doanh của từng hộ dân cũng được bàn tính, tạo sự thúc đẩy những tiềm năng lợi thế của nhân dân đôi bờ sông Lô. Đặc biệt là những gia đình có trẻ em và người già càng thêm phấn khởi vf yên tâm với mong muốn được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh… tại các trung tâm đào tạo và cơ sở y tế chất lượng cao ở thành phố Việt Trì.

Hàng nghìn người dân và phương tiện bên huyện Sông Lô tấp nập đi qua cây cầu sang thăm thành phố Việt Trì với niềm vui vỡ oà trong buổi lễ thông xe.

Theo đánh giá của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân hai bên bờ sông Lô, việc cây cầu được xây dựng và đưa vào sử dụng không những giải quyết được nhu cầu đi lại của hàng chục vạn hộ dân hai bên bờ sông mà còn có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trong khu vực. Ông Nguyễn Thành Chung, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Lô cho biết, cây cầu đi vào hoạt động không chỉ góp phần củng cố, bảo đảm vững chắc thế trận quốc phòng – an ninh trong khu vực phòng thủ mà còn tạo ra nhiều lợi thế phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là những xã ven sông sẽ có cơ hội mở rộng giao lưu, giao thương với thành phố (TP) Việt Trì và các địa phương trong vùng. Trong đó, thành phố Việt Trì và các vùng lân cận có nhu cầu tiêu dùng nhiều sản phẩm nông sản, làng nghề mà huyện Sông Lô là nơi cung cấp hàng hóa cho thị trường. Các sản phẩm của huyện Sông Lô khi qua cầu Vĩnh Phú có thể đưa đi tiêu thụ ở khắp mọi nơi thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt từ Việt Trì đi các tỉnh. Ông Nguyễn Thành Chung khẳng định: Trong tương lai gần, huyện Sông Lô sẽ triển khai mở rộng các dự án quy hoạch, phát triển khu dân cư; mời gọi các doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ và nhân dân trong huyện đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ… để tạo công ăn việc làm, nâng cao dân trí cho nhân dân trong huyện. Với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, hấp dẫn như: Tháp Bình Sơn (xã Tam Sơn); Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức, Núi Sáng, Wonderland Vĩnh Phúc và Hồ Bò Lạc (xã Đồng Quế)… sẽ là tiềm năng to lớn để Sông Lô phát triển kinh tế du lịch.

Chị Nguyễn Thị Liên ở xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) bày tỏ: Từ nay, có cầu lưu thông, chúng tôi có thể sang Việt Trì mua – bán hàng hoá rất thuận tiện. Chỉ cần hơn chục phút xe chạy là hàng tạ hàng hóa nông sản của chúng tôi sẽ được bày bán tại các chợ bên Việt Trì. Giờ thì hàng hóa của người dân chúng tôi sản xuất ra đã có thị trường tiêu thụ, không còn phải lo tìm đầu ra như trước nữa.

Tuy nhiên, để phát huy tốt tiềm năng vốn có thì huyện Sông Lô cần phải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá. Chú trọng phát triển đồng bộ các ngành, nghề có thế mạnh. Làm tốt công tác quản lý, hướng dẫn người dân cam kết tham gia các mô hình sản xuất nông sản sạch, an toàn, bền vững. Có như vậy, mới tạo dựng được uy tín, thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, xây dựng niềm tin cho khách hàng yên tâm lựa chọn các sản phẩm làng nghề của địa phương.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, cùng có chung những lợi thế từ cây cầu Vĩnh Phú mang lại, Việt Trì được biết đến là thành phố Lễ hội về với cội nguồn; là địa bàn trọng điểm, trung tâm phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Phú Thọ, có quỹ đất phát triển các khu công nghiệp và đô thị dồi dào; có hệ thống y tế, cơ sở giáo dục hiện đại, chất lượng cao; có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp và cơ sở công nghiệp mang tầm cỡ quốc gia với các sản phẩm như: Mì chính, giấy, nhôm kính, phân bón, hóa chất… Đó là những điều kiện để Việt Trì phát triển các tiềm năng vốn có; tạo thuận tiện cho hành trình trở về cội nguộn của đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài tới tham quan, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về…

Được biết, để khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngay trước khi cây cầu Vĩnh Phú được khánh thành, cấp ủy, chính quyền TP Việt Trì (Phú Thọ) và huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) cũng đã và đang triển khai nhiều dự án trùng tu, tôn tạo các khu di tích, các điểm du lịch; quy hoạch mở rộng các khu dân cư; cải tạo, nâng cấp hệ thống các trục đường giao thông kết nối với các tỉnh trong khu vực và huyện, thị trong tỉnh; tổ chức mời gọi các doanh nghiệp, doanh nhân và người dân chung sức đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, siêu thị, khu vui chơi giải trí… được thực hiện rất đồng bộ. Cùng với đó, các doanh nghiệp vận tải hành khách, chuyên chở hàng hóa của thành phố Việt Trì và các huyện Sông Lô, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) cũng rục rịch chuẩn bị mở các tuyến đi qua cầu Vĩnh Phú để rút ngắn khoảng cách lưu thông, giao thương với các tỉnh lân cận trong khu vực. Điều đó đã, đang và sẽ tạo ra những điều kiện tốt nhất cho nhân dân tiếp xúc với những dịch vụ tiện ích và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của nhân dân hai bờ Lô Giang.

Bài, ảnh: VŨ VIẾT DƯƠNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.