Thứ hai Ngày 06 Tháng 05 Năm 2024, 04:50:14

Nhạc sĩ của Chiến thắng Điện Biên

Ngày đăng: 24/04/2024

QK2 – Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận trực tiếp tham gia phục vụ tại chiến trường Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Ông cũng như các nghệ sĩ cùng hành quân chiến đấu, cùng ăn ở, thấu hiểu cuộc sống, chiến đấu của bộ đội, dân công. Có những thời điểm chiến dịch diễn biến ác liệt, trải qua bao gian khó, cận kề hy sinh, các chiến sĩ văn công, trong đó có nhạc sĩ Đỗ Nhuận phải tạm ngưng biểu diễn, trực tiếp tham gia cùng bộ đội và dân công sửa đường đưa pháo vào trận địa. Chính trong những tháng ngày gian nan thử lửa ấy, các ca khúc của Đỗ Nhuận ra đời, đi vào đời sống chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cổ vũ, động viên bộ đội, dân công như một lẽ tự nhiên.

Chân dung nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ảnh: thethaovanhoa.vn

Ca khúc “Hành quân xa” được ra đời trong một lần tác giả hành quân cùng bộ đội từ Thái Nguyên, qua Yên Bái lên Tây Bắc. Tại một chặng nghỉ chân trên đường hành quân, bộ đội bàn luận, phán đoán, thắc mắc không biết có được vinh dự tham gia Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ) hay không!? Một chiến sĩ tháy vậy đã nêu: “Thôi, dẹp thắc mắc nhé! Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi”. Chính câu nói của chiến sĩ đó trở thành cái tứ văn học đầy lý tưởng, tạo cảm hứng nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác ca khúc “Hành quân xa”. Với ca từ, ngôn ngữ tự nhiên, giản dị, ngắn gọn, dễ thuộc nhưng vô cùng sâu sắc “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng, chí căm thù, bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi…”. “Hành quân xa” xứng đáng là một trong những hành khúc tiêu biểu của bộ đội, gần gũi với các chiến sĩ xuất thân từ ruộng đồng, những nông dân mặc áo lính, những chiến sĩ “áo vải chân không, đi lùng giặc đánh”…

Him Lam là trận đánh mở màn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong trận đánh đầu tiên ấy, nhạc sĩ Đỗ Nhuận có mặt trong tổ sáng tác của Đoàn văn công. Trên bờ chiến hào, các nghệ sĩ vừa đàn, vừa hát cổ vũ các chiến sĩ hành quân dưới chiến hào. Trong đoàn quân đang hành tiến ấy, có chiến sĩ nói với các nhạc sĩ: “Cố gắng sáng tác nhiều nhé. Khi về, bọn mình sẽ có quà cho văn công”.

Giữa bề bộn chiến trường, ngổn ngang xác xe pháo và mùi khét lẹt của đạn bom, xác giặc nhưng không ngăn được khí thế hừng hực của cán bộ, chiến sĩ những ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài hát “Trên đồi Him Lam” được nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho ra đời ngày trên trận địa. “Hôm qua đánh trận Điện Biên chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào đột phá…”. Lời bài hát có sự tiên đoán, ước mơ của tác giả về ngày chiến thắng. Sau này, nhạc sĩ Đỗ Nhuận mới biết người chiến sĩ hứa có quà cho văn công trên đồi Him Lam ấy không bao giờ trở về nữa, đó chính là Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận Him Lam năm ấy.

Đến ca khúc Chiến thắng Điện Biên, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận tạo nên một bầu không khí ngày hội của chiến thắng khải hoàn trên vùng Tây Bắc của Tổ quốc. “Giải phóng Điện Biên/ Bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui/ Bản mường xưa nương lúa mới trồng/ Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa…”.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng nhớ lại, trong một buổi biểu diễn của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng căn dặn “sáng tác dần bài hát về giải phóng Điện Biên đi là vừa”. Nhận nhiệm vụ đặc biệt ấy, dù làm gì, nhạc sĩ Đỗ Nhuận luôn suy nghĩ đến những giai điệu rộn ràng, chờ mong đón mừng thắng lợi.

Buổi chiều ngày chiến thắng 7/5/1954, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đang cùng đồng đội cuốc đất, san sửa đường thì một chiến sĩ liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo vui: “Hồng Cúm hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”.

Trong niềm vui vỡ òa, mọi người cầm tay nhau nhảy tưng bừng, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận hạ quyết tâm đêm ấy phải hoàn thành bài hát mừng chiến thắng mà ông từng nung nấu từ lâu. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã thức trắng đêm lịch sử, bên bếp lửa nhà sàn, tay búng đàn viôlông, miệng hát nhỏ nhẹ để giảm tiếng ồn cho đồng đội yên giấc ngủ. Đồng hành với ông có sắn lùi bếp than để bồi dưỡng thức đêm sáng tác. Sáng hôm sau, cả hai lời của ca khúc hoàn thành. Bản chép tay đầu tiên được Đoàn văn công TCCT hát tại chỗ, còn tác giả cũng tự hát cho bộ đội nghe và truyền lời cho các chiến sĩ. Mấy chục năm qua đi, “Chiến thắng Điên Biên” luôn vang lên cùng niềm vui chiến thắng, trở thành một trong những bài hát tập thể truyền thống, được quy định phổ biến và hát trong các hoạt động văn hóa văn nghệ của Quân đội. Bất kể cán bộ, chiến sĩ thế hệ nào và nhiều thế hệ người Việt Nam cũng thuộc nằm lòng “Chiến thắng Điện Biên” với niềm tự hào, vinh dự được tiếp nối thế hệ cha ông, truyền thống Điện Biên anh hùng. Bản nhạc “Chiến thắng Điện Biên” trở thành nhạc hiệu mở đầu chương trình Đài Tiếng Nói Việt Nam hằng ngày đầy hào sảng.

 Các ca khúc “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam” và “Chiến thắng Điện Biên” của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận được ra đời trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước đều trở thành những ca khúc bất hủ, đi cùng với sự kiện lịch sử và trở thành những tác phẩm có giá trị lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc ấy sống mãi cùng Chiến thắng Điện Biên Phủ, cùng niềm vinh dự tự hào của con người việt Nam hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.