Thứ bảy Ngày 18 Tháng 05 Năm 2024, 11:40:38

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 5-5-1954, các đại đoàn nhận nhiệm vụ tổng công kích

Ngày đăng: 05/05/2024

Ngày 5-5-1954, từ Sở Chỉ huy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên tiếp nhận được báo cáo chiến thắng. Bộ Chỉ huy quyết định đẩy nhanh tốc độ tiến công, hoàn thành gấp rút đợt 3 để sớm chuyển sang tổng công kích vào tối ngày 7-5.

Trên các mặt trận, quân ta đang thắng như chẻ tre

Ngày 5-5, ta đẩy mạnh nhịp độ tấn công làm cho địch càng thêm bối rối. Đại đoàn 316 đánh mạnh cứ điểm C2. Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm 506, 507, quét sạch địch ở tả ngạn sông Nậm Rốm. Đại đoàn 308 đánh vị trí Nà Nọong (cứ điểm 310) chỉ cách Sở chỉ huy của De Castries 200m. Đại đoàn 304 biệt phái một tiểu đoàn chốt chặn ở Nà Tu, bịt đường sang Lào, đề phòng địch rút chạy. Đúng là ngay từ lúc này dù De Castries có "di tản" cũng khó thoát.

Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào sào huyệt cuối cùng của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu: TTXVN

Từ Sở Chỉ huy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên tiếp nhận được báo cáo chiến thắng. Bộ Chỉ huy quyết định đẩy nhanh tốc độ tiến công, hoàn thành gấp rút đợt 3 để sớm chuyển sang tổng công kích vào tối ngày 7-5.

Nhiệm vụ cụ thể của các đại đoàn bước vào tổng công kích được quy định cụ thể như sau: Đại đoàn 316 được tăng cường Trung đoàn 9 thuộc Đại đoàn 304, có nhiệm vụ tiêu diệt nốt các cứ điểm C2 và A1 là điểm cao cuối cùng ở khu Đông; Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm ở chân đồi phía Đông tiến sát đến bờ sông Nậm Rốm; Đại đoàn 308 tiêu diệt Nà Nọong ở phía Tây; Đại đoàn 351 bắn pháo yểm trợ cho các đại đoàn tiêu diệt địch, bắn máy bay kiểm soát chặt chẽ vùng trời Điện Biên Phủ.

Địch bị dồn vào chân tường, tìm đường tháo chạy

Ngày 5-5, cả Langlais và Bigeard đều kéo tới Eliane. Họ đã biết rõ số phận của phân khu Trung tâm sẽ được kết thúc trên hai cao điểm còn lại ở phía Đông. Tại A1, Tiểu đoàn 1, Bán lữ đoàn lê dương 13 đã bị tổn thất nặng sau một thời gian dài phòng ngự. Langlais quyết định chuyển những lính lê dương xuống Eliane 3 dưới chân đồi làm lực lượng dự bị và điều Tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 vừa được tăng viện lên thay thế.

Tướng De Castries, tổng chỉ huy của quân Pháp ở Điện Biên Phủ trong boongke của mình, tháng 3-1954. Ảnh: Getty Images.

Tiểu đoàn dù 1 do Đại úy Bazin chỉ huy, nhận lệnh khẩn trương nhảy xuống Mường Thanh, nhưng sau 3 đêm chỉ mới tới được hơn hai đại đội và bộ phận chỉ huy tiểu đoàn. Bazin chưa kịp làm gì thì đã trúng một mảnh đạn pháo bị thương. Đại úy Jean Ponget, Đại đội trưởng Đại đội 3, được chỉ định nắm quyền chỉ huy tiểu đoàn. Cách đây không lâu, Jean Ponget còn là sĩ quan tùy tùng của Navarre, thường xuất hiện phía sau tổng chỉ huy trong những bức ảnh. Jean Ponget đã mất gần 6 giờ đưa đơn vị vượt qua quãng đường 1.500m từ Epervier tới Eliane trong những chiến hào ngập bùn, luôn luôn bị đại bác ta bắn chặn. Sau khi nhận bàn giao từ Coutant chỉ huy Tiểu đoàn lê dương 1, Jean Ponget đi quan sát vị trí rồi quyết định chia lực lượng bố trí thành ba nơi tại Eliane 2. Đại úy Edme, chỉ huy Đại đội 2 phụ trách tuyến lô cốt và chiến hào phía Đông và phía Nam cứ điểm đối diện với lực lượng ta. Jean Ponget cùng với Đại đội 3 giữ đỉnh đồi có hầm ngầm và mặt Tây Nam tiếp giáp với A3, nơi có một mũi chiến hào của ta chạy men theo đường 41, đang trực tiếp đe dọa con đường nối A1 với Mường Thanh. Chỉ một ngày sau, Jean Ponget mới biết sự phân công này mang tính định mệnh.

Binh sĩ Pháp bị thương được di chuyển về tuyến sau bằng trực thăng. Ảnh: Getty Images.

Cogny dự định ném xuống Điện Biên Phủ một tiểu đoàn để tiếp sức cho toán quân còn lại của De Castries phá vây chạy sang Thượng Lào. Hai tiểu đoàn dự bị còn lại cũng sẽ ném nốt xuống để tạo thành một hành lang từ Lào đến giáp Điện Biên đón toán quân rút chạy. Do chiến sự đang diễn ra ác liệt, các cụm cứ điểm đều bị Việt Minh chia cắt, khó tập hợp quân, De Castries đề nghị đến 20 giờ ngày 7-5 sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch di tản. De Castries tình nguyện ở lại với số thương binh, vì nếu đưa cả hàng ngàn thương binh đi thì sẽ khó rút chạy. Cogny hoàn toàn đồng ý.

(Theo QĐND)

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.

2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

3. Chiến dịch Điện Biên Phủ – Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.

4. Điện Biên Phủ – Nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.

5. Điện Biên Phủ – Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.