Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 07:00:08

Người Mông ở Trung Minh làm theo Bác Hồ

Ngày đăng: 24/12/2020

“Bản em lưng chừng núi, lưng chừng đèo” là nơi người Mông ở xã Trung Minh (Yên Sơn) an cư, lập nghiệp gây dựng cuộc sống ngày một ấm no từ trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc. Sự thay đổi này là sự góp công, đi trước mở đường của những cán bộ người Mông nơi đây.

“Làm cán bộ thôn phải hết mình”

Vượt qua hơn 4 km đường đèo dốc lởm chởm đá, bản Vàng On hiện ra như bức tranh sơn thủy hữu tình với những nếp nhà dưới tán rừng, bao quanh là dòng Phó Đáy. Trưởng thôn Giàng Seo Sình, mới ngoài 20 tuổi khoe, mấy năm nay thôn được Nhà nước đầu tư cầu treo qua sông nên các vùng trong thôn là Trà Lỳ, Vàng Phung, Đèo Ải, Vàng On không bị chia cắt thành mấy nơi như trước. Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng, lớp học mầm non cũng đã được đầu tư xây dựng khang trang làm chỗ cho bà con sinh hoạt và học hành của con trẻ.


Ông Lý Văn Dùng, dân tộc Mông, thôn Bản Khẻ chăm sóc rừng keo của gia đình.

“Đường vào thôn còn khó nhưng ô tô tải đã vào được để vận chuyển nông sản. Người Mông ơn Đảng, Nhà nước lắm! Người Mông Vàng On chỉ mong có điện nữa là cuộc sống sẽ khấm khá!” – Trưởng thôn Giàng Seo Sình nói.

Chỉ tay về phía những đồi keo xanh ngắt, anh Sình bảo người Mông Vàng On đã trồng trên 200 ha rừng làm kinh tế chứ không còn chuyện phá rừng, đốt nương làm rẫy nữa. Đó là nhờ cán bộ huyện, xã Trung Minh và đặc biệt là công sức vận động của Bí thư Chi bộ Giàng Seo Mua vất vả suốt hơn 10 năm qua đấy.
Bí thư Chi bộ Giàng Seo Mua mới 30 tuổi đã được người Mông ở Vàng On suy tôn là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của thôn. Để có niềm tin, nể phục của người dân, từ khi là thủ lĩnh Chi đoàn Thanh niên của thôn, anh Mua đã luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công việc cũng như sinh hoạt đời sống thường ngày. Năm 2009, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, được đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Vàng On, thôn đặc biệt khó khăn của xã Trung Minh.

Anh Mua đã phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên kết hợp với năng động, nhanh nhạy của tuổi trẻ trong tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng lúa, trồng rừng, chăn nuôi gia súc. Nhờ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Anh tư vấn, phổ biến rộng rãi cho người dân trong thôn học và làm theo. Anh Mua bảo: “Mình học theo lời dạy của Bác Hồ “Trăm nghìn lời nói không bằng một việc làm thiết thực” việc gì muốn người Mông, người Dao làm theo, mình cứ làm trước. Khi làm rồi vận động người dân mới nghe. Như việc bỏ sắn trồng rừng hay trồng lúa nước,  không vi phạm pháp luật, không nghe theo kẻ xấu… mình và gia đình đều thực hiện trước, từ đó người dân đã làm theo”.

Khéo léo giao tiếp ứng xử, các phong trào, hoạt động do anh Mua phát động như làm đường bê tông nội đồng, lắp đặt cấu kiện kênh mương đúc sẵn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… đều được bà con đồng thuận, tích cực hưởng ứng. Tuổi chưa cao nhưng mọi lời nói, ý kiến của anh khi tham gia hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong thôn đều được mọi người tôn trọng, nghe theo.  

Bản Khẻ là tên mới ghép từ thôn Nà Khẻ và Bản Ruộng theo chủ trương sáp nhập thôn của Chính phủ. 100% người dân của thôn là người dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Mông chiếm 50%. Chúng tôi gặp anh Lù Seo Phú, Trưởng thôn Bản Khẻ trong lúc anh cùng với người Mông, người Dao của thôn khiêng các tấm bê tông kênh mương đúc sẵn để lắp đặt 700 m mương dẫn nước vào ruộng. Nghỉ tay, anh Phú bảo: “Học theo lời Bác “nói đi đôi với làm” mình không tham gia làm thì nói không ai nghe cả”. Với quan điểm đó, việc gì của Bản Khẻ, anh Phú đều làm trước, làm hết mình.

Nhiệt tình với việc chung, dân vận tốt, anh Phú đã vận động người dân không nghe kẻ xấu xúi dục, không vi phạm pháp luật, chăm chỉ làm ăn và góp sức xây dựng thôn ngày càng khang trang. Mới làm Trưởng thôn 2 năm, anh Phú đã cùng với cấp ủy, đảng viên trong thôn vận động người dân làm gần 800 m đường bê tông vào vùng sản xuất hàng hóa theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” với mức đóng góp 2 triệu đồng/hộ. Cùng với đầu tư của Nhà nước từ Chương trình 135, đến nay thôn có trên 1,4 km đường bê tông. Những đoạn dốc, khó đi đã được khắc phục; nhà văn hóa thôn đang được xây dựng; gần 1km kênh mương đang được lắp đặt sẽ mở ra hướng sản xuất 2 vụ lúa trên nhiều diện tích chỉ canh tác được một vụ trước đây.

Chủ động giảm nghèo

Chuyện người Mông có của ăn của để ở Trung Minh đã không còn hiếm nữa. Người Mông không còn trông ngóng sự hỗ trợ của Nhà nước. Họ đã chủ động làm kinh tế để giảm nghèo.


Anh Giàng Seo Mua, (thứ 2 từ trái qua), Bí thư Chi bộ thôn Vàng On tuyên truyền chính sách mới của đồng bào dân tộc thiểu số cho người dân trong thôn.

Ông Lý Văn Dùng được xem là người Mông làm kinh tế giỏi nhất ở Bản Khẻ, có đàn trâu lên đến 70 con và hàng chục héc ta rừng. Ông Dùng kể, năm 1995, gia đình ông từ Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng về đất này dựng nhà ở. Trong tay chẳng có gì ngoài mấy con dao làm nương rẫy. Lúc ấy nhiều người Mông di cư vào miền Nam làm ăn nhưng anh em gia đình ông đã quyết định an cư để làm kinh tế. Ban đầu gia đình ông chỉ nuôi cặp trâu sinh sản, rồi cứ nhân rộng ra cho tới khi đàn trâu lên đến cả trăm con thì bán cho con. Có tiền từ nuôi trâu, ông đầu tư xây nhà cửa khang trang. Cách đây hơn chục năm, tỉnh quy hoạch rừng sản xuất ông đã vận động gia đình phát triển kinh tế rừng. Đến nay gia đình ông có gần chục ha keo. Ông bảo: “Trâu thì bán cả rồi, chỉ để lại có 2 con làm ruộng thôi chứ giờ trồng rừng không thả trâu được nữa. Số tiền từ chăn nuôi trâu của gia đình ông giờ có 1,4 tỷ đồng, ông mang gửi ngân hàng. Diện tích rừng keo 3 ha mới khai thác thu được 240 triệu đồng. Vốn ham con chữ nên ông luôn tạo mọi điều kiện để các con ông ăn học. Cậu con trai út của ông là Lý Văn Hồng đang làm cán bộ không chuyên trách xã Trung Minh. Ông Dũng cho rằng: “Phải có học thì mới hiểu và làm kinh tế tốt chứ không có con chữ thì làm gì cũng khó. Nghe theo lời Bác dạy, tôi luôn vận động các con khắc phục mọi khó khăn để đi học”.

Học theo ông Dùng, anh em, con cháu người Mông ở Bản Khẻ đều trồng rừng, nuôi trâu. Nhà nhiều có từ 5 – 7 ha rừng, nhà ít cũng có 2 ha rừng. Kinh tế của người Mông ở Bản Khẻ chỉ vài năm nữa, khi rừng được khai thác đại trà thì không còn nghèo nữa mà thay vào đó là cuộc sống đủ đầy.

Người Mông ở Vàng On cũng đang nỗ lực thoát nghèo với tinh thần chủ động, tích cực lao động sản xuất. Anh Giàng Seo Chịnh có 6 ha rừng trồng keo đã được 3 – 4 năm tuổi. Ngoài làm nông nghiệp theo thời vụ, anh còn đi làm thêm việc ở bên ngoài, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Anh Chịnh bảo: “Bây giờ không làm kinh tế để thoát nghèo là lạc hậu”. Chính vì thế, những thanh niên ở độ tuổi 30 như anh Chịnh ở Vàng On không có ai ở nhà uống rượu như trước mà đều lo làm ăn kinh tế. Thôn Vàng On hiện nay có 200 ha rừng, 120 con trâu, bò.

Một trong những con đường giảm nghèo bền vững mà người Mông ở Vàng on xác định là cho con em mình học cái chữ. Chính vì thế mà việc học ngày càng được chăm lo. Cô giáo Đỗ Hồng Thắm, giáo viên dạy ở điểm trường mầm non Vàng On đã 3 năm nay chia sẻ, mặc dù có em nhà ở cuối bản cách đây 5 km đèo dốc nhưng bố mẹ vẫn đưa các em đến lớp đều. Nhận thức của người Mông về sự học đã được nâng lên rất nhiều. Đời sống của người Mông dù vẫn còn khó khăn nhưng những năm qua để theo đuổi cái chữ, người Mông đóng góp công sức cùng Nhà nước xây dựng trường, lớp học ngày càng khang trang hơn.

Mỗi người Mông ở Trung Minh học Bác theo cách riêng của mình nhưng tựu chung lại ở họ là sự nỗ lực vươn lên để người Mông có cuộc sống tốt hơn.

(Theo Báo Tuyên Quang)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.