Thứ hai Ngày 29 Tháng 04 Năm 2024, 02:27:56

Người Dao Quý Quân giữ gìn bản sắc văn hóa

Ngày đăng: 16/12/2020

“La, son, si, mì, son, lá, đồ, pha, mi, rê, mí lá…”
Phỏng theo làn điệu nhạc cổ Dao Tiền, thành viên Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Tiền thôn 7, xã Quý Quân (Yên Sơn) viết thành giai điệu dựa trên 7 nốt nhạc cơ bản trong âm nhạc. Sau đó, được ghi âm lại trên điện thoại. Bài hát sẽ được làm nhạc nền cho các điệu múa chuông, múa nón… của chị em trong CLB. Bấy lâu nay, những người phụ nữ người Dao Tiền nơi đây vẫn nỗ lực, sáng tạo để gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như thế.

Hướng về nguồn cội

Sau khi chào đón chúng tôi bằng điệu múa chuông, múa nón bản sắc, nhuần nhuyễn, các chị, các em của CLB bày tỏ, ngày mới thành lập, ai nấy bước lên sân khấu còn ngại ngần lắm. Giờ được đi biểu diễn nhiều nơi, tham gia nhiều hội thi nên cứ lên sân khấu là cười thật tươi, mọi người đều tự hào vì mình là người Dao Tiền.

Chị Bàn Thị Lương, Chủ nhiệm CLB cho biết, xã có 90 hộ, 410 nhân khẩu người Dao Tiền sinh sống, tập trung chủ yếu tại thôn 5 và thôn 7. Cuộc sống của đồng bào Dao bấy lâu nay muôn vàn khó khăn. Lam lũ, vất vả quanh năm song đồng bào vẫn có ý thức gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mình. Từ nhà ở, trang phục cho đến thờ cúng, nghi lễ.


Một buổi luyện tập của thành viên CLB Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Tiền.

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vậy nuôi, từ 5 năm trở lại đây đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào khấm khá hơn. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đã có những bản sắc dân tộc bị mai một. “Chúng tôi vẫn răn dạy tụi trẻ, dù đi đâu, làm gì không bao giờ được quên gốc gác mình là người Dao Tiền. Trong khi đó, tiếng nói, những làn điệu múa, hát, trang phục dần bị mai một; người cao niên trong làng dần dần về với tiên tổ. Bởi lẽ đó, việc thành lập CLB gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là cấp thiết” – Đồng chí Đặng Văn Đức, Bí thư Chi bộ nhấn mạnh.

Trong 2 thôn người Dao, chỉ còn bà Bàn Thị Thu – mẹ đẻ của đồng chí Bí thư Chi bộ, 66 tuổi là người am hiểu nhất về bản sắc dân tộc Dao Tiền. Bà được thôn giao trọng trách cố vấn, truyền dẫn lại văn hóa, bản sắc dân tộc. Chi hội Phụ nữ làm nòng cốt tập hợp hội viên tham gia CLB. “Những ngày đầu, đa phần chị em hội viên ái ngại khi tham gia CLB bởi ngay đến bộ trang phục truyền thống cũng không đủ “món”. Người có áo dài, áo yếm lại không có váy hay thiếu xà cạp bó ống chân, xà tích đeo vòng quanh eo hay thiếu khăn đội đầu, thiếu hoa tai, thiếu vòng tay, vòng bạc đeo cổ…. Mỗi bộ trang phục truyền thống phải đầy đủ khoảng 12 “món”, giờ nếu mua đủ bộ phải mất gần 10 triệu đồng. Trước mắt, mỗi chị em cố gắng sắm cho đủ áo dài, áo yếm, váy, khăn đội đã… còn những “món” khác ta sắm dần thôi” – chị Lương vận động hội viên.

CLB Bảo tồn văn hóa Dao Tiền được thành lập từ tháng 9-2018 với 11 hội viên, trẻ nhất 28 tuổi, cao nhất 66 tuổi. Hoạt động đầu tiên của các thành viên được bà Thu hướng dẫn cách mặc trang phục dân tộc, nhất là cách đội khăn. Bà Thu còn tự tay làm các đôi hoa tai bằng len cho thành viên.

Gìn giữ bản sắc

“Núi rừng ơi! Vui mừng vì thóc lúa đầy bồ, ruộng thâm canh, súng chắc tay, toàn dân ta xóa đói giảm nghèo, giữ bản làng, giữ cả biển Đông”. Các chị em trong CLB vang lên điệu Páo dung ngân nga, da diết với tình yêu quê hương son sắt, niềm vui cuộc sống đổi thay, no ấm… Đây là lời mới do bà Bàn Thị Thu đặt lại từ giai điệu Páo dung “Mừng ngày đại thắng” đã có 45 năm nay.

Miệng tóm tém miếng trầu, bà Thu chậm rãi kể, bà vốn là người Dao Tiền ở xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa). Thời thanh thiếu niên bà đã tham gia đội văn nghệ thôn, học được rất nhiều giai điệu Páo dung. Páo dung giao duyên, hát răn dạy, hát uống rượu, hát tiễn đưa. Páo dung giao duyên vẫn là đặc sắc nhất. Trước đây ai mà không biết hát Páo dung thì xấu hổ với bạn bè lắm. Con gái con trai muốn tìm hiểu nhau cũng phải thông qua những bài hát Páo dung. Người ta hát với nhau mọi lúc mọi nơi, khi lên nương lúc xuống chợ. Những lúc đó ai học được câu hát nào hay thì đều ghi nhớ đến khi nam nữ tụ tập hát giao duyên, lời ca đó được cất lên. Vợ chồng bà nên duyên cũng từ những lần hát Páo dung giao duyên ấy.

Đam mê với Páo dung, đến nay bà đã đặt nhiều lời mới ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ. Gần đây nhất, bà đặt lời cho điệu Páo dung về phòng, chống dịch Covid-19. Điệu múa chuông, múa nón, múa cầu mùa được bà phục dựng lại từ trí nhớ về 1 thời “vàng son” của bản sắc dân tộc mình.

Khoác trên người bộ trang phục dân tộc gần như nguyên bản, bà Thu bộc bạch: “Từ năm 16-20 tuổi, tôi tự tay làm 5 bộ váy áo. Khi đi lấy chồng, mẹ tôi đưa tôi 3 bộ, giữ lại 2 bộ. Người Dao Tiền luôn coi bộ trang phục dân tộc như báu vật nên cất giữ rất cẩn thận. Mỗi 1 gia đình, phải có ít nhất 1 bộ quần áo. Nhà nào có bao nhiêu con trai là phải sắm mỗi con trai 1 cái áo cấp sắc, 1 bộ cho con dâu. Trang phục được sử dụng vào những dịp đặc biệt quan trọng: lễ cưới hỏi, lễ Cấp sắc, lễ cầu mùa, lễ báo ma, thoát ma… Sau khi mặc xong, quần áo được phơi phóng cẩn thận rồi gấp gọn cẩn thận cho vào tủ, hòm khóa lại. Mỗi năm vài lượt, tôi mang quần áo ra phơi nắng…”.

Không những biết thêu, bà Thu còn nhớ như in quy trình nhuộm vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong lên trên vải để làm váy, đặt khuôn hoa văn lên tấm vải trắng rồi lấy sáp ong đun chảy vẽ theo khuôn. Khi ấy, sáp ong có màu sữa non. Vải trắng đem nhuộm chàm xong được nhúng vào nước sôi, sáp ong tan chảy sẽ hiện màu trắng nổi bật vải chàm và không bao giờ bị mờ phai.

Hỏi về chuyện cưới hỏi của người Dao Tiền, các thành viên sôi nổi. Bà Thu bảo “Tôi được thách cưới 40 lạng bạc trắng, 4 con lợn cơ đấy!”. Chị Bàn Thị Lương, Bàn Thị Thắng là 2 chị em ruột nhớ lại, mỗi chúng tôi được thách cưới 40 lạng bạc trắng và mấy con lợn. Theo tập tục của người Dao Tiền, người mẹ được thách cưới như nào, sau này con gái lấy chồng được thách cưới giống mẹ. Giờ bỏ tập tục thách cưới rồi, nếu còn giữ nét văn hóa ấy, con gái chúng tôi “ế” mất!

Bỏ thách cưới nhưng người Dao nơi đây vẫn giữ nguyên vẹn tập tục làm lễ báo ma, lễ thoát ma cho người phụ nữ khi đi lấy chồng. Sau khi cưới, lễ báo ma được tổ chức với ý nghĩa báo cáo với tổ tiên, cô gái tuy vẫn thuộc dòng họ song không còn ở nhà mà đã đi tạm trú, tạm vắng tại gia đình chồng. Lễ thoát ma với ý nghĩa cô gái được “cắt khẩu” hoàn toàn về nhà chồng, không còn là người của dòng họ gái. Nếu trong 1 nhà, người mẹ chưa được làm lễ thoát ma, con gái dù đã lấy chồng vẫn chưa được làm lễ thoát ma. Bởi vậy, với những gia đình có điều kiện kinh tế hay có con gái, người phụ nữ làm lễ thoát ma sớm hơn. Nhiều người phụ nữ chỉ có con trai, mấy chục năm sau khi lấy chồng mới làm lễ thoát ma.

Điều đặc biệt của CLB là có nhiều thành viên là người dân tộc khác, như Cao Lan, Nùng, Kinh, Dao Thanh y… Chị Phương, chị Thơm là con dâu của bà Bàn Thị Thu được mặc trên mình bộ trang phục của người Dao Tiền được tặng khi về làm dâu. 2 chị bày tỏ, những văn hóa, bản sắc truyền thống người Dao Tiền qua sự chỉ dạy, bảo ban mẹ chồng chị giống như 1 kho tàng. Các chị sẽ cố gắng tiếp thu, học hỏi, lưu giữ để sau này truyền đạt lại cho con trai, con dâu mình…

Đồng chí Bàn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã bày tỏ, CLB Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Tiền thôn 7 đã khơi dậy bản sắc văn hóa dân tộc Dao Tiền của địa phương. Trong bối cảnh hội nhập, việc gìn giữ, làm tỏa sáng các giá trị văn hóa trong đời sống là việc làm thường xuyên. Đảng ủy, UBND xã tiếp tục tăng cường lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của CLB gắn với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới nhằm thu hút, tập hợp người Dao Tiền tham gia. Bởi lẽ, dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn.

(Theo Báo Tuyên Quang)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.