Thứ tư Ngày 08 Tháng 05 Năm 2024, 03:32:14

Mô hình kinh tế giúp dân thoát nghèo bền vững

Ngày đăng: 27/12/2019

QK2 – Cùng với nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 379, sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân, đến nay gần 40 xã ở bốn huyện Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên và một phần của huyện Mường Tè (Lai Châu) hầu hết đều có mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi. Đó là điểm tựa vững chắc để người dân thoát nghèo bền vững. Như một sự bảo đảm vững chắc cho những chủ trương đúng đắn của Bộ Quốc phòng, Quân Khu 2 và trực tiếp là cống hiến của những người lính Đoàn KT-QP 379 suốt hành trình giúp đồng bào dân tộc miền núi phát triển kinh tế, ổn định đời sống, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Bài 1: Thoát nghèo từ cặp lợn giống

 

Phải hẹn trước một ngày, tranh thủ lúc sáng sớm chúng tôi mới gặp được ông Lò Văn Phó ở bản Nà Hì 2, xã Nà Hì, huyện Nậm Pồ. Vì vào đúng vụ mùa nên ông Phó cũng như hầu hết người dân trong bản đều ra ruộng sớm cấy lúa. Ở tuổi ngoài 70 nhưng lão nông Lò Văn Phó còn rất vâm váp. Chỉ có hai vợ chồng ông nhưng nuôi 6 con bò, gần 100 con ngan, vịt, đàn bồ câu hơn 80 con, ao cá gần 1.000m2 với giàn mướp, bí sai trĩu trịt và cả vườn rau xanh. Thấy chúng tôi đến, quần vẫn xắn đến tận bẹn ông Phó cởi mở: “Lão vừa cho đàn vịt ăn. Cắt cỏ cho cá. Hẹn các chú đến nên cho ăn muộn rồi ra làm ruộng cấy lúa luôn”. Cách nhà gần 2km, ông Phó có dựng một lán trại vừa để chăn thả bò, đồng thời tiện chăm sóc mấy sào ruộng. Ông Phó bảo, với các loại vật nuôi, cây trồng hiện nay của gia đình, trừ chi phí mỗi năm ông bà để ra được 70-80 triệu đồng. Ông Phó tâm đắc: “Cuộc sống dân bản khấm khá như ngày hôm nay, trước tiên nhờ ơn Đảng, Quân đội đã quan tâm mở mang con đường liên thông với xã, huyện, ra thành phố. Đặc biệt là các chú bộ đội, không ngại khó, ngại khổ lặn lội từ dưới xuôi lên, dạy dân cách làm ăn, ở vệ sinh, mở mang văn hóa”.

Vườn rau xanh tốt của gia đình ông Lò Văn Phó, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ khi áp dụng kỹ thuật, giống mới do cán bộ Đoàn KT-QP 379 giúp đỡ.

Sau một hồi sôi nổi, ông Phó bùi ngùi nhớ lại chuyện cách đây hơn chục năm. Ông bà sinh được năm người con, đất khai hoang thì rộng nhưng chỉ biết đốt rừng trồng lúa nương. Chủ yếu bằng phương pháp chọc lỗ tra hạt, năng suất thấp một năm đói giáp hạt đến 5 tháng. Từ tháng 6 đến tháng 10. Ngoài trồng lúa nương, ông bà Phó cũng như người dân ở đây không biết làm gì thêm. Rảnh rỗi thì vào rừng hái rau, đào củ mài về ăn qua ngày.

Khi Đoàn KT-QP 379 thành lập Nông trường 1 (nay là Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 8) tại xã Nà Hì cuộc sống của người dân dần thay đổi. Cũng chính trên mảnh đất nghèo khó này, bộ đội đào ao thả cá, nuôi trâu, bò, gà, lợn, trồng rau xanh tốt, mùa nào rau củ đấy, chẳng khi nào đất nghỉ. Ban đầu người dân băn khoăn không biết bộ đội có “phép lạ” gì mà rau quả quanh năm tươi tốt, vật nuôi lớn nhanh như thổi. Người dân lên đơn vị xin rau, bộ đội hướng dẫn cách cải tạo đất, cách bón phân. Rồi chính bộ đội của Nông trường 1 tỏa về các bản hướng dẫn bà con làm phân xanh, lấy trấu (vỏ thóc) chăm bón cho đất trồng rau. Bộ đội cầm tay chỉ việc cho dân, dân tin làm theo.

Kể về mô hình kinh tế nhà mình ông Phó thật thà: “Mô hình chăn nuôi nhà tôi cũng được khởi đầu từ đôi lợn nái của Nông trường 1 cấp. Thấm thoát đã hơn chục năm, đôi lợn cho biết bao con giống. Kinh tế gia đình tôi cũng khấm khá lên từ đó. Đến nay, đôi lợn Nông trường cấp gia đình tôi vẫn nuôi như một kỷ niệm tri ân khi nghèo khó”. Nhận được sự giúp đỡ, vươn lên thoát nghèo, ông Phó cũng chia sẻ bát ăn, bát để với người dân trong bản. Hiện nay, ông đang cho hộ gia đình ông Thùng Văn Say nuôi rẽ một con bò. Bò mẹ do gia đình ông Phó cấp, hộ ông Say chăn thả. Khi bò mẹ đẻ, con bê nuôi trưởng thành hai hộ chia đôi.

Theo ông Thùng Văn Len, Bí thư Chi bộ bản Nà Hì 2: “Đến nay, bản đã nhận nhiều sự hỗ trợ của Đoàn KT-QP 379, trâu bò, lợn, ngan, vịt. Từ những con giống ban đầu bản đã phát triển được gần chục mô hình kinh tế. Sự giúp đỡ của bộ đội về vật chất không nhiều nhưng quan trọng nhất là giúp bà con thay đổi được nhận thức, đổi mới cách làm ăn, loại bỏ hủ tục, tập quán canh tác lạc hậu. Đó là chiếc cần câu quý giá giúp dân thoát nghèo”.

Bài, ảnh: HÀ BÁCH – VŨ THƯ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.