Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 02:25:05

 “Mềm hóa” giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên

Ngày đăng: 09/11/2023

QK2 – Hưởng ứng Ngày Pháp luật Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023, Đoàn cơ sở Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316) tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật, kỷ luật bằng hình thức sân khấu hóa. Hội thi có chủ đề: “Thanh niên Trung đoàn 98 thượng tôn pháp luật”.

Ban Tổ chức trao thưởng cho các đội thi.

Theo đó, tham gia hội thi gồm 4 đội đến từ các liên chi đoàn trong Đoàn cơ sở Trung đoàn và đơn vị kết nghĩa, cùng nhau tranh tài ở 4 phần thi: Chào hỏi; kiến thức và xử lý tình huống; hùng biện và tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật. Nội dung hội thi tập trung tìm hiểu, tuyên truyền về một số luật, như: Bộ Luật hình sự; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Nghĩa vụ Quân sự; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Quốc phòng; Luật An ninh mạng; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Giao thông đường bộ… Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, Quân khu, Sư đoàn về công tác giáo dục, quản lý tư tưởng, kỷ luật và bảo đảm an toàn…

Ngay sau phần thi chào hỏi hết sức ấn tượng, độc đáo, các đội thi tranh tài ở phần thì tìm hiểu kiến thức pháp luật. Ở phần thi này, Ban Tổ chức hội thi xây dựng Bộ câu hỏi trắc nghiệm. Các Đội cùng nghe câu hỏi, sau khi câu hỏi được công bố, các đội có thời gian 5 giây để đưa ra phương án trả lời. Chứng kiến quá trình của phần thi, chúng tôi thật sự cảm nhận không khí nhiệt huyết, sôi nổi cũng như nhận thức, hiểu biết về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của tuổi trẻ đơn vị và lực lượng kết nghĩa.

Ngay sau khi Ban Tổ chức hội thi đưa ra câu hỏi “Theo Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015, đối tượng công dân là nữ có được tham gia nghĩa vụ quân sự hay không?”, lập tức thành viên đội Khối các đại đội trực thuộc đã đưa ra được đáp án với nội dung chính xác: Theo khoản 2 Điều 6, công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.

Trước sự bứt phá của đội Khối các đại đội trực thuộc, thành viên các đội còn lại tỏ ra sốt sắng, lo lắng khi bị dẫn trước điểm số. Khi Ban tổ chức hội thi vừa đọc xong câu hỏi “Theo Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015, những đối tượng nào được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự?”, với quyết tâm đột phá vươn lên, đội Tiểu đoàn 7 đã có ngay câu trả lời đúng: “Theo Điều 14, đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự: Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính theo quy định của pháp luật”.

Tham gia hội thi, lực lượng kết nghĩa của các đơn vị cũng rất hào hứng, tích cực tham gia. Với câu hỏi “Theo điều 183 của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn thì bị xử lý như thế nào?”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền – thành viên đội Tiểu đoàn 9 cũng đã nhanh chóng đưa ra đáp án đúng: Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm. Với đáp án đúng này, điểm số của đội Tiểu đoàn 9 đã cân bằng điểm số của đội dẫn đầu và nhận được những tràng pháo tay ròn rã cổ vũ, động viên nhiệt tình của khán giả.

Nếu như ở phần thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, khán giả thấy được sự hiểu biết của các thành viên tham gia đội chơi về các thông tư, chỉ thị, văn bản pháp luật của Nhà nước, Quân đội thì ở phần thi hùng biện, các đội thi cho thấy khả năng lựa chọn chủ đề, đến lập luận, tuyên truyền các vấn đề rất thiết thực liên quan đến pháp luật, kỷ luật được các bạn trẻ quan tâm, như: Bạo lực gia đình, trách nhiệm của mỗi chúng ta; nói không với rượu bia; nói không với ma tuý…

Có lẽ sôi động nhất, lôi cuốn hơn cả trong hội thi là phần thi tiểu phẩm bởi tính chất dí dỏm, hài hước và bổ ích. Ở phần thi này, các đội thi tổ chức dàn dựng, biểu diễn tiểu phẩm dưới hình thức kịch nói, ca kịch hoặc hình thức nghệ thuật khác; thể hiện nội dung phổ biến pháp luật của đội mình qua các hoạt động hàng ngày, ngay tại chính các đơn vị, địa phương hoặc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công tác…

Bằng sự kết hợp hài hòa của các loại hình nghệ thuật, với sức sáng tạo  của tuổi trẻ, mang đậm dấu ấn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, hội thi góp phần giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên Trung đoàn và đơn vị kết nghĩa; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả các biểu hiện sai trái, tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật…

Chia sẻ về hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỷ luật của đơn vị, Thượng tá Bùi Cường Sơn,  Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn khẳng định: Nhận thức sâu sắc việc lãnh đạo công tác xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật luôn là việc làm thường xuyên và đặc biệt quan trọng, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 98 và các cấp ủy, chỉ huy các cấp trong đơn vị luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ; coi giáo dục nâng cao ý thức pháp luật làm cho mọi quân nhân tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật không chỉ là yêu cầu mà còn là trách nhiệm của cấp uỷ, chỉ huy các cấp; tinh thần thượng tôn pháp luật thể hiện thước đo, trình độ phản ánh ý thức trách nhiệm của mỗi quân nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đơn vị đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng chính quy, quản lý chấp hành pháp luật, kỷ luật, được xác định là một trong 3 khâu đột phá được của đơn vị. Cùng với đó Trung đoàn chủ động quán triệt, thực hiện nghiêm túc Ngày Pháp luật với đa dạng các hình thức khác nhau (Sinh hoạt chính trị, diễn đàn, toạ đàm, hội thi, hệ thống băng zôn, panô, khẩu hiệu…), góp phần cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng trong toàn Trung đoàn nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực tiêu biểu”.

Bài, ảnh: VIẾT TÙNG – MINH CHÂU

 

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.