Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 01:57:31

Không thể đánh giá luật pháp chỉ từ những vụ vi phạm của người bất đồng chính kiến

Ngày đăng: 22/03/2018

Thời gian gần đây, trên một số tờ báo nước ngoài và mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết bình luận vu khống, tố cáo Việt Nam mất dân chủ, nhân quyền từ các chế tài pháp luật. Họ ra sức xuyên tạc cho rằng ta biên soạn, sửa đổi hệ thống pháp luật “theo ý Đảng chứ không theo lòng dân”; ngày càng “khắt khe hơn các bộ luật cũ”, “kiểm soát ngặt nghèo các hành vi cá nhân”. Đặc biệt, khi các cơ quan thực thi pháp luật điều tra, xét xử các vụ việc và đối tượng về tội tuyên truyền chống Nhà nước,, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, họ lại tăng cường tuyên truyền, tôn vinh, phong cho các đối tượng này là “những nhà hoạt động cho dân chủ, nhân quyền”, “tù nhân lương tâm”, vu cáo các cơ quan chức năng vi phạm, bất chấp các thủ tụng tố tụng và đàn áp thân nhân bị cáo; kêu gọi các tổ chức, cá nhân phản động lên tiếng phản đối bản án, đòi thả các bị cáo…
Gần đây nhất, trên mạng xã hội còn xuất hiện bài viết đánh giá tình hình Việt Nam nhìn từ góc độ bắt giữ những người bất đồng chính kiến. Bài viết cho rằng, Việt Nam đã “thao túng tòa án thông qua con đường chính trị”, “pháp luật vận hành như một lời biện hộ” rồi phân tích và quy kết cho rằng bản chất của hệ thống pháp luật Việt Nam là mất dân chủ.
Những ý kiến đó là thiếu khách quan, không công tâm khi đánh giá về hệ thống pháp luật Việt Nam.
Cách đây hơn 10 năm, Bộ Chính trị Đảng ta đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Nghị quyết đã xác định mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật, góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch vững mạnh; thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Chiến sĩ trẻ Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật.

Bản chất của hệ thống pháp luật Việt Nam đã, đang xây dựng và hoàn thiện đều coi trọng dân chủ và quyền con người. Điều 14 Hiến pháp 2013 khẳng định “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Hệ thống pháp luật Việt Nam bảo vệ cho toàn thể nhân dân, cho hơn 90 triệu đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Nhiều đạo luật về kinh tế để tạo hành lang pháp lý cho sự vận hành của nền kinh tế. Nhờ đó người dân đã có quyền được tự do kinh doanh, quyền làm chủ trong lao động sản xuất, quyền sở hữu tài sản, quyền được làm những gì mà pháp luật không cấm. Về phương diện chính trị, nhiều văn bản pháp luật liên quan tới tổ chức và hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, các thành phần kinh tế; nhiều quyền công dân và quyền con người đã được cụ thể hóa và thể chế hóa. Ai vi phạm đều bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Gần đây, các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật Việt Nam đã đưa ra xét xử những đối tượng vi phạm pháp luật là những cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đấy là bình đẳng.
Chính vì dân chủ, pháp luật nghiêm minh mà Việt Nam là một trong số quốc gia thanh bình của thế giới. Một trong những minh chứng cho điều này chính là sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Hơn hai vạn người tham dự các sự kiện, phần đông là quan chức cấp cao, nguyên thủ quốc gia, chủ doanh nghiệp lớn, phóng viên báo chí toàn cầu. Ở quốc gia thanh bình ấy, năm 2017 đón khoảng 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khoảng hơn 73 triệu lượt người dân du lịch nội địa, được tổ chức Du lịch Thế giới xếp thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ này. Gần đây nhất, ngày 14 tháng 3, Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp quốc đưa ra bản phúc trình thường niên về báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2018, Việt Nam được đánh giá xếp thứ 95/156 quốc gia. Đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như thu nhập quốc dân tính bình quân đầu người; tuổi thọ; sự hỗ trợ, ủng hộ xã hội; nhận thức về tham nhũng. Ngoài ra còn một số chỉ số như lợi tức, đời sống khỏe mạnh, sự tự do và lòng tin… Dù Việt Nam là quốc gia có thu nhập bình quân rất thấp nhưng xếp hạng về chỉ số hạnh phúc lại là một chỉ số ấn tượng, khách quan.
Những minh chứng trên là kết quả thực chất, đích thực của nền dân chủ, pháp luật trong bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Và đây cũng là thông điệp gửi đến các tác giả, không thể nhìn nhận, đánh giá pháp luật Việt Nam chỉ từ một vài người bất đồng chính kiến, vi phạm pháp luật, được một số tổ chức, cá nhân định kiến, tự tôn thành nhà hoạt động cho dân chủ, tự do. Số ít ấy không đại diện, không đấu tranh cho nền dân chủ trên đất nước Việt Nam.
Bài, ảnh: ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.