Thứ bảy Ngày 27 Tháng 07 Năm 2024, 10:57:10

Nhớ người nghệ sĩ tài ba chuyên đóng vai Bác Hồ

Ngày đăng: 19/05/2024

QK2 – Trong cuộc đời làm nghệ thuật, Nghệ sĩ ưu tú (NSUT) Tiến Hợi (tên đầy đủ là Nguyễn Tến Hợi) nguyên là Diễn viên của Đoàn Văn công Quân giải phóng Trường Sơn, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 (nay là Đoàn Văn công Quân khu 2) có 35 năm vào các vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiến Hợi được đánh giá là diễn viên tài ba, thể hiện vai Bác Hồ nhiều nhất và xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh. 

Nghệ sĩ hóa trang Đạm Thủy hóa trang cho Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi trong một vai diễn đóng Bác Hồ.

Tôi có ba lần gặp NSUT Tiến Hợi và cả ba lần đều ở thành phố  Việt Trì, tỉnh Phú Thọ trong các chuyến anh về chơi cùng mấy người bạn. Cứ như đã quen nhau từ lâu, anh và tôi ngay lần đầu gặp mặt đã lập tức bén chuyện không có hồi kết bởi những trao đổi về Bác Hồ, về tình yêu, về bạn bè, về cuộc sống. Tiến Hợi dáng thanh, hơi trầm tính, từng điệu bộ cử chỉ luôn nghiêm ngắn. Theo suy diễn của tôi, anh đảm nhận vai Hồ Chí Minh hàng trăm lần trên sân khấu và phim trường sao tránh khỏi phải hoàn thiện bản thân trong từng cử chỉ, hành động. Tôi còn nhận thấy con người Tiến Hợi ngoài đời có nét gì đó giống Bác Hồ hơn cả trên sân khấu..

Là nghệ sĩ kịch và diễn viên điện ảnh, suốt nghiệp diễn của mình Tiến Hợi đã luôn tròn vai trong mọi tuyến nhân vật được giao và cá nhân anh đã đạt đỉnh vinh quang trong sự nghiệp bằng chính vai diễn về Bác Hồ kính yêu.

Nhưng anh đã rời cõi tạm vào ngày 10/2/2022 sau cơn bạo bệnh phát hiện muộn ở tuổi 64. Chỉ vỏn vẹn 6 ngày cuối cùng của cuộc đời, anh ở lại bên cạnh người thân rồi từ từ khép lại hàng mi, bước vào giấc ngủ ngàn thu. Cũng chính từ ngày đó tôi cũng mới được biết đến vợ anh trên trang facebook cá nhân của bạn bè anh em chia sẻ. Chị là người trang điểm cho anh lần đầu trên sân khấu và cũng là người cuối cùng làm cho dung diện của chồng thật đẹp trước khi an bước trong thế giới người hiền…

35 năm đóng vai Bác Hồ cũng là 35 năm Tiến Hợi đồng hành bên người bạn đời của mình, ấy là nữ Nghệ sĩ hóa trang Vương Đạm Thủy (Nghệ sĩ Đạm Thủy), mà theo tâm sự của chị: “Anh là Bác Hồ trên sân khấu và trở lại là chồng chị sau khi tẩy trang”. Vương Đạm Thủy (Đạm Thủy) đã dùng đôi bàn tay điệu nghệ và tài hoa của mình cùng cặp mắt gắn với tâm nghề sắc sảo, lòng kính trọng và biết ơn vô hạn đến Bác Hồ để có thể thổi hồn vào nhân vật Bác được khán giả cả nước và quốc tế vinh danh…Chị Đạm Thủy tâm sự: Đây là một mối duyên giữa tôi và anh Tiến Hợi. Khi công tác ở Đoàn Văn công Trường Sơn, tôi may mắn được cử đi học hóa trang hình tượng Bác Hồ. Mỗi khi nhấc bút khai mở từng nét tô điểm trên khuôn mặt của Nghệ sĩ Tiến Hợi cứ như thể được Bác về phù trợ, chỉ dạy, truyền năng lượng và cảm hứng sáng tạo… Từ đó đến khi anh trút hơi thở cuối cùng, tôi đã hóa trang cho anh Hợi khoảng hàng nghìn lần.

Nghệ sĩ trang điểm Đạm Thủy (bên phải) thăm gia đình Nhà giáo, Nhà thơ Lan Thanh trong một lần về thăm thành phố Việt Trì (Phú Thọ).

Khởi nghiệp đến với nghệ thuật, Tiến Hợi và Đạm Thủy cùng là người lính bộ đội Cụ Hồ, trong Đoàn Văn công Trường Sơn (nay là Đoàn Văn công Quân khu 2). Đạm Thủy xưa nay sống khép kín, chị đã từ chối tất cả mọi lời đặt vấn đề của giới truyền thông muốn công khai trên mặt báo về những đóng góp cho thành công của các vai diễn cũng như cuộc sống riêng tư bên người chồng là diễn viên nổi tiếng – Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi.

Nghe chị tâm sự về “thiên duyên” giữa hai anh chị mà tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục. Trước là nói về anh – Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi: Quê cha ở Nghệ An, mẹ người Hà Nội, nhờ thế giọng nói của anh trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh là giọng pha Trung Bắc không cần lồng tiếng đã rất giống với giọng của Bác ngoài đời.

Năm 1987, Tiến Hợi lần đầu tiên thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đang công tác trong Đoàn Văn công Trường Sơn qua vở kịch "Đêm trắng" tác giả Lưu Quang Hà,  đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang. Vai diễn của Anh đã được cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và công chúng cả nước khen ngợi, đánh giá cao. Sau vai diễn thành công này, năm 1988 do yêu cầu nhiệm vụ cơ cấu, tổ chức, Tiến Hợi và Đạm Thủy chuyển công tác về Nhà hát Kịch Hà Nội.

Trong cuộc đời mình, Tiến Hợi nổi tiếng là nghệ sĩ hóa thân nhiều nhất và thanh công nhất hình ảnh Bác Hồ trên điện ảnh lẫn sân khấu kịch, trong đó năm 1989, Tiến Hợi đóng vai chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trong phim điện ảnh "Hẹn gặp lại ở Sài Gòn". Năm 1992 với hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở "Xin lĩnh án tử hình", Tiến Hợi đã đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc… Đặc biệt, năm 1996, Tiến Hợi thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phim "Hà Nội mùa đông năm 46" của đạo diễn Đặng Nhật Minh; bộ phim đã đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XII. Đạo diện, NSND Đặng Nhật Minh khẳng định: Có lẽ, “Hà Nội mùa Đông năm 46” là đóng góp của Tiến Hợi. Anh diễn chân thật và quan trọng là giống nhất trong cả ngoại hình lẫn tiếng nói. Đúng là số trời đã định. Vai Hồ Chí Minh phải do Tiến Hợi đảm nhiệm, chứ không thể có ai khác”.

Chị Đạm Thủy cho biết, kể từ khi đóng vai diễn đầu tiên cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, Tến Hợi đã có hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và phim điện ảnh, phim truyền hình nổi tiếng và hàng trăm lần vào vai Bác trong những sự kiện, chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm cấp quốc gia và trên toàn quốc… Quả vậy, tên tuổi, sự nghiệp và những cống hiến của NSUT Tiến Hợi, đặc biệt là những vai diễn mà Anh từng đóng về Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi đi cùng năm tháng, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng.

Về chị – Nghệ sĩ hóa trang Đạm Thủy quê cha ở Làng Kim Liên, Nam Đàn, (là anh em họ đằng ngoại với Bác Hồ), mẹ người Nam Trung, Nam Đàn, Nghệ An. Ông thân sinh là cán bộ thuộc Bộ Xây dựng, được Nhà nước cử về công tác ở thành phố công nghiệp non trẻ, ông đón bà ra và cùng xây dựng tổ ấm ở Việt Trì, Phú Thọ, đến nay, theo con trai trưởng vô Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.

Chị Đạm Thủy tâm sự, chị không bao giờ quên năm đó – 1989, anh đang đóng phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”, vào vai Nguyễn Tất Thành chuẩn bị rời Bến Nhà Rồng, xuống tàu, ra đi tìm đường cứu nước. Cũng là thời điểm chị mang bầu cậu con trai lớn, thế là anh chị cùng thống nhất đặt tên con là Nguyễn Vương Thành (lấy họ của chị làm đệm cho con). Lần sau, khi anh Tiến Hợi vào vai Bác Hồ, đóng phim “Hà Nội mùa đông năm 46”, chị lại trở dạ sinh con trai thứ. Anh hào hứng bế cu cậu nhấc lên thật cao, ôm chặt rồi hôn lên má và gọi tên con là Nguyễn Vương Nam.

***

Tôi đã từng được nghe nói về anh chị Tiến Hợi và Đạm Thủy suốt nhiều năm liền là một “cặp đôi hoàn hảo” trong sự ngưỡng mộ của giới nghệ sĩ và bạn hữu khắp cả nước. Từ khi nên vợ thành chồng, Tiến Hợi và Đạm Thủy chưa từng vắng nhau trong hầu hết các sự kiện của một trong hai người kể cả trên sân khấu và khi về với đời thường. Có lẽ chính vì vậy mà ngay cả khi Tiến Hợi chuẩn bị về thế giới bên kia Đạm Thủy vẫn không quên sứ mệnh của mình là phải thật nhẹ tay thoa lên vầng trán rộng và đôi gò má của chồng người từng đầu gối, tay ấp bấy nay một lớp phấn đủ hồng cho thật giống với điệu cười mỉm, làn mi thanh thản khép hờ. Chị khẽ hôn lên làn môi đỏ chào anh trước khi bật khóc vĩnh biệt…

Bạn bè chung ai cũng nghĩ rằng Đạm Thủy sẽ gục ngã sau cú sốc về sự ra đi quá đột ngột của Tiến Hợi. Nhưng không. Chị không gục ngã mà trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết vì bên đời còn tất cả những kỷ niệm nối tiếp tình yêu của anh dành lại cho chị, ấy là gia đình nhỏ của Vương Thành, Vương Nam và đàn cháu yêu quý. Chưa hết, trong một lần trò chuyện, chị khẽ giải bài toán cuộc đời theo cách của mình: “Em thấy đấy, cộng tuổi chị và anh là 120 (anh 64, chị 56), mỗi người có cho riêng mình 35 năm hạnh phúc viên mãn bên nhau, như thế có phải tổng là 70 năm tình yêu của hai đứa không? Sẽ bao nhiêu đôi trên dương thế có được thiên duyên như vậy…?”.

Và, khi tôi ngắt lời, kể cho chị nghe về sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa hai người phụ nữ mà tôi muốn được nhắc đến ngay sau đây là chị và mẹ tôi đã cho tôi thấy những điều thât đáng để trân trọng và nể phục. Họ là những người phụ nữ đơn thân nhưng đã tự tìm ra một phong cách sống của riêng mình như thể luôn có người đàn ông của đời mình đồng hành mọi lúc, mọi nơi…cho đến muôn sau.

Chẳng là, sau khi cha tôi mất (2006, năm ấy ông cũng 64 tuổi), đêm nào bên cạnh bàn thờ vong mẹ tôi cũng thức, tôi nằm giường kế bên, thi thoảng choàng dậy nửa đêm vẫn nghe tiếng rì rầm như mẹ đang tâm sự gì đó với cha, mà hình như có lúc mẹ đọc cả những bài thơ vừa mới sáng tác khi chiều…cho cha tôi nghe và nhờ ông…thẩm định… Ngay ngày đầu vĩnh biệt cha, cả nhà tôi nhìn thấy và cùng nghĩ rằng cha đã hóa thân thành con bươm bướm hoa thật to về đậu trên bức trướng của Dòng họ Nguyễn Đình thăm viếng. Con bươm bướm đó không ăn gì, không bay đi mà vẫy cánh cho đến khi kiệt sức mới dừng lại, sau 49 ngày thì tự rơi xuống đất. mẹ tôi đã thắp hương và khẩn cầu cho bươm bướm hóa thân theo cha về cõi vãng sanh…Cũng từ đó mẹ tôi chính thức cầm bút, nối nghiệp văn chương, viết tiếp thay cha…

Nghe dứt câu chuyện này từ tôi, trước sự chứng kiến của cả mẹ, chị Đạm Thủy đã thốt lên: “Mẹ em chính là hình ảnh của chị mấy mươi năm sau đấy…” Chị cũng luôn nghĩ, luôn nói chuyện, luôn tâm sự với anh hàng ngày.  Em biết không, dù sinh nhật chị là 19/5 nhưng ngày này hàng năm chị chỉ nhận được số lời chúc bằng một phần của anh thôi đó. Bạn bè khắp cả nước nhắn tin chúc mừng anh nhân sinh nhật Bác khiến anh trả lời phải cỡ “ngót một tuần mới hết”. Từ dạo anh về “bên ấy”, ngày kỷ niệm này chị với bạn bè lại đem hoa ra trước mộ anh, đồng thanh hát lời 'Chúc mừng sinh nhật' cho anh vui cùng…

Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi trong một vai diễn đóng Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng.

Tác giả Nguyễn Đình Ánh (bên trái) với Nghệ sĩ ưu tú Tiến Hợi trong một lần gặp mặt.

Suốt những năm tháng tuổi thơ, tôi từng mải mê nằm ngoài sân nhà, dưới trời đầy sao nghe cha kể chuyện, đặc biệt không thể quên tích xưa về “Tử Kỳ – Bá Nha” thần diệu. Chỉ vì người bạn tâm giao biết “thưởng thức tiếng đàn – vận ý tao nhân” không còn trên dương thế nữa mà Tử Kỳ đã đập vỡ luôn cây đàn, không sáng tác và chơi đàn nữa. Nay, nghe chị Đạm Thủy nói rằng, gần đây, chị đã phải liên tục từ chối lời mời của các đạo diễn về việc nhận trang điểm hình tượng Bác Hồ do một số diễn viên khác thủ vai. Chỉ nói: “Sự nghiệp của anh Tiến Hợi đạt đỉnh, anh dừng lại, chị cũng dừng lại luôn”. Từ đó, tôi càng cảm phục chị và anh, về những điều quá lớn lao mà cả hai người luôn muốn được hy sinh vì nhau, dành cho nhau trọn vẹn tâm nguyện trước sau. Đạm Thủy nói thêm “ Chị chỉ cần anh, anh luôn gần gũi, luôn giản dị nhất có thể, cả đời không sống vụ lợi cho riêng mình thứ gì, anh luôn khiêm tốn trước mọi thành tích đạt được, hòa nhã với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, người thân… Cho nên, đến ngay cả việc các tổ chức gợi ý làm hồ sơ đề nghị truy tặng Nghệ sĩ Nhân dân cho anh chị cũng từ chối mà em… Chị biết, ở “bên kia” anh Tiến Hợi cũng muốn như thế, anh là người không thích khoa trương…

Thay lời kết bài viết này, tôi xin trích mấy lời tâm sự thành thơ của chị Đạm Thủy với anh Tiến Hợi vào ngày hạnh phúc 20/3/2024 vừa qua “…Mình em lẻ bước đơn côi/ Mà sao như thấy đủ đôi đêm ngày/ Vĩnh cửu cho mối tình này/ Âm dương cách biệt mong ngày gặp nhau/ Chồng đi trước, vợ đến sau/ Tiến Hợi – Đạm Thủy của nhau…kiếp này…”

Bài, ảnh: NGUYỄN ĐÌNH ÁNH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.