Thứ bảy Ngày 18 Tháng 05 Năm 2024, 04:00:57

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN Ở HÀ GIANG

Ngày đăng: 16/07/2016

Kỳ cuối: Vùng biên đang thức dậy

QK2 – Sau gần 30 năm rà phá bom mìn trên địa bàn tỉnh Hà Giang, các đội công binh đã thu gom, xử lý được hàng triệu quả bom mìn, vật nổ, giải phóng 4.221 héc-ta đất. Các đội công binh còn giúp dân hàng trăm ngày công, góp phần thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội vùng biên, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Nhiệm vụ RPBM đòi hỏi thi công phải chính xác, an toàn, đúng tiến độ. Cho dù vất vả, nguy hiểm nhưng các chiến sĩ công binh vẫn luôn tự hào với công việc được giao. Không ngại vất vả, cán bộ, chiến sĩ các đội công binh còn dành thời gian đến với các thôn bản tham gia xây dựng nông thôn mới. Trung tá Vũ Hồng Mạnh, đội công binh Hà Giang dẫn chúng tôi tận mắt chứng kiến những vạt ngô xanh tốt, những thửa lúa trĩu hạt, anh bảo đó là thành quả năm trước các anh đã giúp bà con nơi đây.

Tập trung tư tưởng vô hiệu hóa an toàn ngòi nổ mìn K58.

Trung tá Mạnh kể tiếp, vào đầu tháng tư vừa qua, do mưa lớn liên tục làm cuốn trôi chiếc cầu bê tông qua suối đỏ. Nhận được tin báo "mất cầu", không quản trời mưa, trong đêm 30 cán bộ, chiến sĩ kịp thời có mặt tại hiện trường, dầm mình dưới mưa để tìm kiếm vật liệu, gia cố trụ cột, mặt cầu. Cây cầu được nối lại đã giúp hằng trăm học sinh tới trường. Ngay sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tập thể đội và ba cá nhân (Thượng úy Hầu Đức Tình, Trung úy CN Lê Văn Tuyến, Thượng úy CN Nguyễn Thế Anh) được lãnh đạo huyện Hoàng Su Phì tặng giấy khen. Hay những câu chuyện cảm động mà Thiếu úy CN Phàn Dùn Mình, y sỹ đi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho dân đã kéo lại khoảng cách mà lâu nay ở những nơi heo hút này hiếm thấy.

Đi trên con đường mới nối liền giữa các hộ dân thôn Nà Sát, ông Nguyễn Công Dựng, Phó bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) cùng bà con trong thôn phấn khởi cho biết: "giữa các hộ dân trong thôn tuy gần mà xa vì có nhiều phiến đá ngăn chặn lối đi, không ngờ bộ đội công binh 316 và Bộ CHQS Hà Giang lại phá nhanh và dễ dàng đến thế. Nay có đường đi lại thuận tiện, người dân chúng tôi rất biết ơn bộ đội". Cũng trong đợt này, hai đơn vị đã phá gần 100m3 đá mở đường, đổ 20 cột bê tông, 60 m2 móng nhà văn hóa…

 Vùng biên đang thức dậy

Tiến sỹ Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang cho hay, tỉnh đang tập trung RPBM ở những nơi thuận lợi để đưa dân ra xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế mậu biên. Ngoài đất thổ cư các hộ sẽ được cấp đủ đất để sản xuất. Trước mắt tỉnh chỉ đạo làm điểm hai xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần) và Thàng Tín (Hoàng Su Phì) đưa dân ra khu vực đã rà phá xong bom mìn, vật nổ. Tỉnh cũng đã có chủ trương giao đất cho Đoàn kinh tế, quốc phòng 313 tăng cường trồng rừng dọc tuyến biên giới. "Mặc dù Chính phủ, Bộ Quốc phòng chưa giao cụ thể nhưng Đảng ủy QS tỉnh cũng đã chỉ đạo vấn đề giao đất, trồng rừng và giao đất cho phát triển kinh tế"- ông Vinh khẳng định.

Các chiến sĩ công binh sau giờ làm nhiệm vụ

Thưa ông, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung vào vấn đề gì trước tốc độ rà phá chậm như hiện nay?

– Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XV đã xác định, phấn đấu rà phá ở diện tích cao nhất để giao lại đất sạch cho nhân dân, phát triển sản xuất, ổn định biên giới. Tuy nhiên, trước khó khăn chung nền kinh tế cả nước, Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu giao hằng năm thấp (mỗi năm bình quân được 150-200 héc- ta). Nếu tốc độ này theo Chương trình 120 của Chính phủ, tỉnh phải mất hơn 100 năm nữa mới có thể hoàn thành việc rà phá bom mìn khu vực biên giới. Tỉnh mong muốn BQP tăng thêm vốn đầu tư, lúc đó tỉnh sẽ phối hợp với Quân khu 2 đi hợp đồng thêm các đơn vị công binh để tăng nhanh diện tích được rà phá. Các sở, ngành của tỉnh đã chuẩn bị đủ các dự án vùng biên. Ví dụ, tất cả các điểm đấu nối chợ đường biên khi đận dân ra đấy thì đất như thế nào, vì đất rất khó khăn…Đề nghị Chính phủ quan tâm, tăng thêm chỉ tiêu diện tích rà phá mỗi năm cho tỉnh để sớm bàn giao đất sạch cho dân. Tỉnh cũng đang mong muốn sự chia sẻ, chung tay góp sức của cả cộng đồng xã hội và các tổ chức quốc tế vào cuộc giúp Hà Giang sớm khắc phục hậu quả bom mìn.

Diện tích đã rà phá xong, tỉnh tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng khu vực phòng thủ như thế nào?

– Với quan điểm nông thôn mới không phải là bê tông hóa mà phải xây dựng hệ thống chính trị đồng bộ, xây dựng khu vực phòng thủ, ANCT địa phương, xây dựng đảng, yếu tố phát triển kinh tế là quan trọng để ổn định xã hội. Riêng tuyến biên giới tỉnh cũng đã chỉ đạo, đặc biệt là chỉ đạo Đảng ủy Quân sự tỉnh tập trung LLVT xây dựng nông thôn mới ngay ở cơ sở, lực lượng nòng cốt là các trung đội dân quân tự vệ của các xã biên giới, các chi bộ quân sự xã cùng tham gia. Như vậy tỉnh sẽ gắn công tác dân vận và các chương trình mục tiêu quốc gia để đưa dân ra biên giới trong đó có vai trò của dân quân, vai trò của chi bộ quân sự xã ở trên tuyến biên giới này.

Tính đến thời điểm này huyện Xín Mần mới thực hiện xong việc đưa 26 hộ ra khu vực biên giới. Chủ trương của tỉnh tiếp tục thực hiện vấn đề này như thế nào, thưa ông?

– Tính đến thời điểm này huyện Xín Mần đã tập trung 26 hộ/230 khẩu người Mông sống rải rác về thành thôn mới. Ma Lỳ Sán là thôn mới giáp ngay biên giới trên phần đất bộ đội công binh bàn giao. Mỗi hộ được hỗ trợ xây một nhà cấp bốn trị giá 145 triệu đồng bằng nguồn quỹ xã hội hóa (58 triệu nhà nước cấp), số còn lại do doanh nghiệp và người dân hỗ trợ. Hiện tại thôn đã có chi bộ và các đoàn thể hoạt động. Số hộ dân này phấn khởi vì có đất làm ăn họ yên tâm gắn bó vùng biên. Thời gian tới tỉnh sẽ triển khai đồng loạt tại 30 xã thuộc bảy huyện có đường biên giới.

Bài, ảnh: XUÂN PHÚ

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.