Thứ bảy Ngày 18 Tháng 05 Năm 2024, 04:33:24

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ BOM MÌN Ở HÀ GIANG

Ngày đăng: 10/07/2016

Kỳ 2: Công việc thầm lặng

QK2 – Bảy đội công binh tham gia rà phá bom mìn trên địa bàn tỉnh Hà Giang gồm Lữ đoàn 543, 406, Sư đoàn 316, Bộ Tham mưu QK, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang (02 đội) và Công ty Tây bắc. Làm nhiệm vụ ở nơi thiếu điện, thiếu nước, đi lại khó khăn… cán bộ, chiến sỹ các đội công binh vẫn quyết bám trụ để giải phóng những "vùng đất chết".

Kế hoạch rà phá bom, mìn ngoài thực địa được phổ biến đến từng chiến sỹ.

Rà phá bom mìn (RPBM) là công việc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Để bảo đảm an toàn cho người RPBM các đơn vị công binh làm nhiệm vụ đều phải thực hiện nghiêm công tác tuyển chọn cán bộ, chiến sĩ cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này này. Đại tá Phạm Ngọc Chương, Chủ nhiệm công binh Quân khu cho biết: Tất cả các khâu chọn lựa cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ RPBM được tiến hành theo quy trình. Với cán bộ phải là người có kinh nghiệm lâu năm, lực lượng còn lại chỉ sử dụng người có phẩm chất chính trị, đức tính tỉ mỷ, dẻo dai và thực sự tâm huyết với nhiệm vụ. Sau lựa chọn là khâu "sát hạch". Nếu trúng tuyển tiếp tục bồi dưỡng nghiệp vụ để trở thành lực lượng RPBM chuyên nghiệp.

Gian nan… có các anh

Điểm cao 1509 xã Thanh Đức (Vị Xuyên) là điểm cao quan trọng trong những năm chiến tranh biên giới. Điểm cao này có dông kéo dài xuống xã Thanh Thủy. Với chiều dài hơn 20km, dọc đường biên giới còn nhiều bãi mìn chưa rà phá. Thiếu tá Cao Trần Cử, đội công binh Lữ đoàn 406 kể, điểm cao là rừng thiêng nước độc, thiếu nước sinh hoạt, ngày đầu anh em bước chân lên núi ai cũng bỡ ngỡ, tọa độ có đủ nhưng chẳng biết đi hướng nào, vì chỉ sơ suất nhỏ là vướng phải mìn. Cả đội duy nhất có chiếc máy phát điện. Xăng trên đỉnh núi được quý hơn vàng, anh em phải chắt chiu từng lít xăng cho mỗi tối một tiếng nổ máy. Chiếc máy phát điện được chăm chút yêu mến như một con người, vì nếu trục trặc thì cả đội "tối đen như mực".

Từ chân núi lên vị trí làm nhiệm vụ có một lối mòn duy nhất. Xe chở thực phẩm chỉ đến trung tâm xã Thanh Đức. Muốn đưa lương thực, thực phẩm, dụng cụ sinh hoạt lên anh em phải mang vác bộ trên dưới bảy tiếng mới gùi đủ một chuyến hàng. Nếu buổi sáng hành quân thì điểm dừng lại nghỉ ăn trưa là thôn Nậm Nịch, chỉ chục phút rồi lại đi tiếp. Đi lại đã vậy, về mùa đông có lúc nhiệt độ hạ thấp dưới 3­oc, quần áo ẩm hàng tuần là chuyện bình thường. Ngày đi làm, cuối chiều kiếm củi đốt hong khô quần áo. "Bốn bề là rừng vầu, không một bóng người dân, chỉ có muỗi vắt, dưới là mìn. Mùa mưa đường sạt lở anh em phải dự trữ cá mắm, lạc khô cho cả tháng. Nỗi khổ nhất là sóng điện thoại, muốn thăm hỏi vợ con phải đi xa ít nhất 200m mới có sóng, mà sóng lại chập chờn. Cả đội ai cũng phải đăng ký dịch vụ cuộc gọi nhỡ để tối về ra chỗ có sóng mở máy gọi lại. Khó khăn nhất là khi gia đình có việc đột xuất phải mất vài ngày mới có mặt ở nhà. Vậy mà hằng ngày anh em vẫn phải làm tất cả công việc dọn mặt bằng, dò và xử lý bom mìn. Tất cả vì bình yên cho những vùng đất chết"- Thiếu tá Cử cho biết.

Công binh Bộ CHQS Hà Giang làm nhiệm vụ trên đỉnh Mã Tẻn.

Từ trung tâm huyện Hoàng Su Phì, chúng tôi được ba "chiến mã" do Trung úy CN Lê Văn Tuyến, Đại đội công binh 19 (Bộ CHQS tỉnh Hà Giang) phụ trách dẫn đường, xe chở đồ, xe chở phóng viên tiếp tục cuộc hành trình đến với Bản Pắng, xã Bản Máy (Hoàng Su Phì). Dưới trời mưa tầm tã, ba "chiến mã" xăng được đổ đầy bình để bước vào cung đường băng rừng (được gọi là đoạn đường chinh phục thử thách). Dù chỉ ba km từ trung tâm xã chạy vào lán trại của đội công binh Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, lối chạy dưới vách đứng chỉ rộng hơn bàn chân, phía dưới là vực thẳm, mặt đường trơn trượt khiến các tài xế phải cày liên tục số 2 rồi lại về 1. Nếu chỉ một sơ suất nhỏ người và xe có thể lao xuống vực sâu. Trung úy Tuyến giới thiệu, đơn vị có ba người là Thắng, Mình và Tuyến được bầu chọn là ba tay lái cừ nhất, định kỳ được giao nhiệm vụ chở hàng từ ngoài vào. Số còn lại nhìn đường đã ngán.

Lán trại của Đội công binh Hà Giang được dựng ngay trên đỉnh Mã Tẻn, có đủ bếp ăn, nơi sinh hoạt tập thể. Bữa cơn trưa giữa rừng thật ấn tượng với thực đơn rau rừng, gà, vịt được nuôi ngay trên đỉnh núi có độ cao 1.660m (so với mặt nước biển). Tuy khó khăn nhiều mặt nhưng các anh đã tự tăng gia, chăn nuôi đưa vào bữa ăn thêm cho bộ đội. Biết nhà báo lên viết bài, các chiến sĩ công binh trầm trồ: "Lâu lắm mới thấy có khách nhà báo miền xuôi lên, đường khó đi, lại mưa mà vẫn tới được. Thế mới phục!".

Con số những người gắn bó với nhiệm vụ rà phá bom mìn thường xuyên thay đổi nên việc sử dụng những cán bộ có kinh nghiệm chỉ huy làm nhiệm vụ này thường được các đơn vị quan tâm đặc biệt. Trung tá Vũ Hồng Mạnh là người trong số ít đó. Anh là "Thầy mìn già"- cách mà thế hệ đàn em thân thiết gọi đội trưởng hiện nay. Theo lời giới thiệu của Trung tá Mạnh thì "Mã Tẻn là tên núi cũng là tên xóm. Xóm Mã Tẻn có hơn 30 hộ dân tộc La Chí. Người La Chí gọi Mã Tẻn là "con ngựa trắng" có đầu quay hướng biên giới, đuôi xuôi về Bản Máy. Nơi đây từng là trận địa. Vì là trận địa nên số lượng mìn, vật nổ khu vực này vẫn còn hơn 400 héc-ta nữa. Năm năm qua đội mới hoàn thành và bàn giao hơn 150 héc-ta đất cho địa phương". Chỉ tay, kéo xa tầm mắt anh nói tiếp: "từ khi đất rừng sạch mìn một số hộ dân kia đã đến dựng nhà mới, biết lợi dụng đất sạch để trồng ngô, lúa đã cho thu hoạch. Cuộc sống người dân nơi đây đang khá dần lên".

Thầm lặng trên những điểm cao

Công việc hôm nay trên đỉnh Mã Tẻn như bao ngày thường khác, cả đội chuẩn bị máy dò, áo giáp, mũ bảo hiểm rồi hành quân lên vị trí đã xác định. Theo quy trình, đầu tiên là phát dọn mặt bằng, tiếp đến là khâu dò thủ công, rồi dò bằng máy. Yêu cầu lớn nhất trong dò gỡ là phải sạch mìn, đủ chiều sâu tối đa 3m. Vì vậy toàn đội phải thực hiện tỉ mẩn từng centimet. Trong khoảng đất vừa được chia ra từng ô nhỏ (chiều ngang 1m) để bảo đảm một tổ hai người chịu trách nhiệm trên phần đất của mình. Người đi trước dò máy, khi phát hiện có mìn, vật nổ, người đi sau cắm cờ định vị, rồi tháo gỡ. Cứ như vậy cả đội lặng im, căng mắt dõi theo đường dò của mình. Được vài mét, máy rú báo có kim loại. Khi chiếc cọc định vị đầu tiên được cắm xuống. Trung úy CN Hoàng Văn Hưng, đi sau dùng thuốn tiếp tục xác định lại vị trí tín hiệu, cầm dao nhọn xắn từng nhúm đất nhỏ để tìm kiếm. Lại thêm một quả mìn K58 được phát hiện và xử lý an toàn…

Ngoài quy trình chung khi RPBM, trong sinh hoạt tập thể mỗi cán bộ, đội viên phải chia sẻ những trải nghiệm của riêng mình để mọi người cùng học tập. Trung tá Đinh Ngọc Lân, đội công binh 543 (nhân vật đề cập trong Kỳ 1) luôn giáo dục chiến sĩ từ hậu quả chính bản thân mình phải trả giá: "Người chiến sỹ công binh không có bài học rút kinh nghiệm cho mình mà chỉ có bài học rút kinh nghiệm cho người khác". Trung tá Vũ Hồng Mạnh, đội công binh Bộ CHQS Hà Giang và Thiếu tá Cao Trần Cử, đội công binh Lữ đoàn 406 luôn coi trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng RPBM: "thao trường đổ mồ hôi, bãi mìn bớt đổ máu". Thiếu tá Đặng Hồng Sơn, đội trưởng đội RPBM Sư đoàn 316 mỉm cười: "mỗi ngày trở về là một ngày vui". Bởi các anh luôn coi RPBM, vật nổ là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.

Bài, ảnh: XUÂN PHÚ

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.