Thứ bảy Ngày 27 Tháng 04 Năm 2024, 06:46:14

Giữa lằn ranh sinh tử

Ngày đăng: 07/10/2023

QK2 – Ốm đau, bệnh tật… luôn là mối đe dọa, rình rập cướp đi sinh mạng con người. Giữa lằn ranh sinh tử, những y, bác sĩ như những chiến binh ngày đêm thầm lặng giành giật sự sống cho người bệnh. 

Kíp trực Bệnh viện 109 gây mê cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Để hiểu rõ hơn những khó khăn, vất vả của công việc chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân, chúng tôi dành nhiều thời gian vào ca trực cùng các y, bác sĩ ở Bệnh viện 109 (Cục Hậu cần Quân khu)… Đối với những y, bác sĩ, giờ nào còn bệnh nhân thì giờ đó là giờ làm việc. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ở khoa hồi sức cấp cứu thì đó còn là những đêm trắng bên người bệnh.
Hơn 1 giờ sáng, tại hành lang Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện 109 vang lên tiếng khóc thút thít. Tiếng bước chân vội vã xen lẫn tiếng bánh xe cáng đẩy bệnh nhân miết ken két trên nền gạch. Tiếng người nói thảm thương lẫn trong tiếng khóc đẫm nước mắt: “Bác sĩ ơi, cứu chị tôi với!…”. Chúng tôi cùng Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Ngọc Kim, Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu, đang khám cho các bệnh nhân vội vàng từ buồng bệnh bước ra. Bước nhanh về phía người đang nằm trên cáng, tiến hành khám và có những chuẩn đoán ban đầu: “Bệnh nhân bất tỉnh lâu chưa?” – Anh Kim hỏi. “Gia đình vừa phát hiện lịm đi thì vội chuyển ngay vào viện”. Vừa nghe tiếng trả lời của người nhà bệnh nhân, bác sĩ Kim nhanh chóng chỉ đạo kíp trực khẩn trương đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu, đồng thời động viên gia đình người bệnh nên giữ bình tĩnh.
Ở bên ngoài phòng bệnh trò chuyện cùng người nhà bệnh nhân, chúng tôi được biết, người vừa được đưa vào cấp cứu là chị Nguyễn Thị V, ở TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Buổi chiều sau khi đi làm về, chị V thấy trong người mỏi mệt. Ăn cơm xong, chị uống thuốc rồi đi nghỉ. Dần dần thấy cơ thể có chuyển biến bất thường, sức khỏe yếu dần, da tím tái, hơi thở chậm, nhịp tim đập không đều. Rồi chị V bất tỉnh, người nhà lay gọi không biết.
Lo lắng điều không lành có thể ập đến bất ngờ cướp đi sinh mạng của chị V, người thân đợi chờ ngoài hành lang bồn chồn, lo lắng. Thỉnh thoảng lại có tiếng khóc thút thít. Tiếng nấc nghẹn ngào xen lẫn tiếng kêu của các loại máy móc, thiết bị y tế. Không gian trở nên nặng trĩu, não nề. Gần một giờ sau, bác sĩ Kim bước ra khỏi phòng cấp cứu, mọi người vây đến hỏi thăm. “Bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc. Cũng may là gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời. Chỉ chậm một chút nữa có thể bị chết não, hoặc tử vong. Chúng tôi đã tiến hành các thủ thuật cấp cứu, bệnh nhân tỉnh lại và dần hồi phục nhưng còn yếu. Cần theo dõi thêm”. Sau câu nói của anh Kim, người nhà chị V như thoát được một phần áp lực. Nghẹn ngào trong nước mắt, mọi người rối rít cảm ơn.
Trở về phòng trực, anh Kim nói với chúng tôi, đối với bệnh nhân cấp cứu, có khi quyết định tính mạng nhanh hay chậm chỉ trong vài giây. Anh nhớ lại ngày đầu tháng 4, bệnh nhân Nguyễn Thị K ở phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, nhập viện trong tình trạng đe dọa tính mạng do phản vệ độ III. Nhưng rất may, bác sĩ Kim cấp cứu kịp thời nên đến nay, chị K đã hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, theo anh Kim, đó là những người may mắn. Có những bệnh nhân nặng, không được cấp cứu kịp thời, khi chuyển đến bệnh viện, sự sống chỉ còn tính bằng những hơi thở tàn và họ dần ra đi trong sự tuyệt vọng của bác sĩ. “Tôi từng bị ám ảnh khi chứng kiến những cái chết của người bệnh, đặc biệt là nhiều bệnh nhân trẻ khi đến cấp cứu. Rất thương tâm. Đó là điều khắc nghiệt nhất đối với nghề y!” – Anh Kim xúc động.
Gần 3 giờ sáng, không khí trong phòng cấp cứu vẫn rất căng thẳng. Cũng như mọi lần, hôm nay kíp trực gồm 3 người, đảm nhận ca từ 19 giờ tối hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau, có nhiệm vụ theo dõi, túc trực, chăm sóc hàng chục bệnh nhân. Dẫn chúng tôi đi thăm phòng người bệnh, anh Kim chia sẻ, có những hôm, cùng lúc có nhiều bệnh nhân nặng, tình trạng nguy kịch, các y, bác sĩ rất vất vả. Như hôm nay, số bệnh nhân là 17, trong đó có 4 người tình trạng nặng phải thở bằng máy. Bác sĩ phải thường xuyên túc trực, chẩn đoán hết người bệnh này đến người bệnh khác. Các điều dưỡng, y tá cũng không lúc nào ngơi tay, đo huyết áp, đọc kết quả, kiểm tra các chỉ số máy thở… liên tục trong một đêm không một giây chợp mắt.
Đến thăm bệnh nhân Nguyễn Văn M, ở xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Người vừa nhập viện lúc 15 giờ chiều, do tai nạn giao thông, bị chấn thương sọ não, xuất huyết vùng chẩm phải, vết thương phần mềm vùng hàm, mặt. Bác sĩ Kim cho biết: “Hiện nay, bệnh nhân đã được chúng tôi đặt ống nội khí quản, cầm máu, xử lý vết thương bên ngoài. Sau khi chụp não, chúng tôi đã tiến hành một số thủ thuật y tế và tiêm thuốc. Đến thời điểm này, tình hình sức khỏe bệnh nhân đang tiến triển tốt”. Nhìn bao quát một lượt, chỉ cho chúng tôi những bệnh nhân đang trong tình trạng sức khỏe nguy kịch, hôn mê sâu, phải thở bằng máy, anh Kim nén tiếng thở dài, đã làm ở khoa hồi sức cấp cứu thì các y, bác sĩ phải xác định đây là môi trường căng thẳng và áp lực. Các ca bệnh cấp cứu đêm thường rất phức tạp, đa dạng. Người bệnh nhập viện do tai nạn giao thông, bệnh đường tiêu hóa, tim mạch… Nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch đòi hỏi bác sĩ phải tỉnh táo, bản lĩnh để đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị chính xác. Dù phải trực đêm sau một ngày lao động vô cùng căng thẳng, mệt mỏi nhưng với tâm niệm nắm giữ sức khỏe, tính mạng của người bệnh, các y, bác sĩ phải luôn tập trung cao độ. Mỗi ca bệnh được cứu sống sẽ mang lại hạnh phúc, niềm vui cho bệnh nhân và gia đình người bệnh, đó cũng chính là niềm vui và động lực để đội ngũ nhân viên y tế tiếp tục cố gắng.
Gần 7 giờ sáng, chúng tôi chia tay để bác sĩ Kim còn kịp ghi chép thông tin bệnh nhân, chuẩn bị cho buổi giao ban và bắt đầu một ngày làm việc mới.
Bài, ảnh: HÀ AN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.