Thứ bảy Ngày 18 Tháng 05 Năm 2024, 12:58:33

Giữ gìn “Tết quê” vùng cao cho chiến sĩ

Ngày đăng: 22/01/2022

QK2 – Địa bàn Quân khu 2 có 34 dân tộc anh em cộng cư, sinh sống, mỗi dân tộc, mỗi vùng miền đều có những nét sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán khác nhau; trong đó, LLVT Quân khu có đầy đủ cán bộ, chiến sĩ thuộc các dân tộc trên địa bàn. Bởi vậy, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc, các đơn vị đều tổ chức các trò chơi dân gian đặc sắc mang đậm chất văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, tạo nên bầu không khí phấn khởi khi Tết đến, Xuân về. Qua đó góp phần giữ gìn, bảo tồn và làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần, động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ.

Chuẩn bị bánh Chưng trong Chương trình "Xuân đoàn kết – Tết thắm tình quân dân" năm 2022 tại xã Mỹ Lương, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

 

GIỮ GÌN PHONG TỤC NGÀY TẾT CHO CHIẾN SĨ

Ở Trung đoàn 880, Bộ CHQS tỉnh Lai Châu, phần lớn cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc ít người. Để cán bộ, chiến sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ và có một cái Tết thực sự ấm áp, Trung đoàn luôn rất quan tâm đến đời sống vật chất, như đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn, chế độ cho bộ đội và trích một phần kinh phí tăng gia sản xuất để làm quà tết cho anh em. Thượng tá Trần Song Tám, Chính ủy Trung đoàn cho biết: “Ngoài quan tâm đến đời sống vật chất thì quan tâm đến đời sống tinh thần cũng hết sức quan trọng, phải làm cho bộ đội cảm thấy đơn vị thực sự là ngôi nhà thứ hai của mình. Đơn cử như việc mang những phong tục ngày Tết của đồng bào dân tộc trên địa bàn vào tổ chức tại đơn vị sẽ đem lại không khí gần gũi, ấm cúng cho cán bộ, chiến sĩ”.

Phần thi đẩy gậy trong Chương trình “Xuân biên cương vui Tết quân dân” và Ngày hội “Bánh chưng xanh” tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương (Lào Cai) do Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức năm 2021.

Đại úy Pờ Pờ San, Đại đội trưởng Đại đội 1 là người Hà Nhì, quê ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè (Lai Châu). Anh công tác và gắn bó với đơn vị từ năm 2015. Tết Nhâm Dần này là năm thứ 5 đón Tết tại đơn vị. Anh cho biết, Đại đội 1 là đơn vị trực sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn, luôn phải đảm bảo quân số trực đầy đủ, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Với lợi thế trong việc nắm chắc văn hóa, phong tục tập quán của nhiều dân tộc trong tỉnh, anh thường xuyên trao đổi trong ban chỉ huy để tổ chức các hoạt động phù hợp với chiến sĩ; chú trọng tổ chức các trò chơi, cách ăn uống, sinh hoạt gần gũi để động viên, lôi cuốn chiến sĩ các dân tộc cùng tham gia. Riêng với người Hà Nhì tại Mù Cả, Tết chính thường được chọn ba ngày trong tháng con chuột (Hu – Chạ), thường vào tháng 11 dương lịch. Khi ấy người dân đã thu hoạch xong mùa màng. Trong ngày Tết Hà Nhì, tất cả những sản phẩm nuôi trồng được đều được bày ra mâm cỗ, đây cũng là dịp để người dân nhìn lại thành quả đã đạt được trong một năm vừa qua. Hiểu được nét văn hóa này, anh thường có ý kiến để chỉ huy các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho bản thân cũng như anh em dân tộc Hà Nhì về tranh thủ hoặc nghỉ phép để đón Tết cùng gia đình, quê hương. Có năm, do tính chất công việc không được về nghỉ đúng dịp Tết Hà Nhì, anh thường làm mâm cỗ với toàn những sản phẩm tăng gia của đơn vị để cùng cán bộ trong Đại đội chung vui và rút kinh nghiệm những công việc đã thực hiện trong năm. Đây cũng là dịp để gắn kết tình cảm cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thêm hiểu nhau hơn, để giúp nhau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung trong năm mới.

Ở Đại đội 2, Trung úy Giàng A Sang, Phó Đại đội trưởng là người dân tộc Mông. Nhận thấy chiến sĩ phần lớn là người đồng bào dân tộc; sắp tới là những ngày Tết đầu tiên trên cương vị cán bộ đại đội và cũng là cái Tết đầu tiên của anh em chiến sĩ trong thời gian quân ngũ, anh Sang mong muốn sẽ ở lại đơn vị, tổ chức một cái Tết thật ấm áp và ý nghĩa cho anh em, bởi lẽ anh là người hiểu rất rõ phong tục ngày Tết của dân tộc trên địa bàn. Ngoài các hoạt động thường niên mà đơn vị vẫn thường tổ chức như: Múa xòe, múa khèn và cuộc thi gói bánh chưng ,còn tổ chức các trò chơi ném còn, ném pao, chơi cầu lông gà (Tâu tí) và tó má lẹ… Đây là điều kiện để nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa cán bộ, chiến sĩ các dân tộc và với các đơn vị kết nghĩa trên địa bàn.

Giáp Tết, Chiến sĩ Lò Văn Choạn ở phân đội vệ binh người dân tộc Thái cho biết: “Trước khi nhập ngũ tôi đã được nghe nhiều câu chuyện về Tết trong Quân đội, nên tôi đang rất háo hức cho cái Tết đặc biệt này. Tôi sẽ cùng đồng đội tích cực trang trí làm đẹp cảnh quan khuôn viên đơn vị và chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động vui chơi trong những ngày Tết. Được sự nhất trí của chỉ huy, trước đêm giao thừa tôi sẽ gọi điện về chúc Tết gia đình. Đây cũng là một nét đẹp truyền thống của người Thái chúng tôi”.

 Trung úy NGUYỄN HOÀNG TRUNG

TINH THẦN “LỄ HỘI” QUÊ NHÀ TRONG DỊP TẾT

Tôi sinh ra và lớn lên trên quê hương Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), là nơi hội tụ những nét đẹp của núi rừng hùng vĩ và con người nơi đây. Một trong những giá trị truyền thống được gìn giữ và phát huy rất đặc sắc mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đó là Lễ hội Lồng tồng truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Lễ hội thường được tổ chức trong dịp Tết, khoảng từ mùng 4 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Lễ hội Lồng tồng mang tính chất nghi lễ nông nghiệp cổ xưa, mở đầu cho một mùa vụ sản xuất mới. Trong lễ hội ở quê tôi có các nghi thức lễ tạ Thần Nông cầu cho mùa màng bội thu, gia súc phát triển, con người khỏe mạnh, bản làng yên vui, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc. Sau một năm lao động vất vả, lễ hội được tổ chức và mang lại những giờ phút nghỉ ngơi, thanh thản, mọi người có điều kiện gặp gỡ thăm hỏi, chúc tụng nhau; đồng thời cũng là dịp giao lưu tình cảm giữa các cô gái, chàng trai bằng những lời hát Then, Sli, Lượn…

Lễ hội Lồng tồng thường được diễn ra tại khu đất ruộng bằng phẳng giữa cánh đồng hay gò đất nơi thuận tiện cho hành lễ và vui hội. Theo tín ngưỡng của người Tày, bản làng là nơi “sống gửi hồn, chết gửi xương”. Lễ hội Lồng tồng được chuẩn bị rất chu đáo, trang trí đẹp, bắt mắt, trồng cây nêu, làm quả còn, làm yến, bàn cờ, quân cờ, dây kéo co, chuẩn bị nỏ, mũi tên, cà kheo, đánh đu, đánh khăng… Về lễ vật cúng tế chuẩn bị rất chu đáo cẩn thận, tất cả những người tham gia cũng như vật dùng đều phải sạch sẽ; các món ăn phải ngon, tinh túy, cầu kỳ, đẹp mắt như: Bánh khảo, bánh bỏng, bánh chè lam, bánh chưng gù. Gà cúng phải là gà sống thiến béo (có chân, đầu, mào đỏ đẹp); lợn đen tế phải từ 50kg trở lên; ngoài ra còn có thêm các loại sản phẩm nông nghiệp do dân bản trồng trọt, chăm sóc và các dụng cụ lao động sản xuất.

Các nghi thức của lễ hội gồm có: Xin Thần Thành Hoàng cho mở lễ hội; Chủ lễ làm lễ cúng tại nhà; dân làng mới được đưa các mâm tồng cúng dâng lên Thành Hoàng và Thần nông cùng các trò diễn trong Lễ hội Lồng tồng, như: Hát Then, múa xòe, múa quạt, nhảy sạp, ném còn, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng, bắn nỏ, đi cà kheo… Trong đó, ném còn là nội dung được yêu thích hơn cả, các đôi nam thanh, nữ tú, các bậc trung niên… đua nhau tung còn vào vòng tròn trên cây nêu, tạo nên bầu không khí vui tươi đầy ắp tiếng cười. Cặp đôi hạ được điểm tâm vòng tròn trên cây nêu sẽ nhận được phần thưởng của ban tổ chức, được mọi người chúc tụng cho một năm mới mạnh khỏe, bình an và thành công.

Vận dụng tinh thần và không khí lễ hội từ quê nhà, về công tác tại Trung đoàn 148 mấy năm nay, năm nào tôi cũng được tổ chức và tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí trong dịp Tết với các trò chơi dân gian gần giống với các trò vui chơi của người Tày quê tôi. Cùng những trò vui múa sạp, kéo co, đẩy gậy, cờ tướng, dựng cây nêu, ném còn,… thì trò chơi hái hoa dân chủ đêm giao thừa ở đơn vị cũng được chỉ huy các cấp quan tâm, tổ chức, tạo không khí vui vẻ, sôi nổi, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia.

Tìm hiểu các chiến sĩ thuộc các dân tộc khác nhau, những trò chơi dân gian dịp Tết ở đơn vị có nhiều nét tương đồng, nhất là ở các miền quê vùng cao. Hiện nay, mỗi chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ quân sự, phần lớn chỉ có một cái Tết duy nhất trong Quân đội; bởi vậy, những trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc là khoảnh khắc đáng nhớ nhất, động viên tinh thần chiến sĩ yên tâm đón cái tết đầm ấm tình đồng đội, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Nếu không vì Covid-19, các hoạt động vui chơi giải trí đầy chất dân gian ở các đơn vị sẽ thêm phầm hấp dẫn.

Thượng úy NGẦM VĂN ĐOÀN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.