Thứ ba Ngày 23 Tháng 04 Năm 2024, 02:52:07

Đội du kích Mường Chanh

Ngày đăng: 15/06/2022

QK2 – Năm 1943, Mường Chanh được Chi bộ Nhà tù Sơn La chọn làm địa bàn để xây dựng phong trào cách mạng. Xã Mường Chanh cách tỉnh lỵ khoảng 20km về phía Tây Nam, giao thông thuận tiện, nối liền Mai Sơn, Thuận Châu với Sông Mã. Địa thế "Tiến có thể đánh, lui có thể giữ", tạo điều kiện phát triển và mở rộng cơ sở cách mạng ra các vùng lân cận. Mặt khác, nơi đây dân cư đông đúc, có nhiều người đi học ở tỉnh lỵ, làm việc cho thực dân Pháp ở Toà công sứ, trong số đó có người đã được các chiến sĩ cộng sản trong nhà tù Sơn La giác ngộ… 
Cuối năm 1943, Mường Chanh đã thành lập tổ Thanh niên cứu quốc gồm 12 đội viên và nhiều quần chúng cảm tình. Tổ Thanh niên cứu quốc đã có tầm ảnh hưởng tích cực trong quần chúng nhân dân, thực hiện những hình thức vận động nửa công khai, nửa bí mật để giác ngộ quần chúng, phát triển hội viên mới. Đồng thời, phát huy vai trò tích cực và tổ chức hướng dẫn "Hội dệt anh" (Hội kết nghĩa anh em). Hội đã tập hợp những nông dân khá giả nhưng không có quyền và những quý tộc thuộc tầng lớp trên bị mất chức, với mục đích là chống lại Phìa, và những chức dịch nắm quyền ở địa phương. Quá trình tuyên truyền, vận động giác ngộ cách mạng của Tổ thanh niên cứu quốc, nhiều hội viên "Hội dệt anh" đã nhận thức rõ âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, nên tham gia hoạt động rất tích cực.
Sang năm 1944, hoạt động của tổ "Thanh niên cứu quốc" ở Mường Chanh kết nạp được trên 40 hội viên. Hội đã phát động quần chúng nhân dân đấu tranh đòi giảm thuế, bớt phu, bớt ruộng chức. Vụ thuế năm 1944, Hội đã vận động nhân dân đấu tranh với Phìa Mường Chanh giành lại 14 con trâu, 50 con lợn, 10 tấn lúa đem chia một phần cho dân, số còn lại làm quỹ hội. Thắng lợi của cuộc đấu tranh càng cổ vũ quần chúng tin tưởng vào tổ Thanh niên cứu quốc. Để đảm bảo an toàn cho các cuộc đấu tranh trừng trị bọn tay sai, mật thám chuyên dò la tin tức và chuẩn bị ra đời lực lượng vũ trang nòng cốt, Hội đã thành lập Đội Tự vệ tổ chức luyện tập quân sự, trang bị vũ khí, gây quỹ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân theo cách mạng.
Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở Sơn La đã phát triển nhanh chóng: Toàn tỉnh có trên 60 cơ sở cách mạng, riêng ở Mường Chanh, cả 8 bản đều có cơ sở cách mạng. Trên cơ sở đội tự vệ, Ban lãnh đạo khu căn cứ đã quyết định thành lập trung đội du kích vũ trang do đồng chí Lê Trung Toản và Cầm Vĩnh Tri trực tiếp lãnh đạo.
Để tập hợp mọi lứa tuổi, lực lượng tham gia phong trào cách mạng, Ban lãnh đạo khu căn cứ quyết định thành lập "Hội người Thái cứu quốc". Đây là hình thức tổ chức để tập hợp đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, nòng cốt của Hội là các tổ Thanh niên cứu quốc. Hội đã tổ chức nhiều hình thức giác ngộ, vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào kháng Nhật cứu nước. Bên cạnh các hình thức tuyên truyền như viết khẩu hiệu trên vách hang, vách đá, sáng tác thơ ca…, Hội còn ra tờ báo Lắc Mướng (Trụ cột đất nước) do đồng chí Lê Trung Toản và Cầm Minh chỉ đạo kiêm chủ bút. Báo được viết bằng chữ Thái và Quốc ngữ; mỗi số báo ra được khoảng chục tờ, vạch trần tội ác của giặc Nhật, kêu gọi nhân dân các dân tộc đoàn kết đứng dậy tập hợp dưới cờ Việt Minh để kháng Nhật cứu nước.
Tháng 8 năm 1945, trong không khí sôi sục tổng khởi nghĩa của nhân dân cả nước, lực lượng vũ trang và nhân dân ở khu căn cứ đã đứng lên giành chính quyền ở Mường Chanh rồi sau đó đã kết hợp cùng nhân dân các địa phương khác giành chính quyền ở Sơn La thắng lợi.
THU HUYỀN (Tổng hợp)
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.