Thứ bảy Ngày 18 Tháng 05 Năm 2024, 12:10:14

Điểm sáng chính sách hậu phương Quân đội

Ngày đăng: 25/07/2022

QK2 – Là một tỉnh miền núi, đa phần là người dân tộc sinh sống, đời sống vật chất tuy còn nhiều khó khăn, song những năm gần đây cấp ủy, chính quyền, LLVT tỉnh Yên Bái đã dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội và “xây dựng thế trận lòng dân”, trở thành điểm sáng trong thực hiện công tác chính sách hậu phương Quân đội.

Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 368-CT/QUTW, ngày 12/6/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Nghị quyết số 81-NQ/ĐU, ngày 20/10/2016 của Đảng ủy Quân khu “Về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương quân đội giai đoạn 2016 – 2020”, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nghị quyết chuyên đề thực hiện đồng bộ công tác chính sách hậu phương quân đội; thành lập Ban chỉ đạo 1237 (Nay là 515), Ban chỉ đạo 24, thường xuyên duy trì các hoạt động. Phối hợp với các ngành chức năng, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền như hệ thống truyền thanh ở cơ sở; truyền thông trên báo, đài, trong hội họp, sinh hoạt các đoàn thể, nhất là ở vùng sâu vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh tặng quà vợ liệt sỹ tại huyện Trấn Yên.

Theo Trung tá Nguyễn Xuân Quỳnh, Trưởng ban Chính sách, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái, thực hiện chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội không chỉ có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, mà qua đó còn góp phần làm tốt công tác tuyển quân, xây dựng quân đội chính quy, hiện đại. Với ý nghĩa tầm quan trọng đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành chính sách Bộ CHQS tỉnh đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ, giúp thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác chính sách. Cả với những quân nhân đang phục vụ tại ngũ và quân nhân đã tham gia kháng chiến, phục viên, xuất ngũ về địa phương. Thường xuyên rà soát, phối hợp thực hiện đầy đủ các chế độ như: Phụ cấp đặc thù với các quân nhân làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm; chế độ bảo hiểm y tế với thân nhân quân nhân; chế độ, tiêu chuẩn với bộ đội phục viên, xuất ngũ, bị bệnh hiểm nghèo, hy sinh, từ trần. Đặc biệt, thực hiện tốt chính sách đối với thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng. Đã đề nghị cấp trên công nhận cho 226 trường hợp là thương binh theo đúng Nghị định 31/2013 của Chính phủ; đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 10 trường hợp liệt sỹ mất tin, mất tích; thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách cho những người tham gia kháng chiến, các quyết định của Chính phủ, như: Quyết định 142 được 61 trường hợp; Quyết định 62 được 1.434 trường hợp; Quyết định 49 được 33.296 trường hợp với số tiền hơn 10 tỷ đồng…

Qua tìm hiểu được biết, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái đã chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng như: Ban Tuyên giáo, Sở Lao động – Thương binh – Xã hội; Bảo hiểm xã hội tỉnh; Hội CCB, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, khơi dậy phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Qua đó đã có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm và toàn xã hội chung tay thực hiện “Đền ơn đáp nghĩa”; nhà nhà, người người cùng làm việc thiện, với mục tiêu giúp những người, gia đình có công với cách mạng có cuộc sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trong khu dân cư. 8/8 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận phụng dưỡng; xây dựng 21 nhà tình nghĩa, 6 nhà đồng đội, với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó Bộ CHQS tỉnh luôn quan tâm đến đời sống của đội ngũ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đang công tác trong LLVT tỉnh và các chiến sĩ quê hương Yên Bái đang công tác ở biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa. Nhất là với những chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; con liệt sỹ, con thương binh nặng, các chiến sĩ là người dân tộc…

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phạm Viết Khánh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Công tác chính sách hậu phương Quân đội là một mặt công tác quan trọng, tác động đến nhiều người, nhiều thành phần trong xã hội; thể hiện đạo lý truyền thống nhân nghĩa, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Qua đó còn giáo dục cho thế hệ trẻ biết tôn vinh, tri ân những người có công với cách mạng; góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng “thế trận lòng dân”.

Bài, ảnh: DUY TUẤN – TRUNG HIẾU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.