Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 06:54:45

Để văn hóa xứng đáng “soi đường cho quốc dân đi”

Ngày đăng: 15/11/2021

LTS: Theo kế hoạch, ngày 24-11-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng sẽ tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị đặc biệt quan trọng này giúp chúng ta đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Bài 1: Văn hóa không chỉ là… “cờ, đèn, kèn, trống”       

Đảng ta luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, hạnh phúc của nhân dân. Nhưng vì sao ở thời điểm này, văn hóa, đạo đức xã hội bị đánh giá là xuống cấp? Vì sao văn hóa bị nhiều người xem nhẹ, cho là hoạt động bề nổi “cờ, đèn, kèn, trống”?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình, văn học, nghệ thuật Trung ương; PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cùng phân tích về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa đối với sự phát triển của đất nước.

Văn hóa đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội

Phóng viên (PV): Đề nghị ông cho biết quan điểm của Đảng về vị thế của văn hóa trong sự phát triển chung?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Xuyên suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn có quan điểm nhất quán về vị trí, vai trò hết sức quan trọng của lĩnh vực văn hóa. “Đề cương văn hóa Việt Nam” (năm 1943) ra đời khi Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng nhưng chưa giành được chính quyền. Lần đầu tiên Đảng nêu cương lĩnh văn hóa, nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công. Đề cương nhấn mạnh 3 nguyên tắc: “Dân tộc hóa-Đại chúng hóa-Khoa học hóa”.

 

Để văn hóa xứng đáng “soi đường cho quốc dân đi”

 PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những câu nói bất hủ về văn hóa, vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức ngày 24-11-1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Người cho rằng: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”. Người nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Tôi mong chúng ta đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”. Sau này, tiếp tục suy ngẫm về văn hóa, Người cho rằng: “Vǎn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”; “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.

Bước sang thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng có nhiều nghị quyết về văn hóa văn nghệ, nổi bật là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết 33 khóa XI (năm 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Mỗi thời kỳ, nhiệm vụ cách mạng có sự thay đổi, song vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong quan điểm, tư duy của Đảng không thay đổi, đúng như lời Bác Hồ nói: Văn hóa phải được coi trọng ngang chính trị, kinh tế, xã hội.

PV: Ông lý giải vì sao hiện nay khi các lĩnh vực khác đi lên, đạt được nhiều thành tựu song văn hóa chưa phát triển tương xứng?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Đường lối, chủ trương, quan điểm, tư duy của Đảng về văn hóa luôn có sự phát triển, bổ sung, kế thừa, chọn lọc, dẫn lối chỉ đường cho văn hóa phát triển. Nhưng phải thừa nhận rằng, cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành pháp luật, cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế. Các nghị quyết về văn hóa được xây dựng kỳ công, chắt lọc trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, bàn với nhau từng câu, từng chữ, nhưng nghị quyết dù hay đến mấy mà không đi vào cuộc sống và “tốt tươi” trong đời sống thì giá trị, tầm nhìn chiến lược của nghị quyết sẽ bị hạn chế.

 

Để văn hóa xứng đáng “soi đường cho quốc dân đi”

PGS, TS Tạ Quang Đông. 


PGS, TS Tạ Quang Đông: Sở dĩ xây dựng, phát triển văn hóa chưa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội… là do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến lĩnh vực này; lãnh đạo, chỉ đạo chưa thật quyết liệt. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Đảng còn chậm, thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật chậm được đổi mới; có lúc, có nơi xem nhẹ, thậm chí buông lỏng; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. So với các lĩnh vực khác, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật chưa tương xứng, còn dàn trải và hiệu quả thấp, chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa, nghệ thuật để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp chưa được quan tâm đúng mức. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đấu tranh phòng, chống sự xâm lăng, thẩm lậu của các sản phẩm văn hóa ngoại sinh độc hại chưa thật sự kiên quyết, thậm chí có lúc, có nơi còn buông lỏng, gây bất bình trong nhân dân.

Xem nhẹ văn hóa dẫn đến hệ lụy toàn diện và lâu dài

PV: Vì văn hóa chưa được đặt đúng vị thế, theo ông sẽ dẫn đến hệ lụy thế nào tới sự phát triển của lĩnh vực văn hóa nói riêng, và tương lai của đất nước nói chung?

PGS, TS Tạ Quang Đông: Nếu văn hóa không được đặt đúng vị thế, sẽ có thể gây ra những hệ lụy toàn diện và lâu dài. Sự đứt đoạn của văn hóa truyền thống, việc đánh mất bản sắc, tinh thần dân tộc sẽ dẫn đến những con người vong bản. Bởi, bản sắc văn hóa là tấm hộ chiếu của mỗi dân tộc, quốc gia, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong lịch sử phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang phát triển mạnh như vũ bão, nếu không chú ý đúng mức đến vị trí, vai trò của văn hóa, không nâng cao sức mạnh nội sinh trong văn hóa, tiến hành hiện đại văn hóa nhưng không xa rời các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm phong phú cho văn hóa Việt Nam, chúng ta sẽ mất đi nội lực và sức đề kháng trước những cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài.

 

Để văn hóa xứng đáng “soi đường cho quốc dân đi”

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh. 


GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Nhận thức sai lầm dẫn đến hành động sai lầm. Trong lĩnh vực văn hóa “sai một ly thì đi một dặm”, sau này muốn “chữa” cũng khó làm lại được. Nếu hiểu quan niệm văn hóa chỉ là hoạt động bề nổi “cờ, đèn, kèn, trống”, thiếu chiều sâu, sẽ không dẫn dắt được thị hiếu, thẩm mỹ công chúng ngày càng cao; không góp phần xây dựng đạo đức, nhân cách con người. Nhiều quan điểm sai lầm trong văn hóa cần sớm chấn chỉnh. Chẳng hạn mục đích của UNESCO công nhận Di sản văn hóa là để chúng ta giữ gìn di sản và nhân dân hiểu đó là giá trị quý giá, thế nhưng danh xưng này đang phần nào bị lạm dụng, lập tràn lan hồ sơ để công nhận, nhưng sau khi được công nhận lại ứng xử với di sản không đúng với cam kết. Di sản ca trù là một ví dụ, trước vinh danh và hậu vinh danh là các cuộc hội thảo, liên hoan trình diễn… Rồi đến nay thì sao, dường như di sản đang dần đi vào quên lãng do thiếu chính sách quản lý, đầu tư, phát huy.

PV: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Ông nhận xét gì về năng lực cán bộ trong lĩnh vực văn hóa hiện nay?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Có thể nói, thời kỳ dựng Đảng, dựng nước, tiến hành kháng chiến và kiến quốc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến văn hóa, văn nghệ. Có được điều này vì bản thân nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng thời cũng là nhà văn hóa lớn: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu…

Muốn lãnh đạo, chỉ đạo văn hóa, cán bộ phải có hiểu biết sâu rộng về chuyên môn, đặc biệt phải nhạy cảm, tinh tế để xử lý các sự việc cụ thể. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều lúc bố trí cán bộ lãnh đạo văn hóa thiếu chuyên môn, trái sở trường. Bố trí cán bộ sai khiến thui chột năng lực của cán bộ, có khi làm khổ, làm khó cho họ. Căn nguyên bố trí cán bộ trong lĩnh vực văn hóa còn chưa tốt, đó là: Xem nhẹ lĩnh vực văn hóa nên bố trí cán bộ thiếu cân nhắc, tính toán; quan niệm cứ được bầu vào cấp ủy là đủ khả năng lãnh đạo, chỉ đạo bất cứ lĩnh vực nào.

Kỳ vọng từ hội nghị lịch sử của ngành văn hóa

PV: Ông cho biết vì sao thời điểm này lại tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc?

PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất dự kiến diễn ra trong 3 ngày. Tuy nhiên, lúc đó thực dân Pháp tấn công Hải Phòng nên hội nghị chỉ diễn ra trong một ngày (24-11-1946), nhưng nội dung cốt lõi của hội nghị đã lan tỏa rộng khắp. Chưa đầy hai năm sau, từ ngày 16 đến 20-7-1948, tại Phú Thọ đã diễn ra Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai. Do điều kiện chiến tranh, hình thức hội nghị văn hóa toàn quốc không còn được tổ chức, nhưng quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa tiếp tục xây dựng, bổ sung, phát huy trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này được tổ chức nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị sẽ rút ra những bài học thành công, cũng như nhìn thẳng vào các khuyết điểm, yếu kém trong phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đồng thời đưa ra những quan điểm, chủ trương mới về văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.

 

Để văn hóa xứng đáng “soi đường cho quốc dân đi”

Nghệ nhân dân ca quan họ biểu diễn tại Hội Lim (Bắc Ninh), tháng 2-2019. Ảnh: VƯƠNG HÀ. 


PV: Cảm xúc và kỳ vọng của ông về hội nghị đặc biệt quan trọng của ngành văn hóa tới đây là gì?

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh: Tôi mong muốn từ Hội nghị văn hóa toàn quốc lần này, Đảng và Nhà nước sẽ có nhìn nhận, đánh giá và đưa ra giải pháp cụ thể đối với lĩnh vực văn hóa. Quan trọng nhất là phải có hành động cụ thể, thiết thực; từ bỏ cách làm chung chung, thiên về bề nổi. Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa đa dạng của nhiều tộc người, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề giữ gìn văn hóa truyền thống, bảo vệ văn hóa các dân tộc thiểu số.

PGS, TS Tạ Quang Đông: Hội nghị văn hóa toàn quốc sẽ là kim chỉ nam để tiếp tục đưa văn hóa Việt Nam phát triển, tiếp tục tạo ra vị thế riêng và hòa vào dòng chảy của thời đại. Từ thực tế sinh động và biến đổi phức tạp, muôn hình muôn vẻ của đời sống văn hóa hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục đổi mới và chú trọng những vấn đề then chốt. Trên cơ sở một nền kinh tế phát triển vững mạnh với mục tiêu hướng về phục vụ cho lợi ích của số đông, môi trường được bảo vệ, với một nền chính trị lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch, văn hóa Việt Nam chắc chắn sẽ đóng góp xứng đáng với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội, được xây dựng và phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà quản lý!

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) khẳng định quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

 

(còn nữa)

(Theo QĐND online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.