Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 10:01:09

Để “đầu cơ nghiệp” qua mùa giá rét

Ngày đăng: 02/01/2019

QK2 – Cha ông ta từ xưa đến nay đều quan niệm “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp, người nông dân Việt Nam luôn coi trọng sức lao động. Với địa hình, khí hậu nhiệt đới gió mùa, ba phần tư diện tích đất nước là đồi, núi, phương thức canh tác trên ruộng nương đặc trưng cho thửa ruộng Việt Nam là sức người, có sự hỗ trợ của trâu, bò. Vì thế, trong phương thức lao động cổ truyền, trâu, bò là tư liệu sản xuất, là sức lao động, giúp đỡ người nông dân kéo cày, bừa đổ ải vào vụ; sức trâu, bò vận tải nguyên vật liệu sản xuất ra ruộng và vận chuyển nông sản về nhà. Con trâu vừa là tài sản, vừa làm bầu, làm bạn với người nông dân. Vì thế, trên khắp đất nước này có khá nhiều lễ hội chọi trâu trở thành truyền thống, phong tục đẹp thu hút du khách trong và ngoài nước. Nhiều công cụ phục vụ đời sống được làm từ bộ phận con trâu trở thành thiết thân với cộng đồng, điển hình là trống làng, trống trường.

Thời phong kiến và Pháp thuộc, đa phần nông dân bị tước đoạt tư liệu sản xuất, trong đó có trâu, bò. Nhiều người dân phải “kéo cày thay trâu”. Ngày nay, nhiều vùng đã cơ giới hóa, sức cày kéo từ trâu, bò đã giảm, nhưng con trâu, đàn bò vẫn là những vật nuôi mang lại thu nhập cao cho người nông dân, nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng cao, nơi có điều kiện chăn thả, trồng thức ăn cho trâu, bò.

Tuy vai trò của “đầu cơ nghiệp” là rất lớn trong các gia đình nông dân, nhưng con vật gần gũi này luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là tình trạng dịch bệnh, đói, rét… Hàng chục năm nay, mùa đông năm nào cũng có thông tin hàng loạt trâu bò bị chết rét. Điển hình mùa rét cách đây hơn chục năm, năm 2008, Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT báo cáo ngày 17/2/2008, tổng số các loại vật nuôi đã bị chết rét, chết đói trong đợt rét đậm tại các tỉnh phía Bắc là 51.962 con, trong đó chủ yếu là bê, nghé non (chiếm 75%); bò, trâu già (25%). Ước tính thiệt hại đợt rét này đối với đàn vật nuôi khoảng 170-180 tỷ đồng. Những năm sau đó, năm nào cũng có thông tin trâu, bò chết rét.

Trâu, bò vốn là giống vật chịu nóng tốt hơn chịu rét. Đói và rét là hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trâu, bò bị ốm, chết. Theo lý giải của các chuyên gia và cơ quan chức năng, trời rét ở miền núi sâu, đậm hơn và thường có sương muối khiến cỏ cây héo úa. Thức ăn cho trâu, bò, giảm, trâu, bò gầy yếu và giảm sức đề kháng, nhất là khi trời giá rét. Đợt rét càng kéo dài lượng thức ăn dự trữ cạn, bên cạnh đó, người chăn nuôi chưa có ý thức cao trong bảo vệ đàn gia súc dẫn đến nhiều trâu bò chết vì đói và rét.

Thiệt hại về con của đối với các gia đình nông dân là hết sức to lớn. Gia đình có đàn trâu chục con là đã có tài sản vài trăm triệu. Nếu không có biện pháp tích cực phòng, chống rét cho trâu, bò, thì gia đình đang có của ăn, của để trở thành trắng tay. Vì thế, vài năm trở lại đây, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp tích cực chỉ đạo việc chống rét cho đàn trâu, bò; nhưng không phải ai cũng ý thức hết điều này.

Cuối tháng 12/2018, đầu tháng 1/2019 mới có đợt rét đậm, rét hại diện rộng, tuy nhiên dự kiến mùa đông năm nay sẽ có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Vì vậy, các cấp cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân nâng cao ý thức và biện pháp phòng tránh đói, rét cho đàn gia súc. Cần chăm sóc sức khỏe cho trâu, bò thông qua bám nắm tình hình, tiêm vắc xin phòng dịch, vệ sinh, che chắn chuồng trại tránh gió lùa. Không thả rông trâu, bò khi trời lạnh nhiệt độ thấp, có sương muối, băng tuyết. Khi nhiệt độ xuống quá thấp cần đốt lửa sưởi, mặc áo tơi cho trâu bò. Mặt khác tăng lượng dinh dưỡng như cám, bột lương thực ngô, sắn trộn trong thức ăn, cho uống nước ấm. Thậm chí, một số vùng núi cao còn phải đưa trâu, bò đi tránh rét…

Thiết nghĩ, cán bộ, chiến sĩ làm công tác vận động quần chúng ở vùng núi cần chú ý hơn đến nội dung, phương pháp này giúp nhân dân, để “đầu cơ nghiệp” của người nông dân an toàn trong mùa giá rét.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.