Thứ tư Ngày 15 Tháng 05 Năm 2024, 01:55:00

“Chia lửa” cùng Thủ đô – Bảo vệ vững chắc bầu trời Đất Tổ

Ngày đăng: 26/12/2022

QK2 – Tròn 50 năm về trước, trong 12 ngày đêm (18 – 29/12/1972) chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của Đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Khẩu đội cao xạ 14,5mm của tự vệ nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao trong một trận chiến đấu đánh máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu.

Ghi tạc vào lịch sử như một trong những trang vàng chói lọi nhất, chiến công này mãi mãi là niềm tự hào bất diệt, biểu tượng rực rỡ sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản lĩnh, tầm cao trí tuệ con người Việt Nam. Cùng với quân và dân cả nước, quân và dân Phú Thọ đã quả cảm, quật cường đứng lên “chia lửa” cùng Thủ đô, bảo vệ vững chắc bầu trời Đất Tổ.

Do thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh, đánh phá miền Bắc. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn phê chuẩn chiến dịch quân sự “Linebacker II” đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng… chủ yếu bằng “siêu pháo đài bay” B-52 nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán… Chúng đã sử dụng máy bay chiến lược B-52 gồm 193/tổng số 400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có một biên đội máy bay F.111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay 6/24 chiếc. Ngoài ra còn có hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác.

Ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc. Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học… Bom đạn của giặc đã hủy diệt nhiều phố sá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; làm chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên – khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội.

Quân và dân Thủ đô đã chủ động chuẩn bị về mọi mặt, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, dũng cảm, kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại. Chỉ hơn 10 ngày, Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công, phần lớn phi công bị chết và bị bắt đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay rất cao. Tướng Gioóc Ếttơ – Phó chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, ngày 30/12/1972, đã thú nhận trên tạp chí US.Air Forces (Không lực Hoa kỳ): “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”. Với việc đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết.

Có vị trí chiến lược quan trọng, nơi được lựa chọn phát triển thành phố công nghiệp của miền Bắc XHCN, Vĩnh Phú (Phú Thọ và Vĩnh Phúc hiện nay) là trọng điểm đánh phá trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Cuối năm 1972, nắm được dã tâm của địch, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho các binh chủng, các lực lượng vũ trang địa phương chủ động đánh bại mọi bước leo thang mới của đế quốc Mỹ. Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc có Chỉ thị gửi Tỉnh uỷ Vĩnh Phú, chỉ rõ trọng điểm phải đối phó với kẻ thù là thành phố Việt Trì và Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. Tại thành phố Việt Trì, các cơ quan và người dân cơ bản đã được sơ tán, lực lượng còn lại bám trụ chiến đấu chủ yếu là bộ đội và dân quân tự vệ. Tỉnh đã huy động 75.413 ngày công để đào đắp công sự trận địa.

Từ ngày 18/12 đến 29/12/1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng 362 lần tốp máy bay với1.068 lần chiếc máy bay, trong đó có 20 lần tốp, 60 lần chiếc B-52 đánh phá 44 lần trên không phận Vĩnh Phú. Chúng đã trút xuống 6.474 quả bom các loại, chín lần bắn tên lửa, hai thùng bom bi, gần 3.000 tấn bom đạn ném xuống 54 mục tiêu. Các trọng điểm như Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Lâm Thao, Đoan Hùng chúng chủ yếu dùng máy bay F4 và F111 để oanh tạc. Phối hợp chiến đấu để bảo vệ Thủ đô, bảo vệ không phận Đất Tổ, bộ đội tỉnh ta đã hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với bộ đội phòng không bắn rơi hai máy bay B-52 của giặc Mỹ, góp phần thắng lợi vào trận “Điện Biên Phủ trên không”, được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi thư khen ngợi.

Không chỉ anh dũng trong chiến đấu, quân và dân các dân tộc trong tỉnh còn thể hiện rõ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phục vụ chiến đấu, trong sản xuất và bảo đảm giao thông vận tải, thông tin liên lạc, giải quyết hậu quả sau mỗi trận oanh tạc của địch. Khi sân bay Đa Phúc và các huyện, xã lân cận bị đánh phá, tỉnh đã huy động các huyện Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Phù Ninh, Thanh Sơn, Yên Lập giúp đỡ nhân dân các địa phương thuộc hai huyện Kim Anh, Đa Phúc hàng ngàn tấn vật liệu, lương thực, quần áo để sửa chữa nhà cửa, ổn định đời sống.

50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn vẹn nguyên giá trị. Cùng với những bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay về giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng; tăng cường sức mạnh, ý chí chiến đấu, xây dựng tinh thần chủ động, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng; kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới… Chiến thắng vang dội này còn là niềm tự hào, tạo động lực, nhân lên sức mạnh để Nhân dân cả nước nói chung và người dân Đất Tổ nói riêng thêm vững tin, khơi dậy ý chí, quyết tâm dựng xây, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng LÊ QUANG ĐẠI, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.