Thứ năm Ngày 02 Tháng 05 Năm 2024, 06:46:58

Cánh chim trên đỉnh Cham Chu

Ngày đăng: 09/10/2020

Giữa những cánh rừng nguyên sinh Cham Chu, ông Nông Quý Thọ, thôn Bản Ba 2, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) được ví như cánh chim đầu đàn, vừa đi đầu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vừa tiên phong trong việc làng việc nước. Mọi việc ông làm, không vì gánh nặng gì trên vai, mà chỉ vì bản thân thôi thúc mình phải làm thế…

Không để “lạc bầy”

Cách đây hơn chục năm, 26 hộ đồng bào Dao đỏ ở Xuân Tân cũ (Na Hang) nhường đất cho công trình thủy điện Tuyên Quang, di chuyển về Bản Ba 2 định cư. Nhiều người thấy mình như “cánh chim lạc bầy”, khi chưa quen với điều kiện sống mới, giữa những người hàng xóm mới, cách thức sản xuất mới…

Ông Nông Quý Thọ cũng không tránh khỏi cảm giác ấy. Ông bảo, ngày còn ở quê cũ, bà con canh tác chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Trời cho nước đến đâu, thì trồng lúa đến đấy. Không đủ ăn thì mang vó ra sông, ra suối đánh bắt cá, vào rừng hái măng, hái rau về cải thiện bữa ăn cho vợ, cho chồng. Giờ ở miền đất mới, điều kiện cũng không có nhiều cách biệt so với cố hương, nhưng nếu vẫn giữ thói quen này thì… không ổn. Ông Thọ xoay qua làm đủ nghề, từ mở cửa hàng tạp hóa phục vụ bà con trong thôn, đến cho thuê phông bạt đám cưới. Không nhanh nhạy được như ông, nhiều người không thích nghi được đã nghĩ đến chuyện bỏ về quê cũ tìm cách làm ăn, mặc dù đất ruộng ở đây vẫn không khai thác hết hệ số sử dụng đất. Bà con vẫn giữ thói quen chỉ làm ruộng 1 vụ, nhiều lắm cũng chỉ được 2 vụ, nên dù giữ trong tay “tấc vàng”, thì nhiều nhà mới chỉ đủ ăn chứ chưa nói đến tích trữ, có của ăn của để.


Ông Thọ chăm sóc vườn cam.

Thấy không ổn, mặc dù không giữ “chức vụ” gì trong thôn, ông Thọ vẫn đến từng nhà tìm hiểu lý do, và nghĩ cách giữ chân đồng bào ở lại quê mới, không để mình như “cánh chim lạc bầy” ngay giữa nơi núi rừng trùng điệp này được. Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hà (Chiêm Hóa) Chư Văn Dũng, lúc này đang là Bí thư Đoàn xã được cấp ủy phân công sinh hoạt Đảng với thôn Bản Ba 2, cũng sắn tay áo cùng Bí thư chi bộ và các đảng viên tìm cách thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của người Dao đỏ ở đây.

Những đảng viên như ông Nông Quý Thọ là những người đầu tiên học cách trồng cây vụ đông ở Bản Ba 2. Ông Thọ chia sẻ, ở Xuân Tân cũ, mùa đông gió hang thổi về rất to, bà con gần như không bao giờ trồng ngô trồng màu gì vào mùa này. Vì hễ gieo hạt, lên cây, chưa kịp thu hoạch gì gió đã thổi gãy rạp hết cả. Nhưng về Bản Ba 2, được núi Cham Chu bao quanh, bảo vệ, xung quanh người dân bản địa trồng ngô, trồng màu, trồng hoa quả… khắp đồng ruộng, khắp chân đồi, vườn tạp mà chưa năm nào mất mùa. Ông Thọ tiên phong trồng trước 2.500 m2 ngô đông. Ông cũng mua 4 – 5 con trâu để tận dụng phụ phẩm từ trồng trọt, tăng thu nhập cho gia đình.

Ông Thọ làm trước, rồi đến từng nhà, vận động nhiều hộ khác làm theo. Ông bảo, mục tiêu là “không để đất trống, cũng không để túi bà con bị rỗng”. Từ những người dễ vận động, đến những người “cứng đầu” hơn, như hộ Nông Quý Mềnh, Lý Sành Khuyên… thấy cách ông Thọ làm, cũng bắt tay làm theo. Nếu trước đây bà con tái định cư gần như để ruộng “nghỉ ngơi” suốt vụ đông, thì giờ nhà nào cũng làm, người trồng rau màu, người trồng ngô, diện tích vụ đông đã lên đến 20,5 ha. “Công đầu thuộc về ông Nông Quý Thọ!” – Phó Chủ tịch UBND xã Chư Văn Dũng khẳng định thế.

Hết trồng vụ đông, ông Thọ lại cùng bà con tái định cư đến học cách trồng cam sành của người bản địa. Nhà ông Thọ giờ đã có gần 500 gốc cam 4 năm tuổi, năm nay dự kiến thu về chừng 10 – 12 tấn quả. Nhà ông Lý Sành Khuyên có 400 gốc cam 5 năm tuổi, năm vừa rồi đã thu gần 60 triệu đồng… Ông Thọ khoe, mới đây, Bản Ba 2 đã được đưa vào vùng trọng điểm trồng cam sành ở xã Trung Hà, cùng với Khuôn Pồng 2, Khuổi Hỏi và Khuôn Nhòa.

Giấc mơ Homestay

Bản Ba 2 nằm trong lòng dãy Cham Chu hùng vĩ. Đất này được thiên nhiên ban tặng dòng thác Bản Ba nổi tiếng khắp đất Chiêm Hóa và mới đây, thác Khuôn Nhòa cùng hệ thống hang động kỳ thú mới được phát hiện và bắt đầu được khách du lịch nhiều nơi biết đến. Từ đầu năm 2020, một số hộ đồng bào Tày ở Bản Ba 1 được chính quyền xã hướng dẫn, lựa chọn làm điểm xây dựng Homestay phục vụ khách du lịch, người Dao ở Bản Ba 2 cũng háo hức lắm.


Phụ nữ Dao đỏ thôn Bản Ba 2 giữ nghề thêu truyền thống.

Niềm tự hào của người Dao ở Bản Ba 2 là dù đã về quê mới bao nhiêu năm, những làn điệu páo dung mượt mà, ấm áp; những tấm khăn, chiếc áo được thêu tay cầu kỳ vẫn được bà con gìn giữ và ngày càng phát triển. Chị Lý Thị Chạn những ngày không phải quanh quẩn với ruộng vườn lại đến từng nhà trong thôn, đặt hàng chị em phụ nữ thêu lên những nét hoa văn truyền thống, để đến ngày chợ phiên, vợ chồng chị lại bắt xe từ Chiêm Hóa lên các xã vùng cao Na Hang bán cho khách đã đặt hàng trước. Mỗi phiên chỉ bán được vài bộ trang phục thôi, nhưng mình không nản lòng đâu. Đây vừa là cách để mình giữ được nghề, vừa là cách để sản phẩm truyền thống của bà con mình được nhiều người biết đến, sử dụng. Chị Chạn bảo, nếu du lịch phát triển, nếu Bản Ba 2 có Homestay, thì vợ chồng mình sẽ bỏ hẳn chuyện tháng vài bận bắt xe đi bán đồ thổ cẩm nữa. Mình sẽ chỉ ở nhà, thêu khăn thêu áo, làm quà lưu niệm bằng cái nghề mẹ cha, ông bà đã dạy để phục vụ khách du lịch thôi…

Nhưng ông Thọ cười bảo, làm dịch vụ du lịch là câu chuyện không phải một sớm một chiều. Ông Thọ tìm đến UBND xã học hỏi cách làm. Khi được cán bộ xã hướng dẫn việc cải tạo, chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, ông về hướng dẫn, vận động từng nhà cách thực hiện. Ở Bản Ba 2, giờ trước mỗi nhà đều có một bể đốt rác mini để bà con tự thu dọn rác thải và xử lý ngay tại nhà. Nhiều người cùng chung chí hướng với ông Thọ, như Bàn Văn Nam, Nông Quý Mềnh cũng đã tính đến chuyện cải tạo nhà cửa để làm dịch vụ như người Tày ở Bản Ba 1. Như anh Bàn Văn Nam, nuôi giấc mơ lớn hơn khi ấp ủ xây dựng một quần thể nhà trình tường cổ của người Dao, rồi mở thêm cả dịch vụ tắm lá thuốc dân tộc để thu hút thêm ngày càng nhiều khách du lịch đến với đất Trung Hà.

Từ năm 2013, ông Nông Quý Thọ được bà con tin yêu bầu là người có uy tín của bản. Ông Thọ bảo, mỗi việc mình làm tuy nhỏ nhưng sẽ cùng người làng tạo nên nhiều việc lớn có ích. Và người có uy tín Nông Quý Thọ đều nỗ lực góp sức mình từ những việc nhỏ nhất, để cuộc sống của bà con người Dao đỏ ở Bản Ba 2 khởi sắc, rực rỡ như chính những đường nét trên tấm khăn thổ cẩm bà con dệt lên mỗi ngày.

(Theo Báo Tuyên Quang)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.