Bài học từ Covid-19: Cần chủ động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch
Thảo luận tại Quốc hội sáng 29-5, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) nhấn mạnh tới những đóng góp tích cực của Quân đội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và nêu bài học quan trọng là cần chủ động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Sáng 29-5, tiếp tục chương trình lại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội nghe Báo cáo của Đoàn giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và thảo luận tại hội trường về nội dung này. Phiên họp được thực hiện dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Quân đội hoàn thành tốt những việc chưa từng làm
Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang), là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia phòng, chống dịch, ngay từ đầu, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huy động kịp thời các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể là đã huy động hơn 192.000 lượt cán bộ, chiến sĩ có trình độ chuyên môn đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn phòng, chống dịch để hỗ trợ các địa phương triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Lực lượng Quân đội đã tham gia phòng, chống dịch với nhiều công việc khác nhau, như công tác khám, chữa bệnh, tiêm chủng, làm nhiệm vụ cách ly công dân nhập cảnh, tham gia tích cực việc bảo đảm an sinh xã hội. Có những công việc bộ đội chưa từng làm trước đó, nhưng đã tổ chức và hoàn thành tốt, rất tốt, như mai táng, vận chuyển tử thi, tro cốt của nạn nhân Covid…
Quân đội, trực tiếp là Bộ đội Biên phòng, cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương và phối hợp rất chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan kiểm soát tốt tuyến biên giới đất liền, trên biển, ngăn chặn triệt để tình trạng xuất-nhập cảnh trái phép, không để dịch bệnh xâm nhập qua biên giới và các đối tượng xấu lợi dung tổ chức hoạt động chống phá, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, thường xuyên duy trì khoảng 20.000 tổ, chốt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở với khoảng 13.000 lượt cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trực tiếp tham gia.
Bốn bài học kinh nghiệm huy động, sử dụng nguồn lực
Bên cạnh những kết quả đã đạt được như báo cáo đã nêu, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng còn nhiều vấn đề hạn chế và đó cũng là bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó với những tình huống tương tự đại dịch Covid-19 vừa qua.
Thứ nhất là đòi hỏi cần có sự đồng bộ, thống nhất trong việc huy động, điều động nhân lực, bao gồm cả lực lượng tư nhân, phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc để mỗi cá nhân tham gia phòng, chống dịch phát huy tốt năng lực, sở trường, hạn chế sở đoản và tham gia phòng, chống dịch hiệu quả nhất.
Thứ hai, chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch, nhất là tuyến đầu chống dịch còn chậm, còn chưa đầy đủ như báo cáo giám sát đã chỉ ra.
Thứ ba, trong phòng, chống dịch đã có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đã có những hình thức khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức rất kịp thời. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ và các địa phương tiếp tục rà soát để vinh danh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc khi tham gia phòng, chống dịch.
Thứ tư, Quốc hội đang thảo luận và Luật Phòng thủ dân sự sẽ được thông qua tại kỳ họp này với nhiều quy phạm liên quan tới huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng thủ dân sự, trong đó có quy định về việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự. “Đây là quy định hết sức phù hợp, đặc biệt là trong điều kiện đất nước ta vừa trải qua đại dịch chưa từng có trong lịch sử, với nhiều bài học kinh nghiệm về ứng phó với các tình huống dịch bệnh cấp bách, thảm họa, thiên tai, chiến tranh, trong đó có bài học về chủ động nguồn lực”, đại biểu Hoàng Ngọc Định nói.
Bảo đảm công bằng giữa các lực lượng cùng tham gia phòng, chống dịch
Đại biểu Hoàng Ngọc Định đặc biệt nhấn mạnh về chế độ, chính sách cho lực lượng gián tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch. Vào những thời điểm cam go nhất của các đợt bùng phát dịch, cũng như lực lượng y tế trực tiếp nơi tuyến đầu, đội ngũ viên chức ở các bộ phận gián tiếp cũng đã tham gia rất tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đại biểu lấy ví dụ về bộ phận lái xe thực hiện nhiệm vụ chở người đi truy vết, phóng viên truyền thông vào các vùng dịch, khu cách ly y tế để tập trung điều tra, truy vết. Bộ phận tài chính, kế toán, kế hoạch nghiệp vụ trực tiếp thu phí xét nghiệm tại đơn vị và các khu cách ly. Bộ phận tổ chức hành chính điều động nhân lực, phương tiện tham gia phòng, chống dịch, phục vụ công tác hậu cần. Bộ phận truyền thông, giáo dục sức khỏe hằng ngày cập nhật thông tin tuyên truyền phục vụ phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan y tế các cấp đến tận thôn bản.
“Các bộ phận trên làm việc không kể ngày đêm, không kể ngày nghỉ và cũng thường xuyên, trực tiếp trong tiếp xúc môi trường có nguy cơ cao về lây nhiễm, nhằm bảo đảm tốt nhất công tác hậu cần cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, góp phần thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19”, đại biểu Hoàng Ngọc Định nói.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15-2-2023 về việc bổ sung và tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và cán bộ y tế tuyến cơ sở lên mức 100%. Trong nghị định cũng chỉ đề cập đến số cán bộ làm việc thường xuyên và trực tiếp, không có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gián tiếp.
Nhấn mạnh như vậy, đại biểu cho rằng, để bảo đảm quyền lợi, động viên cán bộ làm việc gián tiếp và bảo đảm công bằng giữa các lực lượng cùng tham gia trong công tác phòng, chống dịch nói chung và công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng, Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan cần xem xét, bổ sung chính sách và tăng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với đội ngũ lái xe, hành chính, kế toán và cán bộ khác trong hệ thống y tế dự phòng…
(Theo qdnd.vn)