Thứ năm Ngày 02 Tháng 05 Năm 2024, 03:23:06

Yên Bái đào tạo nghề cho lao động nông thôn: “Chìa khóa”giảm nghèo bền vững – Bài 1: Tạo việc làm, tăng thu nhập

Ngày đăng: 12/12/2020

Đề án 1956 được triển khai trên địa bàn tỉnh Yên Bái từ năm 2010. Tính trung bình mỗi năm có khoảng hơn 18.000 lao động có việc làm sau khi học nghề.

Lao động nông thôn huyện Trấn Yên tham gia học nghề theo Đề án 1956.

Lao động nông thôn huyện Trấn Yên tham gia học nghề theo Đề án 1956.

 

Thực hiện Quyết định 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” (viết tắt là Đề án 1956), đến nay, chất lượng LĐNT trên địa bàn tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể.

 

Công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy năng suất lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

 

Đề án 1956 được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2010. Khi đó, tỉnh Yên Bái có trên 80% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn thấp, chủ yếu sản xuất nông nghiệp dựa trên kinh nghiệm truyền thống. Song, đến nay, sau khi được học nghề, trên 80% LĐNT hiện đã biết áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất; đồng thời, có cơ hội tìm được việc làm phù hợp.

 

Triệu phú "gà và ba ba”

 

Gia đình anh Nguyễn Đức Long ở thôn Khe Tho, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn trước đây là hộ khó khăn của xã. Vợ chồng anh Long rất chịu khó làm ăn, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, song vì thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế thấp. Trong lúc còn loay hoay chưa tìm được hướng đi cho phát triển kinh tế gia đình thì may mắn anh Long được tham gia lớp đào tạo chăn nuôi gà theo Đề án 1956 của Chính Phủ. 

 

Thông qua khóa học, nhận thấy nuôi gà không khó, chỉ cần nắm chắc kỹ thuật, quy trình chăn nuôi là có thể thành công nên anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi gà. Trước khi bắt tay vào làm mô hình chăn nuôi gà với quy mô 1 vạn con/lứa, anh Long đã dành thời gian nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm và nguồn cung ứng con giống đảm bảo chất lượng. 

 

Nhờ tuân thủ, áp dụng đúng kiến thức đã học từ lớp đào tạo chăn nuôi gà nên nhiều năm qua, mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nhiều diễn biến phức tạp, song trang trại gà của gia đình anh vẫn luôn phát triển khỏe mạnh, cho năng suất, chất lượng tốt. 

 

Anh Long chia sẻ: "Trung bình mỗi năm, gia đình tôi bán ra thị trường khoảng 20 tấn gà, trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng. Đối với tôi, đến với chăn nuôi gà cũng là cái duyên và cũng là cơ hội để thoát nghèo. Nếu không được tham gia lớp tập huấn chăn nuôi gà do xã tổ chức thì có lẽ gia đình tôi không thể tự tin chăn nuôi gà với quy mô lớn như hiện nay”. 

 

Cùng với chăn nuôi gà, gia đình anh Long còn là một trong những hộ đi đầu ở xã Nghĩa Tâm phát triển nghề nuôi ba ba mang lại thu nhập cao. Anh Long cho biết, thành công từ nuôi gà đã giúp anh nhận ra, làm gì cũng cần phải có kiến thức. Do đó, bắt tay vào nuôi ba ba, anh cũng đã chủ động tìm hiểu kiến thức khoa học, kỹ thuật, tiếp tục đăng ký tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt do địa phương tổ chức. 

 

Hiện tại, trung bình mỗi năm, gia đình anh Long xuất bán ra thị trường khoảng 2.000 con ba ba giống mang về thu nhập trên 300 triệu đồng. Học tập gia đình anh Long, nhiều hộ nông dân khác ở xã Nghĩa Tâm đã tích cực tham gia các lớp học nghề, áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất nên đến nay, nghề chăn nuôi gà và ba ba đã phát triển mạnh ở địa phương. 

 

Xã Nghĩa Tâm đã thành lập được "Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản” do anh Long làm chủ nhiệm. Các thành viên trong Hợp tác xã thường xuyên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi và liên kết trong phát triển sản xuất nên hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Nhiều gia đình đã trở thành hộ khá, giàu và riêng gia đình anh Long là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2017.

 

Ông chủ "mỹ nghệ quế”

 

Khao khát được học nghề, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương cũng là động lực để anh Nguyễn Huy Cương ở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên đăng ký tham gia lớp đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ từ quế do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức năm 2016. Sau khi học nghề, anh Cương đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ quế. Mặc dù thời gian đầu gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, chưa tìm được thị trường tiêu thụ, song nhận thấy quế là sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ quế nên anh Cương vẫn quyết chí làm. 

 

Yêu nghề, gắn bó với nghề và nghề đã "trả nghĩa” cho anh bằng những đơn đặt hàng đến từ rất nhiều nơi. Khách hàng thích đồ thủ công mỹ nghệ từ quế do gia đình anh sản xuất không chỉ bởi sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường mà còn bởi sự sắc nét, tinh xảo trên từng sản phẩm, thể hiện cái "tâm” của người làm nghề. Từ một xưởng sản xuất nhỏ, đến nay, gia đình anh Cương đã thành lập Doanh nghiệp tư nhân "Phương Nhung” với ngành nghề kinh doanh chính là tinh dầu quế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế như: hộp đựng tăm, hộp đựng giấy ăn, hộp đựng chè, ống điếu… 

 

Để đáp ứng nhu cầu đặt hàng, trung bình mỗi năm, gia đình anh Cương nhập khoảng chục tấn vỏ quế nguyên liệu. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng tiền lãi/năm; đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng trở lên. Anh Cương chia sẻ: "So với sản phẩm vỏ và gỗ quế thông thường thì đồ thủ công mỹ nghệ làm từ quế cho giá trị kinh tế cao gấp 1,5 – 2 lần. Đây là cơ sở để các hộ sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ quế có thể yên tâm gắn bó với nghề và các lao động địa phương tiếp tục tham gia học nghề”.

 

Nhân rộng mô hình đào tạo nghề điển hình

 

Thời gian qua, trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 18.000 lao động có việc làm sau khi học nghề. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm cao một phần là do người học đã có những dự báo, định hướng đúng về cơ hội, nghề nghiệp tương lai, phần khác đã tham gia vào các "mô hình đào tạo nghề” do địa phương tổ chức. 

 

Ông Đỗ Văn Bách – Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Văn Chấn chia sẻ: "Bám sát nhu cầu thực tế học nghề của lao động nông thôn cùng định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương, huyện đã thực hiện thí điểm và nhân rộng một số mô hình đào tạo nghề. Đến nay, các mô hình đều phát huy hiệu quả, thu hút nhiều lao động tham gia như: nghề chạm khắc đá, nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề trồng cây ăn quả có múi”. 

 

Cùng với huyện Văn Chấn, hiện nay, các địa phương trong tỉnh cũng đã và đang thực hiện và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề điển hình, mang lại việc làm, hiệu quả kinh tế cao cho người lao động như: nghề sản xuất rau an toàn ở xã Tuy Lộc và xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái; nghề trồng và sơ chế măng tre Bát độ ở xã Kiên Thành, nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại các xã Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp, huyện Trấn Yên; nghề chăn nuôi lợn ở huyện Lục Yên; nuôi ong mật ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải; nghề làm du lịch cộng đồng homestay ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, huyện Mù Cang Chải… 

 

Thông qua tham gia các mô hình đào tạo nghề do địa phương tổ chức, nhiều lao động nông thôn đã phát huy hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế; từ đó, thành lập nên các tổ hợp tác, hợp tác xã nông – lâm nghiệp nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đưa sản phẩm của địa phương thành sản phẩm OCOP, tạo sức cạnh tranh, vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế.

 

Theo thống kê của ngành chức năng, giai đoạn 2010 – 2020, toàn tỉnh có 52.336 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo và có việc làm sau khi học nghề, đạt 87,4%. Trong đó, lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là 36.190/39.767 người, đạt tỷ lệ 91% (bao gồm những người sau khi học nghề tiếp tục làm việc với năng suất và thu nhập cao hơn trước); lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp là 16.146/20.111 người, đạt tỷ lệ 80,3% (bao gồm những người được tạo việc làm mới). Đ

 

ã có 3.527 lượt người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng; 3.181 lượt người được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm, 44.533 lượt người tự tạo việc làm; 1.095 lượt người tự thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; 1.917 lượt người thuộc hộ thoát nghèo sau một năm học nghề; 3.606 lượt người thuộc hộ có thu nhập khá sau một năm học nghề… 

 

Đây là minh chứng xác thực, khẳng định vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay.

(Theo Báo Yên Bái)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.