Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 08:38:02

Xây dựng Đảng theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 05/06/2019

QK2 – Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nung nấu viết Bản Di chúc thiêng liêng, “để lại cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” với niềm mong mỏi: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Trong Bản Di chúc thiêng liêng ngắn gọn, xúc tích ấy, vấn đề đầu tiên người nhắc đến là xây dựng Đảng. Người viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Tư tưởng về xây dựng Đảng giữ vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống tư tưởng cách mạng của Người. Từ năm 1949, Bác đã yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải "cần, kiệm, liêm, chính”. Trong Di chúc, Người coi đó là công việc hàng đầu, là vấn đề trước hết của Đảng ta. Người quan niệm, “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, Đảng phải được xây dựng thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi

Đoàn kết, thống nhất là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, đồng thời đó là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng ta. Đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Bác khẳng định: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Như vậy, Bác coi xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công, là vấn đề sinh tử của từng tổ chức Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng. Có thể thấy, đoàn kết thống nhất trong Đảng không chỉ là mối quan tâm lớn hàng đầu của Người mà còn là nỗi niềm đau đáu, trăn trở của Bác nghĩ về cả mai sau cho Đảng, cho cách mạng.

Người yêu cầu: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Những nội dung yêu cầu này cũng là những nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt, hoạt động, quy luật phát triển của Đảng; đồng thời là yêu cầu rèn luyện cán bộ, đảng viên.

Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đây là những yêu cầu cơ bản về đạo đức của cán bộ, đảng viên, xuất phát từ bản chất cách mạng và mục đích của Đảng, từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.

Chỉnh đốn Đảng, đoàn kết trong Đảng luôn được Bác nhắc tới trong suốt cuộc đời cách mạng. Khi Bác ra đi, còn mang canh cánh bên lòng nỗi niềm miền Nam chưa được giải phóng.  Trong Bản Di chúc, Bác căn dặn lại sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đất nước bước vào nhiệm vụ mới cần phải thực hiện nhiệm vụ “chỉnh đốn lại Đảng”, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.

Hai chữ “Đảng” và “Dân” bao trùm trong Bản Di chúc Bác Hồ và đây cũng là những mối quan tâm sâu sắc nhất trong suốt cuộc đời và trở thành nội dung xuyên suốt tư tưởng của Người. Những lời căn dặn trong Di chúc có giá trị lâu dài đối với cách mạng.

Chính vì lẽ đó, suốt những năm qua, Đảng ta luôn xác định, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ sống còn, nhiệm vụ then chốt. Đảng đã ra nhiều Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng. Tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” chỉ ra một số tồn tại, yếu kém trong Đảng và nhận định, những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đảng chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị; đạo đức, lối sống và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Từ đó, Đảng ta đã đặt ra mục tiêu đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Quyết tâm và những kết quả về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng của Đảng ta trong thời gian qua chính là cụ thể hóa thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để Đảng ngày càng xứng đáng với vai trò to lớn mà Bác hằng mong muốn.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.