Thứ bảy Ngày 04 Tháng 05 Năm 2024, 05:59:34

Từ “hành trang” Điện Biên Phủ, nâng cao chất lượng xây dựng Sư đoàn hôm nay

Ngày đăng: 21/04/2024

QK2 – Những ngày cao điểm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước, Đại đoàn 316 được giao nhiệm vụ đánh tiêu diệt nhiều cứ điểm, mục tiêu quan trọng của quân Pháp như Đồi A1, các Điểm cao C1, C2… Các đơn vị thuộc Đại đoàn đã dũng cảm chiến đấu, phòng ngự đánh địch tái chiếm mục tiêu và đào hào vây siết quân địch. Một trong những điểm nổi bật của Đại đoàn là: Phối hợp với các đơn vị bạn đào hàng nghìn mét hào, đặt và điểm hỏa khối thuốc nổ gần 1.000kg ở Đồi A1 làm hiệu lệnh tổng công kích trên toàn Mặt trận vào 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954. Đến 4 giờ 30 sáng ngày 7 tháng 5, Trung đoàn 174 đã làm chủ A1, sau đó dùng hỏa lực bắn mạnh sang C2 chi viện cho Trung đoàn 98. Đến 9 giờ 30 ta làm chủ C2. Cùng lúc này Trung đoàn 174 cũng đánh chiếm hoàn toàn A3.

Đội ngũ cán bộ các cấp Sư đoàn 316 thường xuyên gần gũi, động viên bộ đội. Ảnh: CTV

Sau một đêm chiến đấu, Đại đoàn 316 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm A1, C2 và A3, trong đó 2 điểm cao A1 và C2 là hai điểm cao phòng ngự then chốt cuối cùng của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển tiến công, tiêu diệt các mục tiêu của địch, bắt sống Bộ chỉ huy quân Pháp, kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ vào chiều 7-5-1954.

Ngay sau Chiến dịch, Trung đoàn 174, Trung đoàn 98 vinh dự được nhận Cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đồng chí La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, Lý Văn Mưu, Đàm Văn Ngụy, Đặng Đức Song được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. 6 đồng chí được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đại đoàn được tặng thưởng 5 Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; nhiều cán bộ, chiến sĩ được khen thưởng.

Những bài học kinh nghiệm quý báu từ Chiến dịch trở thành hành trang vô giá cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 nghiên cứu, vận dụng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển.

Trong điều kiện thời bình, Sư đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, chiến đấu. Bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; vận dụng tốt 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp; tăng cường huấn luyện thể lực, huấn luyện đêm, các bài bắn mới, cơ động theo tình huống chiến đấu, làm chủ vũ khí trang bị có trong biên chế; thực hiện tốt các đề án đổi mới công tác giáo dục chính trị giai đoạn mới. Căn cứ đối tượng huấn luyện để xác định tổ chức, phương pháp huấn luyện cho phù hợp, đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Cùng với đó, Đảng uỷ, chỉ huy Sư đoàn luôn phát huy dân chủ quân sự trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu như: Trước và sau mỗi trận chiến đấu hay thực hiện nhiệm vụ diễn tập đều tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm…, từ đó có những chủ trương, giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu sát với từng đối tượng, cụ thể. Đối với chiến sĩ mới, Sư đoàn tổ chức huấn luyện cơ bản ngay từ đầu; huấn luyện thuần thục động tác chiến thuật từng người đến chiến thuật cấp tổ; chuẩn bị chu đáo cho các buổi bắn tập bài 1 súng tiểu liên AK, ném tập lựu đạn nổ nhiều lần để làm quen với tiếng nổ; huấn luyện toàn diện, cơ bản các nội dung về chính trị, hậu cần, kỹ thuật; tăng cường hội thao để đánh giá chất lượng, kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế.

Đối với chiến sĩ năm thứ nhất và năm thứ hai, đơn vị chú trọng rèn luyện thể lực, sức cơ động; nâng cao chất lượng các bài bắn ẩn hiện, vận động ban ngày, ban đêm; kết hợp học mới ôn cũ, gắn huấn luyện kỹ thuật với chiến thuật. Các cuộc diễn tập có nhiều đổi mới, sáng tạo về tổ chức, phương pháp, nhất là trong điều kiện phòng chống dịch bệnh; tận dụng vật liệu tại chỗ ghép bè mảng thành cầu dã chiến để vượt sông, phù hợp tình hình thực tế tác chiến trên địa bàn; quá trình trú quân chiến đấu, tổ chức xây dựng hệ thống hầm trú ẩn cho bộ đội và cất giữ VKTB; hạn chế sử dụng lán âm và mắc tăng võng để tránh sát thương của các loại vũ khí công nghệ cao. Kết quả, tham gia và chỉ đạo diễn tập, bắn chiến đấu các năm đều đạt giỏi về kỹ thuật, khá về chiến thuật, đơn vị an toàn; trong đó có nhiều cuộc diễn tập do Quân khu, Bộ chỉ đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tăng cường giáo dục truyền thống nhiệm vụ, nắm và giải quyết tình hình tư tưởng, giữ vững quyết tâm của bộ đội trong mọi tình huống, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ mới, khó khăn gian khổ. Tất cả bằng “Mệnh lệnh từ trái tim”, mỗi cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn không quản ngại gian khổ hi sinh sẵn sàng xả thân vượt núi, băng rừng làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt, làm “hồi sinh” những trường học, bản làng, xây đắp tình quân dân cá nước.

Tự hào cùng Chiến thắng Điện Biên Phủ, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 luôn xây dựng bản lĩnh chính trị, vững vàng niềm tin với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; mài sắc ý chí chiến đấu; luôn phát huy tinh thần “7 dám” của Tổng Bí thư đã yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên trong Quân đội phấn đấu rèn luyện và học tập, noi theo. Hành trang vô giá từ Chiến dịch Điện Biên Phủ mà lớp cán bộ, chiến sĩ cha anh đã xây đắp nên sẽ trở thành động lực, sức mạnh giúp cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn hôm nay vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đại tá NGUYỄN TRUNG ĐẮC, Chính uỷ Sư đoàn 316
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.